Đã tích cực, cần tích cực hơn

Theo kết quả các đợt kiểm tra được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng, có thể dễ dàng nhận thấy nhiều điểm sáng trong không khí lao động, sản xuất trong những ngày đầu xuân, năm mới.

Airbus chính thức tuyên bố sẽ dừng sản xuất "siêu máy bay" A380

Đó là, ngay trong những ngày đầu tiên quay trở lại công việc sau kỳ nghỉ Tết dài ngày, các cơ quan công sở, đặc biệt là tại bộ phận “một cửa” các sở, ngành, quận, huyện, xã, phường đã hoạt động bình thường, luôn sẵn sàng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đó là, gần như 100% công nhân đã quay trở lại doanh nghiệp bắt tay vào sản xuất để kịp đáp ứng các đơn hàng cho đối tác thay vì bình tĩnh ở nhà hội hè, rồi “nhảy việc” như không ít năm trước đó.

Đặc biệt, nông dân nhiều nơi cũng chủ động gác lại những ngày vui, khẩn trương xuống đồng ngay từ mùng 3, mùng 4 Tết, đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa xuân để bảo đảm trong khung thời vụ tốt nhất, khi thời tiết năm nay ấm hơn mọi năm. Đoàn kiểm tra của Bộ NN&PTNT, khi kiểm tra sản xuất tại Hà Nội vào ngày 8-2 (mùng 4 Tết), đã đánh giá, ngay trong ngày mùng 3 và mùng 4 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, nông dân của Hà Nội đồng loạt xuống đồng sản xuất. Với không khí lao động đó, đoàn nhận định, nông dân Hà Nội sẽ hoàn thành cấy lúa xuân trong tháng 2-2019, sớm hơn 10 ngày so với lịch thời vụ của ngành Nông nghiệp.

Sở NN&PTNT Hà Nội đặt mục tiêu và yêu cầu các địa phương với những trà mạ gieo trước ngày 31-1, các địa phương phải cấy xong trước ngày 20-2. Toàn thành phố tập trung hoàn thành cấy lúa xuân trong tháng 2-2019. Nhận thức rõ lợi ích của việc gieo cấy đúng thời vụ, nông dân các địa phương đã chủ động tạm gác lại những ngày vui Tết, tích cực hưởng ứng, đồng loạt xuống đồng để đẩy nhanh tiến độ cấy lúa xuân. Đó là kết quả hết sức tích cực, đáng được nêu gương học tập.

Nông dân, công nhân như vậy. Còn tại các công sở? Theo kết quả kiểm tra, giám sát thực hiện công vụ của các đoàn kiểm tra, số lượng công dân đến các bộ phận “một cửa” làm thủ tục hành chính chưa nhiều. Thế nhưng, công tác chuẩn bị, phục vụ người dân vẫn luôn sẵn sàng.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực là chủ yếu, một số bộ phận “một cửa” còn những sơ suất, sai sót ở những mức độ khác nhau, nhất là trong ngày đầu quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết. Cũng có những nguyên nhân khách quan, chủ quan, nhưng nếu đặt cạnh không khí sản xuất, lao động và kết quả mà nông dân các địa phương đạt được thì không thể không suy nghĩ, nhất là khi mùa lễ hội xuân mới chỉ bắt đầu, khi tâm lý “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” vẫn chưa hoàn toàn bị xóa bỏ.

Vài năm gần đây, nhờ siết chặt quản lý, tình trạng cán bộ, công chức sử dụng xe công, “trốn công sở” đi lễ hội, đền chùa đã giảm đáng kể. Nhưng như vậy không đồng nghĩa với thói quen, tâm lý rong chơi đã được giải quyết triệt để. Chỉ cần “lỏng tay” trong quản lý, có thể thói quen cũ sẽ quay trở lại, ảnh hưởng tới tiến độ xử lý công việc, gây bức xúc cho người dân. Ngắm những bức ảnh chụp tại phủ Tây Hồ hôm thứ hai 11-2 (mùng 7 Tết) - ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ Tết, bất chợt đông cứng người đi lễ, không thể không suy nghĩ về kiểu làm việc "tranh thủ kết hợp" của không ít công chức, viên chức.

Một câu hỏi đặt ra là tại sao nông dân và cả công nhân lao động đã vào cuộc tích cực còn một số công chức, viên chức vẫn còn sức ì cố hữu?

Không khó để đưa ra câu trả lời. Đó là người lao động đã thực sự ý thức được trách nhiệm, quyền lợi của bản thân. Nông dân hiểu rõ nếu không gieo cấy đúng khung thời vụ tốt nhất thì hoàn toàn có thể nhận trái đắng “mất mùa”. Còn với công nhân, lao động tại các doanh nghiệp, khi quyền lợi được bảo đảm sẽ không còn tâm lý “nhảy việc” và sẵn sàng tuân thủ quy trình quản lý sản xuất chặt chẽ, thay vì bê trễ công việc.

Như đã nói, theo đánh giá của các đoàn kiểm tra công vụ thì phần lớn các cơ quan, đơn vị, quận, huyện, xã, phường, bộ phận “một cửa” đã chấp hành tốt quy định, quy chế làm việc. Điều đó có được, trước hết, cũng do ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức.

Tuy nhiên, không thể không nói tới vai trò, trách nhiệm quản lý của người đứng đầu trong kiểm tra, đôn đốc thực hiện công việc theo tinh thần “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả), “một đầu mối - một việc xuyên suốt”.

Rõ ràng, nếu người đứng đầu (và người lãnh đạo nói chung) đề cao tinh thần gương mẫu, nghiêm túc, công tâm, khách quan, chắc hẳn không cán bộ, nhân viên nào dám và dại dột vi phạm quy định, nhất là bê trễ nhiệm vụ, rong ruổi lễ hội, đền chùa trong giờ hành chính.

Tinh thần làm việc của nông dân, công nhân rất tích cực. Tại các cơ quan công sở cũng tích cực, được ghi nhận. Nhưng so với đòi hỏi của xã hội, rõ ràng cần tích cực hơn nữa, nhất là trong khắc phục hạn chế, tồn tại. Có vậy mới đạt được mục tiêu chủ đề “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, từ đó tạo tiền đề bứt phá.

Đã tích cực, cần tích cực hơn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/927085/da-tich-cuc-can-tich-cuc-hon