Đa sắc 'Ngày hội Sách Châu Âu 2018'

Tại Việt Nam, 'Ngày hội Sách Châu Âu' khởi nguồn từ 'Những ngày Văn học Châu Âu'. Năm 2018 là lần thứ 8 của hoạt động thường niên này tại Hà Nội và lần 3 ở TP.Hồ Chí Minh. Những hoạt động tại Hà Nội đã được khai mạc tại sự kiện'Ngôi làng Châu Âu'.

“Ngày hội Sách Châu Âu” được Hiệp hội các Viện văn hóa và các Đại sứ quán Châu Âu (EUNIC) tổ chức, với sự hỗ trợ của Phái đoàn Liên minh Châu Âu, nhằm tôn vinh và chia sẻ những tinh hoa văn hóa từ Châu Âu tới bạn đọc Việt Nam, gồm chuỗi hoạt động: Giới thiệu sách, triển lãm, đọc truyện, thảo luận văn học, chiếu phim, các hoạt động tương tác...

Năm nay, cùng với sự đa dạng các tác phẩm đến từ Áo, Đan Mạch, Đức, Phần Lan, Pháp, Cộng hòa Czech, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Italia, và phái đoàn Wallonie - Bruxelles (Bỉ), độc giả Việt Nam chắc chắn sẽ tìm được những cuốn sách phù hợp với mình.

“Ngày hội Sách Châu Âu 2018” là cơ hội cho bạn đọc Việt Nam tiếp cận những tác phẩm hay của các tác giả Châu Âu.

Theo đó, nhiều chương trình được tiến hành trong dịp này, gồm: Tọa đàm “Thế giới huyền bí của Hans Christian Andersen” (sáng 6/5, tại Trung tâm Văn hóa Pháp), tọa đàm “Alphonse Daudet và những áng văn hay làm lay động tâm hồn” (với sự phối hợp của Cty Nhã Nam, tại Trung tâm Văn hóa Pháp tối 7/5). Alphonse Daudet (1840 - 1897) là nhà văn Pháp và là tác giả của nhiều tập truyện ngắn nổi tiếng. Ông đã xuất bản hơn 30 tác phẩm thuộc nhiều thể loại, trong số đó, nhiều cuốn như “Thằng Nhóc”, “Lá thư hè”, “Thiện xạ Tartarin”, v.v. đã quen thuộc với độc giả Việt Nam nhờ văn phong giàu chất thơ và tính nhân văn...

Trong khi đó, tại Casa Italia ở Hà Nội, ở chiều 7/5 đã diễn ra buổi tọa đàm về cuốn hồi ký “Con La Pira in Viet Nam” củatác giả Mario Primicerio, do NXB Thế giới thực hiện, kể về những ngày ông ở Hà Nội với tư cách là điều phối viên của ngài Giorgio La Pira - Thị trưởng TP.Florence tại thời điểm đó, để thúc đẩy các nỗ lực nhằm chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Còn trong chiều 8/5 là thời gian khám phá các bản dịch của văn học Italia qua tiếng Việt, cùng tìm hiểu “Những thách thức chính cho các dịch giả là gì?”, “Những vấn đề liên quan đến ngôn ngữ và giải pháp?”...

Ngoài ra, một số ấn phẩm của các tác giả Châu Âu về Việt Nam cũng được giới thiệu trong dịp này; trong đó, nổi bật là 2 buổi giới thiệu những tác phẩm kinh điển của các học giả Pháp viết về Tây Nguyên, được NXB Tri Thức và Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh thực hiện ở Hà Nội và TP. HCM, là “Rừng người thượng” (tác giả Henri Maitre) và “Chúng tôi ăn rừng” (tác giả Georges Condominas). Còn buổi hội thảo “Lịch sử Chiến tranh thế giới thứ Nhất: Những kỷ niệm chung Pháp - Việt Nam 1914-2018” đề cập đến một khía cạnh còn ít được biết đến trong lịch sử và ký ức văn học về chiến tranh thế giới thứ Nhất: Sự tham gia của người lao động và binh lính Đông Dương vào cuộc đại chiến này.

Lê Quang Vinh

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/da-sac-ngay-hoi-sach-chau-au-2018-73056.html