Đà thành công cho hợp tác năng lượng xanh Đức-Việt trong tương lai

Chia sẻ tại Lễ tổng kết Dự án 'Hỗ trợ Mở rộng quy mô điện gió tại Việt Nam', ông Martin Hoppe, Trưởng Phòng Hợp tác và Phát triển Kinh tế, Đại sứ quán Đức nhấn mạnh: Chúng ta tự tin về thành công của Dự án sẽ tạo đà thành công của hợp tác trên lĩnh vực năng lượng xanh Đức, Việt trong tương lai.

Đại diện các bên tham gia Dự án ”Hỗ trợ Mở rộng quy mô điện gió tại Việt Nam” chụp ảnh lưu niệm.

Lễ tổng kết Dự án ”Hỗ trợ Mở rộng quy mô điện gió tại Việt Nam” diễn ra chiều 23/11 tại Hà Nội do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ, thay mặt Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế CHLB Đức (BMZ), phối hợp tổ chức.

Hành trình 5 năm cho một tương lai năng lượng xanh

Trong khuôn khổ của Dự án, GIZ đã hợp tác chặt chẽ với Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo để nghiên cứu, tư vấn và đề xuất với Chính phủ các cơ chế khuyến khích phát triển lĩnh vực điện gió; nâng cao năng lực cho các chủ đầu tư, công ty tư vấn, ngân hàng thương mại, trường đại học, viện nghiên cứu, các cán bộ ở địa phương và Trung ương; hỗ trợ các nhà đầu tư và tăng cường các điều kiện về khung pháp lý và quy định.

Đồng thời, Dự án đã thực hiện các khóa đào tạo về kỹ thuật và tài chính cho cán bộ nhà nước và khối tư nhân, hỗ trợ hợp tác nghiên cứu Việt-Đức về năng lượng gió trong giai đoạn từ 2014 đến 2018 trong khuôn khổ ’Sáng kiến Công nghệ Khí hậu Đức’.

Hợp tác Đức-Việt trong phát triển năng lượng gió bắt đầu từ năm 2009 mà thành quả là việc Chính phủ Việt Nam ban hành biểu giá điện gió đầu tiên năm 2011. Từ thành công này, Dự án ”Hỗ trợ Mở rộng quy mô điện gió tại Việt Nam” đã được ký kết và sẽ kết thúc hoạt động vào cuối năm nay.

Trong thời kỳ đầu thực hiện Dự án, một dấu ấn quan trọng là việc xuất bản ấn phẩm ”Hướng dẫn Đầu tư điện gió tại Việt Nam” bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, miêu tả cụ thể các bước và thủ tục pháp lý trong quá trình phát triển dự án, huy động vốn và tài chính của dự án.

Ngoài ra, khoảng 1.370 người đã tham gia vào các khóa đào tạo do Dự án tổ chức. Học viên là cán bộ của các viện nghiên cứu nhà nước, các trường đại học và các đơn vị tư nhân, bao gồm các nhà phát triển dự án, các ngân hàng, các công ty kỹ thuật và tư vấn trong nước.

Một thành công lớn khác của Dự án là góp phần tư vấn cho Chính phủ Việt Nam thông qua quyết định về tăng giá điện gió vào tháng 9/2018.

Ông Martin Hoppe, Trưởng Phòng Hợp tác và Phát triển Kinh tế, Đại sứ quán Đức, cho biết: “Năm 2013, Chính phủ hai nước đã thống nhất rằng năng lượng sẽ là lĩnh vực ưu tiên trong phát triển quan hệ hợp tác song phương. Một năm sau đó, chúng tôi đã bắt đầu thực hiện Dự án gió này, vào thời điểm mà thị trường điện gió chưa có nhiều phát triển và còn nhiều hoài nghi, đặc biệt trong khối doanh nghiệp tư nhân. Hiện tại, sau 5 năm triển khai, càng ngày càng có nhiều những nhà đầu tư cả trong và ngoài nước đang có ý định đầu tư vào điện mặt trời và điện gió tại Việt Nam. Thực sự, Dự án đã đóng vai trò quan trọng và là chất xúc tác trong việc thúc đẩy các nhà đầu tư đó vào Việt Nam.”

