Đà phục hồi kinh tế Trung Quốc có thêm dấu hiệu yếu đi

Thống kê chính thức công bố ngày 16/5 cho hay sản lượng công nghiệp tháng 4/2023 và tăng trưởng doanh số bán lẻ của Trung Quốc đều thấp hơn dự báo.

Cảng hàng hóa ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Cảng hàng hóa ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Số liệu này cho thấy động lực tăng trưởng của nền kinh tế này đã yếu đi vào đầu quý II/2023.

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), sản lượng công nghiệp của nước này trong tháng Tư đã tăng 5,6% so với cùng kỳ một năm trước đó và là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất kể từ tháng 9/2022. Con số này cũng cao hơn mức 3,9% ghi nhận hồi tháng Ba, song thấp hơn nhiều so với kỳ vọng tăng 10,9% của giới phân tích.

Trong cùng kỳ báo cáo, doanh số bán lẻ của Trung Quốc đã tăng 18,4%, tăng mạnh từ mức 10,6% của tháng Ba và là mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 3/2021. Dù vậy, con số trên vẫn không như kỳ vọng khi các nhà phân tích dự kiến doanh số bán lẻ sẽ tăng 21%.

Báo cáo từ NBS cũng cho thấy đầu tư tài sản cố định tại thị trường tỷ dân này trong bốn tháng đầu năm 2023 đã tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn dự báo tăng 5,5%.

Hoạt động tuyển dụng vẫn thấp khi các công ty còn thận trọng về tình hình tài chính của họ. Tỷ lệ thất nghiệp toàn quốc của Trung Quốc đứng ở mức 5,2% trong tháng Tư, giảm nhẹ so với mức 5,3% trong tháng Ba. Nhưng tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đạt mức cao kỷ lục khi tăng từ 19,6% trong tháng Ba lên 20,4% trong tháng trước.

Nhà kinh tế trưởng Zhiwei Zhang tại công ty quản lý tài sản Pinpoint Asset Management coi đây là một "dấu hiệu đáng lo ngại".

Ngoài tình trạng nhu cầu trong nước và toàn cầu yếu ớt, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc còn phải đối mặt với những "cơn gió ngược" từ sự sụp đổ gần đây của các ngân hàng phương Tây, chi phí vay nợ toàn cầu cao và cuộc xung đột tại Ukraine (U-crai-na) tiếp tục kéo dài. Nợ trong nước cao và thị trường bất động sản chưa ổn định cũng là những mối lo ngại cho nền kinh tế nước này.

Ông Bruce Pang, nhà kinh tế trưởng tại công ty dịch vụ bất động sản thương mại toàn cầu Jones Lang Lasalle, nhận định các số liệu yếu hơn dự kiến cho thấy việc Trung Quốc nỗ lực duy trì đà tăng trưởng sau khi khởi động lại nền kinh tế hậu phong tỏa khó khăn ra sao.

Theo chuyên gia này, các hoạt động kinh tế của Trung Quốc trong quý II/2023 sẽ ghi nhận mức tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái nhờ vào cơ sở so sánh thấp. Nhưng tốc độ tăng sẽ chậm hơn so với quý đầu tiên do đà phục hồi đang yếu dần.

Một số nhà nghiên cứu thị trường đã kêu gọi Chính phủ Trung Quốc cần có thêm các biện pháp chính sách như cấp phiếu giảm giá để thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Tuy nhiên, ông Zhiwei Zhang nhận định chính phủ có vẻ miễn cưỡng thực hiện điều này. Theo ông, Chính phủ Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng khá khiêm tốn trong năm nay là khoảng 5%, tạo cơ hội để họ giữ tâm lý "chờ và xem"./.

H.Thủy (Theo Reuters)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/da-phuc-hoi-kinh-te-trung-quoc-co-them-dau-hieu-yeu-di/291383.html