Dã ngoại, tập gym, cầu nguyện online - cuộc sống người dân mùa dịch

Kết nối Internet giúp cuộc sống của nhiều người dân bớt phần gián đoạn khi vẫn có thể đi học, đi làm vào mùa dịch. Thậm chí, hoạt động tôn giáo như cầu nguyện cũng tổ chức online.

Eddy và Rhythmic, hai DJ tự biểu diễn, đánh nhạc rồi livstream trên mạng. Trái với không gian sôi động, luôn rộn ràng âm thanh và tiếng người nhảy nhót xung quanh, quán bar nơi hai anh chàng làm việc giờ không một bóng người. “Biểu diễn theo hình thức này giúp nhiều người biết đến chúng tôi hơn. Mặt khác, cảm nhận âm nhạc cũng khác lạ đi nhiều”, Eddy nói.

Trong bối cảnh dịch bệnh, cầu nguyện cũng diễn ra online. Thomas Law Kwok Fai, một linh mục tại Hong Kong, tổ chức buổi đi lễ trên sóng trực tuyến cho những người theo đạo, sau khi nhà thờ buộc phải đóng cửa. “Quyết định này không hề dễ dàng nhưng mọi người đều hiểu quan trọng là vẫn giữ vững niềm tin vào tôn giáo của mình”, ông cho hay.

Cảnh tượng các hoạt động giải trí đều diễn ra trên mạng dần trở nên quen thuộc tại nhiều nơi. Ngoài việc giúp người dân có thứ để giải trí trong những ngày mọi trung tâm giải trí đóng cửa, đây còn là cách để nhiều dự án ca nhạc, biểu diễn không bị hoãn lại vô thời hạn.

Kim Myung-hae (46 tuổi, Hàn Quốc), tập theo động tác nhảy của ban nhạc nam BTS đình đám. Kể từ khi ở nhà vào cuối tháng 2, người giáo viên mẫu giáo này chủ yếu dành thời gian để lướt mạng, từ mua sắm trực tuyến cho đến dành hàng giờ để xem video trên YouTube.

Chôn chân trong nhà, cư dân tại nhiều thành phố tìm đến các phòng gym trực tuyến. Tập thể dục, chạy bộ trong nhà được coi như một cách phòng vệ sức khỏe trước dịch bệnh. Tại Trung Quốc, nhiều trung tâm thể hình, phòng gym chấp nhận dạy miễn phí trên sóng livestream để giữ chân khách hàng.

Học online trở thành phương án thay thế để việc học không bị gián đoạn khi trường học đóng cửa. Trong ảnh, Konoha (9 tuổi) đang bắt chước theo các động tác múa dân gian Nhật Bản do cô giáo dạy qua màn hình. Mẹ cô bé, Komaki Yamashita (49 tuổi) chăm chú theo dõi buổi học của con.

Ana Pereira (51 tuổi, Venuzuela) sử dụng máy tính để tham gia một buổi dã ngoại online cùng bạn bè. Khi được hỏi điều gì làm bản thân thấy nhớ nhung nhất khi tự cách ly tại nhà, Pereira trả lời: “Tôi muốn một cái ôm từ bạn bè. Chúng tôi vẫn nói chuyện, liên lạc được với nhau nhưng gặp mặt trực tiếp vẫn thích thú nhất”.

Work from Home trở thành cụm từ được giới văn phòng, nhân viên công sở nhắc đến nhiều nhất trong thời gian này. Gia đình Jo Proundlove (48 tuổi, Anh) tuân thủ lệnh cách ly tại nhà của chính phủ bằng việc biến phòng ngủ nhìn ra vườn của mình thành không gian làm việc mới.

Corrando Tomassini và người vợ Rosanna Maserati duy trì công việc tại nhà sau khi chính phủ Italy ra lệnh phong tỏa toàn quốc. Ở độ tuổi 49, ban đầu cả hai gặp không ít khó khăn khi làm việc từ xa với nhiều bước kết nối Internet. “Tôi chưa từng trải nghiệm kiểu đi làm như này trước đó. Làm việc tại nhà phát sinh nhiều điều phức tạp nhưng đồng thời, nó giúp chúng tôi không phải đối mặt với rủi ro lây nhiễm bệnh từ ngoài kia”, ông Tomassini cho biết.

Trà My
Ảnh: Reuters.

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/da-ngoai-tap-gym-cau-nguyen-online-cuoc-song-nguoi-dan-mua-dich-post1066947.html