Đá núi tỏa hương

Những ngày không khí lạnh đổ về, Khẩu Cồ bồng bềnh giữa mây và núi. Con đường vừa dài vừa dốc, ngoằn ngoèo uốn lượn, thi thoảng mới có tiếng xe máy nổ ran vang vọng khe núi. Khung cảnh vắng lặng, bản làng bồng bềnh, chỉ có mùi hương thoang thoảng, nồng ấm lẫn trong tầng sương mờ, tỏa ra từ khu chưng cất tinh dầu sả. Đối với người dân Khẩu Cồ, mùi hương này khiến mọi người dễ chịu hơn bởi nó 'gieo' niềm hy vọng về một tương lai tốt đẹp.

Nhóm dân cư Khẩu Cồ thuộc thôn Bản Cầm, xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng có khoảng 30 nóc nhà nằm dọc tuyến đường nối từ xã Bản Cầm lên xã Bản Xen (Mường Khương). Đây là nhóm hộ người Mông từ vùng cao Si Ma Cai di cư xuống, sinh sống từ cách đây khoảng 30 năm. Từ trung tâm xã Bản Cầm, theo con đường bê tông nhỏ dọc sườn núi, Khẩu Cồ nằm chon von giữa đỉnh núi đá. Người Mông ở đây bê từng hòn đá xếp chồng lên nhau, sau đó gùi đất lấp đầy những hộc đá tai mèo để làm thành những vạt nương rộng, ôm ấp lấy bản làng. Với địa thế cao như vậy, bà con chủ yếu trồng ngô vì hầu như không có ruộng để cấy lúa nước. Bởi thế, dù có cần mẫn tới đâu, cây ngô cũng chỉ giúp họ không bị đói mà chẳng thể bứt lên thoát nghèo. Với mục tiêu giúp người dân Khẩu Cồ cải thiện đời sống, chính quyền xã Bản Cầm đã phối hợp với ngành nông nghiệp triển khai một số mô hình phát triển kinh tế, như trồng cây dong riềng, cây ngô cao sản, cây ăn quả… để tạo vùng hàng hóa. Thế nhưng, hầu hết các dự án thất bại do yếu tố chủ quan và khách quan nên Khẩu Cồ vẫn là “điểm nghẽn” trong công tác xóa đói, giảm nghèo của Bản Cầm trong nhiều năm.

Niềm vui của gia đình chị Châu Thị Năm khi cây sả được mùa, được giá.

Năm 2017, “cái bắt tay” giữa Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Bản Cầm với Công ty Tiến Thành (Lào Cai) về thực hiện mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu cây dược liệu (cụ thể là trồng sả lấy tinh dầu) đã giúp người dân Khẩu Cồ có cơ hội làm quen với loại cây mới này. Cây sả đến với vùng đất Khẩu Cồ như một cái duyên và nhờ hợp người, hợp đất, đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao thu nhập cho người dân nơi đây.

Vùng núi cao Khẩu Cồ đất đai khá màu mỡ, khí hậu lại mát mẻ nên cây sả cắm xuống là dễ dàng bén rễ, bật mầm xanh tươi, chỉ một thời gian ngắn đã tạo tán và cho thu hoạch. Kết quả khảo nghiệm trên cây sả trồng tại Khẩu Cồ đầy triển vọng với tỷ lệ đạt tinh dầu cao. Thực hiện chương trình liên kết, doanh nghiệp đã đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng cơ sở chế biến tinh dầu ngay tại đầu bản, mỗi ngày nấu 2 nồi, mỗi nồi 1 lần nấu 8 tạ sả, thu được 15 lít tinh dầu ngay tại vùng nguyên liệu. Vụ thu hoạch sả đầu tiên, người dân Khẩu Cồ vỡ òa hạnh phúc bởi trồng sả thu được đến 80 triệu đồng/ha, trong khi mỗi vụ ngô chỉ thu được 30 - 35 triệu đồng/ha.

Dẫn chúng tôi lên thăm vùng trồng sả ngào ngạt hương thơm, anh cán bộ xã nói vui: Mùi sả thơm thế này thì người dân nơi đây không bao giờ phải lo muỗi đốt! Đây là giống sả trồng chuyên để lấy tinh dầu nên rất thơm, không phải giống trồng lấy củ thường thấy bán ngoài chợ. Từ trung tâm xã Bản Cầm lên đây, cứ ngửi thấy mùi tinh dầu sả là có thể nhận ra đã chạm đất Khẩu Cồ rồi!

