Đà Nẵng: Vượt khó, nhiều doanh nghiệp sản xuất phát tín hiệu về đích vượt kế hoạch năm

Nhiều doanh nghiệp sản xuất tại TP. Đà Nẵng cho biết đã và sẽ về đích vượt kế hoạch của năm 2023. Nhiều đơn vị cũng đã có đơn hàng cho năm 2024.

Những tín hiệu tích cực

Sản xuất công nghiệp Đà Nẵng năm 2023 gặp nhiều khó khăn và gần như chắc chắn không đạt kế hoạch năm. Theo Cục Thống kê TP. Đà Nẵng, chỉ số sản xuất công nghiệp thành phố 11 tháng năm 2023 giảm 2,4% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo – ngành công nghiệp chủ lực giảm 3,8%. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 4,7% so với cùng kỳ, có tới 12/20 ngành có chỉ số tiêu thụ giảm; trong khi, chỉ số tồn kho tiếp tục tăng (chỉ số tồn kho tháng 11/2023 tăng 4,5% so với tháng 10/2023 và tăng tới 15,2% so với tháng 11/2022).

Dù sản xuất công nghiệp có nhiều khó khăn, nhưng nhiều doanh nghiệp Đà Nẵng vẫn tự tin "cán đích" năm 2023 đạt và vượt kết hoạch năm

Tuy nhiên, vẫn có nhiều doanh nghiệp cho biết, đã chắc chắn kết thúc năm 2023 đạt hoặc vượt kế hoạch sản xuất, kinh doanh đặt ra.

Ông Phan Duy Phương – Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại, sản xuất U&I (KCN Hòa Khánh mở rộng, quận Liên Chiểu) – đơn vị sản xuất trong lĩnh vực cơ khí chế tạo cho biết, năm 2023 là một năm khó khăn đối với doanh nghiệp khi đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh. Dù vậy, trong năm, doanh nghiệp vẫn duy trì được việc làm cho 100% lao động và đã có đơn hàng cho năm 2024.

Tương tự, theo ông Huỳnh Văn Thi – Giám đốc Công ty cổ phần thiết kế mỹ thuật P.A.D (huyện Hòa Vang), năm 2023, doanh nghiệp vẫn duy trì được đơn hàng, và sẽ đạt kế hoạch năm đặt ra, doanh thu không bị tụt giảm so với năm 2022 và đảm bảo việc làm cho người lao động.

Đáng chú ý, dù ngành giấy năm 2023 được đánh giá gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, Công ty TNHH sản xuất bao bì carton Hòa Bình (KCN Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ) vẫn duy trì được đà tăng trưởng và sản phẩm chủ yếu phục vụ xuất khẩu sang các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc. “Trong năm 2023, dù là năm “thấm đòn” của doanh nghiệp, Công ty vẫn chắc chắn sẽ hoàn thành mục tiêu kinh doanh của năm và tăng trưởng ít nhất 7 – 10% so với năm 2022”, ông Võ Thành Sơn – Giám đốc Công ty chia sẻ.

Công ty P.A.D đầu tư máy móc để đáp ứng tiến độ đơn hàng năm 2024 đã ký kết với đối tác

Liên tục đầu tư máy móc và khai thác thị trường nội địa

Điểm chung của các doanh nghiệp “cán đích” 2023 đạt và vượt kế hoạch đều là chú trọng đầu tư, đổi mới máy móc công nghệ, đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao của đối tác cũng như tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Đồng thời, khai thác hiệu quả thị trường nội địa nhiều tiềm năng.

