Đà Nẵng: Vì sao xe điện ba gác thu gom rác chưa được cấp phép?

Sau gần hai tháng thí điểm, xe điện ba gác thu gom rác thải ở Đà Nẵng dù khá hiệu quả, năng suất cao nhưng vẫn chưa được cấp phép hoạt động.

Xe điện ba gác giúp công nhân môi trường giải phóng sức lao động, nâng cao hiệu quả, năng suất thu gom rác thải sinh hoạt

Xe điện ba gác giúp công nhân môi trường giải phóng sức lao động, nâng cao hiệu quả, năng suất thu gom rác thải sinh hoạt

Chỉ là thí điểm “nội bộ”

Thời gian qua, những chiếc xe điện ba gác màu xanh, đến từng ngõ phố trên địa bàn quận Hải Châu, Thanh Khê... thu gom rác, đã quen thuộc với người dân. Xe động cơ điện nên êm, thiết kế nhỏ gọn, ba gác để vừa thùng rác nên dễ dàng đi sâu vào các kiệt, hẻm gom rác. “Cứ đến giờ chúng tôi lại tập kết ra trước nhà rồi gom vào thùng rác. Xe điện nên không cảm giác nặng mùi xăng dầu như xe máy. Thiết kế xe mới, hài hòa môi trường”, bà Nguyễn Thị Lan, kiệt 56 đường Ông Ích Khiêm (Hải Châu) nói.

Theo ông Trần Văn Tiên, Phó tổng giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng, từ tháng 10/2019, đơn vị triển khai thí điểm “nội bộ” đưa 15 xe điện ba gác thu gom rác thải. Trong đó, 5 chiếc ở quận Hải Châu, 2 chiếc tại quận Thanh Khê và 8 chiếc ở quận Ngũ Hành Sơn. “Kết quả bước đầu cho thấy, loại xe điện ba gác dùng để thu gom rác thải giúp giải phóng được sức lao động của công nhân môi trường, trong khi đó công việc thu gom rác thải đạt hiệu quả, năng suất cao hơn. Việc phương tiện lưu thông, vận chuyển rác thải từ các kiệt, hẻm đến các bãi tập kết rác thuận lợi hơn”, ông Tiên cho biết.

Ông Hồ Duy Minh, công nhân môi trường thuộc Đội 4, Xí nghiệp Môi trường đô thị Hải Châu (Tổng công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng) chia sẻ, so với loại xe thùng “tự chế” gắn sau xe máy thu gom rác thải trước đây sử dụng, việc sử dụng loại xe điện ba gác để thu gom, vận chuyển rác thải có nhiều thuận lợi hơn. “So với trước đây sử dụng xe máy kéo thùng, mỗi ngày tôi thu gom được 8 - 10 chuyến, nhưng khi sử dụng xe điện ba gác, thu gom được 13 - 14 chuyến. Người đỡ vất vả, nhưng hiệu quả công việc lại cao”, ông Minh nói

Ông Võ Quốc Dũng, Đội trưởng Đội 4, Xí nghiệp Môi trường đô thị Hải Châu (Tổng công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng) cho biết thêm, loại xe điện ba gác không chỉ mang lại hiệu quả, năng suất trong việc thu gom rác thải trên địa bàn, mà còn giúp người công nhân giảm được chi phí, nâng cao thu nhập, giảm rủi ro tai nạn lao động, sức khỏe cho người công nhân môi trường. Trước đây, khi sử dụng xe máy kéo thùng “tự chế”, công nhân môi trường phải tự lo chi phí xăng xe, những rủi ro TNGT, vi phạm hành chính về trật tự ATGT. Nếu xe ba gác điện được đưa vào áp dụng triển khai, công ty chịu trách nhiệm về chi phí vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa hư hỏng, giúp đội ngũ công nhân môi trường yên tâm hơn với công việc”, ông Dũng bày tỏ.

Vẫn “hổng” pháp lý?

Được biết, vào tháng 8/2019, tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO) cũng thí điểm đưa 40 xe điện hoạt động trong khu vực trung tâm TP Huế, các tuyến đường dốc trong giai đoạn 2019 - 2020. Để điều hành loại xe này, Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế cũng xây dựng Trung tâm giám sát điều hành xe điện thu gom rác thải sinh hoạt.

Hiệu quả việc thí điểm đưa xe điện ba gác vào thu gom rác thải đang được minh chứng. Tuy nhiên, tìm hiểu của PV, chủ trương này mới chỉ dừng lại ở việc thí điểm “nội bộ”, chưa được các cơ quan chức năng Đà Nẵng thông qua. Các phương tiện xe điện này cũng chưa được cấp phép hoạt động, vận hành lưu thông như những loại phương tiện giao thông đường bộ khác.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh văn phòng Sở GTVT TP Đà Nẵng cho biết, hiện Sở GTVT TP Đà Nẵng chưa nhận được thông tin gì về việc Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng thực hiện thí điểm loại xe ba gác điện thu gom rác thải sinh hoạt.

Ông Trần Văn Tiên cũng thừa nhận, 2 vấn đề mà Tổng công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng lo lắng hiện nay là việc thực hiện thí điểm đưa loại xe điện ba gác vào thu gom rác thải chưa tuân thủ đúng với các quy định của pháp luật và ATGT. Đó là loại xe điện ba gác chưa được pháp luật công nhận là một phương tiện giao thông đường bộ, còn người điều khiển phương tiện xe điện ba gác lại không có GPLX phù hợp.

Theo ông Tiên, việc đưa xe điện ba gác vào thí điểm thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn, đơn vị đã nêu ra tại nhiều cuộc họp với lãnh đạo UBND TP và Sở GTVT Đà Nẵng, Công an TP Đà Nẵng. Tuy nhiên, việc cho phép hoạt động hay không là thuộc thẩm quyền Chính phủ và Bộ GTVT. “Tổng công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng đang có kế hoạch làm việc với HĐND TP Đà Nẵng, Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng để kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành cho phép việc triển khai loại xe điện ba gác vào hoạt động nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng suất công tác thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn”, ông Tiên cho hay.Lãnh đạo Tổng công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng cho rằng, thời gian qua, tốc độ phát triển, mở rộng đô thị Đà Nẵng rất nhanh, trong khi đó, các điểm trung chuyển thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn lại giảm dần nhằm đảm bảo mỹ quan, môi trường khu vực dân cư. Với điều kiện thực tế hiện nay, nhiều khu vực dân cư trên địa bàn nằm trong những đường kiệt, hẻm nên công tác thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt hết sức khó khăn (khối lượng rác thải các khu vực kiệt, hẻm chiếm khoảng 50 - 60% rác thải của thành phố). Vì vậy, việc sử dụng loại xe điện ba gác thu gom rác ở những khu vực này là một giải pháp hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế.

Đại Thắng

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/da-nang-vi-sao-xe-dien-ba-gac-thu-gom-rac-chua-duoc-cap-phep-d442314.html