Những triền đồi Khẩu Cồ được phủ xanh bởi cây sả.

Trên vạt nương bạt ngàn sả thơm lúc này có nhiều nông dân đang hối hả thu hoạch lứa cuối năm để nghỉ ngơi chuẩn bị đón Tết cổ truyền. Chị Châu Thị Năm tháo nón, bỏ khẩu trang lộ khuôn mặt ửng đỏ, ngồi xuống nghỉ dưới tán sả chưa gặt cao ngấp nghé đầu người. Chị Năm ở thôn Bản Cầm, mảnh nương này, trước đây mỗi năm gia đình chị đều đặn tra gần 20 túi ngô giống, 2 lần làm đất, rồi bẻ bắp, chở về nhà, mất rất nhiều công lao động. “Chuyển sang trồng sả, chỉ mất công trồng một lần là có thể thu hoạch hàng chục năm, không mất nhiều công làm cỏ vì sả tạo tán che phủ đất tốt. Bây giờ cứ đều đặn đến lịch là vợ chồng tôi rủ nhau lên nương gặt sả, dễ như đi gặt lúa. Sả thu hoạch về được phơi héo rồi bán cho doanh nghiệp. Mỗi lần cắt cũng được gần chục triệu đồng, mỗi năm cắt khoảng 7 lần. So với trồng ngô thì cây sả cho thu nhập cao hơn, chăm sóc và thu hoạch nhàn hơn nên chúng tôi chỉ mong có thể liên kết sản xuất dài lâu” - chị Năm nói.

Ở mảnh nương bên cạnh, gia đình bà Thào Thị Chư và ông Vàng Seo Dùng cũng đang gặt sả. Nói về cây sả, bà Chư cười: Cây này dễ trồng mà, chỉ mất công gặt thôi. Nếu cứ bán ổn định thế này thì năm nay gia đình tôi được ăn Tết to!

Tham gia câu chuyện, anh Giàng Seo Sẩu, di cư từ Si Ma Cai xuống Khẩu Cồ được khoảng 10 năm nay, góp vui: Trồng sả mỗi tháng được thu hoạch 1 lần, bán cũng đủ chi tiêu trong gia đình. Năm ngoái tôi trồng ít nên mỗi tháng thu được 8 triệu đồng, năm nay trồng thêm thì được 9 triệu đồng. Thu nhập ổn định như thế này, chắc gia đình sẽ mở rộng thêm diện tích. Trước đây trồng ngô, nuôi lợn, đi làm thuê, làm thử nhiều việc lắm rồi nhưng chưa từng có thu nhập như vậy.

Niềm vui và tính toán của anh Sẩu cùng những hộ ở nhóm dân cư Khẩu Cồ và thôn Bản Cầm cũng là sự phấn khởi của chính quyền địa phương bởi sau bao lần thất bại trong triển khai mô hình phát triển kinh tế, nay địa phương đã tìm ra được loại cây trồng phù hợp. Ông Hoàng Văn Thái, Chủ tịch UBND xã Bản Cầm nhận định: Cây sả đang mang lại nhiều đổi thay cho cuộc sống của người dân Khẩu Cồ. Bà con được tham gia liên kết sản xuất, được hỗ trợ về kỹ thuật và làm quen với sản xuất hàng hóa. Năm nay, việc trồng trọt và tiêu thụ cơ bản thuận lợi, tuy giá thành đang giảm nhẹ nhưng vẫn đảm bảo thu nhập cho bà con. Năm 2020, xã dự kiến mở rộng diện tích lên khoảng 30 ha, đảm bảo cung ứng đủ nguyên liệu cho cơ sở chưng cất tinh dầu đã lắp đặt tại địa phương.

Chiều về, hương sả lan tỏa từ triền đồi đến mọi ngóc ngách của xóm núi Khẩu Cồ. Cây sả chẳng phụ lòng người, cứ bám vào đất, vào đá núi, vào từng giọt mồ hôi của những nông dân, sinh sôi rồi tạo nên những giọt tinh dầu thơm nồng nàn. Cây sả đang giúp bản vùng cao, giúp con dốc dài, giúp đá núi tỏa hương và giúp cuộc sống của người dân Khẩu Cồ dần hiện hữu ấm no, hạnh phúc.

Thúy Phượng

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/da-nui-toa-huong-z3n20200109121335047.htm