Đại diện Công ty bao bì Hòa Bình cho biết, ngành sản xuất bao bì đòi hỏi phải luôn đổi mới, đa dạng mẫu mã, bên cạnh đó, sản phẩm của doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường khó tính nên đòi hỏi hàm lượng công nghệ trong sản phẩm cao, tính cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại cũng khốc liệt hơn. “Công ty vẫn hoạt động ổn định, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động, đặc biệt là kết quả kinh doanh hàng năm vẫn tăng trưởng, một nguyên nhân lớn quyết định đó là chúng tôi luôn chú trọng đầu tư máy móc cho sản xuất”, ông Sơn cho hay. Cũng theo ông Sơn, đơn vị vừa đầu tư hệ thống máy móc thiết bị gần 4 tỷ đồng. “Đầu tư trong thời điểm này chắc chắn rất khó khăn, nhưng nếu không đầu tư thì doanh nghiệp sẽ không thể tồn tại và sẽ bị đào thải. Chúng tôi đã đạt các chứng chỉ ISO, FSC cho ngành bao bì; và sẽ liên tục đầu tư máy móc để chủ động đáp ứng yêu cầu của khách hàng”, ông Sơn thông tin.

Tại Công ty P.A.D, một dây chuyền sản xuất vừa về đến nhà xưởng và đang được vận hành chạy thử. Ông Thi chia sẻ: “Đầu tư máy móc giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian sản xuất, nhất là thời điểm hiện tại đang là thời điểm vào mùa cho đơn hàng năm 2024. Đầu tư máy móc ở thời điểm này rất kịp thời, tăng sản lượng và kịp tiến độ theo đơn đặt hàng của đối tác. Bên cạnh đó, máy móc mới cũng làm ra sản phẩm đẹp hơn, chắc chắn hơn”.

Công ty Phương Quân U&I đầu tư hệ thống máy móc mới và "nhắm" đến thị trường nội địa năm 2024

Cũng là doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi xuất khẩu tụt giảm, tuy nhiên, Công ty TNHH sản xuất keo dán vải nhám Bá Lộc (KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) tự tin về đích đạt kế hoạch năm 2023 nhờ khai thác tốt thị trường nội địa. Ông Nguyễn Thanh Phước – Giám đốc Công ty cho biết, mảng xuất khẩu của doanh nghiệp năm nay ảnh hưởng nhiều do các đối tác đều bị giảm đơn hàng. Ngược lại, vì năm 2023 rất khó khăn, nhiều doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực không đủ năng lực để đứng vững phải tạm ngừng hoạt động. Từ đó, công ty Bá Lộc lại có thêm nhiều khách hàng trong nước, mở rộng ra cả miền Bắc và miền Nam. “Năm nay, mảng xuất khẩu chững lại thấy rõ, nhưng bù lại có thị trường nội địa đã “gánh” đầu ra cho sản phẩm của công ty. Vì vậy, dù có ảnh hưởng nhưng đến hiện tại chúng tôi vẫn tự tin sẽ đạt kế hoạch năm đã đặt ra”, ông Phước nói và cho biết thêm, đơn vị cũng vừa đầu tư một hệ thống sản xuất khép kín để đón đầu thị trường năm 2024. “Tôi đầu tư máy móc ngoài đáp ứng yêu cầu sản xuất, thì còn để phục vụ thị trường phục hồi sau giai đoạn thấp điểm. Tôi lạc quan về triển vọng thị trường từ năm 2024 trở đi sẽ phát triển trở lại”, ông Phước nhận định.

Cùng quan điểm, đại diện Công ty Phương Quân U&I cho biết, mảng xuất khẩu của đơn vị tụt giảm nhưng doanh nghiệp lại chú trọng thị trường nội địa, bên cạnh đó, vẫn mạnh dạn đầu tư máy móc để tạo sản phẩm mới phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa trong thời gian tới. “Sản phẩm mới của doanh nghiệp phục vụ cho hoạt động tiêu dùng thiết yếu ở thị trường trong nước. Chúng tôi kỳ vọng thị trường nội địa sẽ phát triển tốt trong năm 2024”, ông Phương chia sẻ.

Vũ Lê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/da-nang-vuot-kho-nhieu-doanh-nghiep-san-xuat-phat-tin-hieu-ve-dich-vuot-ke-hoach-nam-289828.html