Ông Martin Hoppe, Trưởng Phòng Hợp tác và Phát triển Kinh tế, Đại sứ quán Đức chia sẻ tại Lễ tổng kết Dự án. (Ảnh: DNVN/Minh Hoa)

Tại buổi lễ, ông Martin Hoppe chia sẻ nhiều hơn về tương lai hợp tác Đức-Việt trong lĩnh vực năng lượng xanh. Ông nhấn mạnh, hoạt động hợp tác trên nhiều cấp độ khác nhau của dự án đã cho những kết quả hết sức đa dạng. Đặc biệt, đây là sự hợp tác hai bên cùng có lợi.

“Chúng tôi hỗ trợ Việt Nam qua việc chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và chính quá trình hợp tác với Việt Nam cũng cho chúng tôi kinh nghiệm để tiếp tục chia sẻ ra thế giới. Kinh nghiệm trên lĩnh vực năng lượng tái tạo luôn có tầm quan trọng chiến lược. Chúng tôi tự tin về thành công của dự án và thành công này chính là sự khởi đầu tốt, tiếp tục tạo đà thành công trong tương lai”, ông Martin Hoppe chia sẻ.

Tự tin tổ chức các sự kiện quốc tế về điện gió tại Việt Nam thời gian tới

5 năm qua, theo Giám đốc quốc gia GIZ Việt Nam, ông Jasper Abramowski, Dự án ”Hỗ trợ Mở rộng quy mô điện gió tại Việt Nam” đã trải qua nhiều bước thăng trầm nhưng chưa khi nào GIZ suy giảm niềm tin thành công: “Hiện nhiều doanh nghiệp kiên cường chờ đợi và đã có nhiều dự án điện gió được triển khai và đang chờ được phê duyệt. Dự án đã đưa ra được ấn phẩm ”Hướng dẫn Đầu tư Điện gió tại Việt Nam”, với cách trả lời nhất quán và có cấu trúc. Sau khi thực thi Dự án này, chúng tôi tự tin tổ chức các sự kiện quốc tế về điện gió tại Việt nam thời gian tới. Dự án kết thúc nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục hỗ trợ và hợp tác với phía Việt Nam”.

Mong muốn Đức tiếp tục sự hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam trên lĩnh vực năng lượng xanh, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo (EREA) khẳng định: Việt Nam quyết tâm thực hiện phát triển năng lượng xanh và sự giúp đỡ của Đức những năm qua đã góp phần quan trọng vào phát triển năng lượng gió.

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (EREA) phát biểu tại Lễ tổng kết Dự án. (Ảnh: DNVN/Minh Hoa).

“Trên tinh thần hợp tác toàn diện, sâu rộng, cùng có lợi, Việt Nam mong muốn Đức tiếp tục hỗ trợ, hợp tác thời gian tới. Chúng tôi cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án tiếp theo”, ông Thành nói.

Ông Bùi Đức Thịnh, Giám đốc Công ty cổ phần phong điện Thuận Bình (đơn vị vận hành Nhà máy Điện gió Phú Lạc tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) đã bày tỏ tri ân sự hỗ trợ của GIZ. Ông chia sẻ những thách thức mà Điện gió Phú Lạc gặp phải khi đấu thầu cạnh tranh quốc tế cũng như những áp lực về giải phóng mặt bằng, thời gian. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ, tập huấn quý báu của GIZ, Nhà máy Điện gió Phú Lạc đã hoàn thành đúng mục tiêu đề ra mà không phải phát sinh thêm bất kỳ chi phí nào.

Đại diện cho phía doanh nghiệp Việt, ông Thịnh hy vọng tiếp tục được sự hỗ trợ, hợp tác từ phía đối tác Đức để các dự án năng lượng xanh tại Việt Nam được thực hiện thành công.

Đức Nhật

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/doanh-nhan-doanh-nghiep/da-thanh-cong-cho-hop-tac-nang-luong-xanh-ducviet-trong-tuong-lai-4145.html