Đã tìm thấy tung tích chiếc tàu ngầm Indonesia mất tích, khả năng sống sót của các thủy thủ ra sao?

Trong nỗ lực chạy đua với thời gian để tìm kiếm chiếc tàu ngầm 44 tuổi mất tích ngoài khơi biển Bali, Hải quân Indonesia đã đề nghị Mỹ gửi máy bay săn ngầm Poseidon hỗ trợ. Trong khi đó cuối ngày 24/4 có tin đã tìm thấy vị trí con tàu ở độ sâu 850m, cũng như trục vớt được một số vật dụng và mảnh vỡ của con tàu.

Ráo riết truy tìm

Hải quân Hoa Kỳ đã triển khai một máy bay săn ngầm P-8 Poseidon để giúp tìm kiếm chiếc tàu ngầm KRI Nanggala 402 của Indonesia mất tích.

Sáng 24/4, giờ Việt Nam, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, John Kirby tiết lộ, theo yêu cầu của chính phủ Indonesia, Mỹ đang gửi các phương tiện trên không bao gồm một máy bay tuần thám hàng hải P-8 Poseidon của Hải quân để hỗ trợ tìm kiếm chiếc tàu ngầm KRI Nanggala 402/53 thủy thủ mất tích.

Tàu ngầm KRI Nanggala 402 của Indonesia mất tích khi đang diễn tập phóng ngư lôi ngoài khơi đảo Bali. Ảnh: Nasional Tempo.

Tàu ngầm KRI Nanggala 402 của Indonesia mất tích khi đang diễn tập phóng ngư lôi ngoài khơi đảo Bali. Ảnh: Nasional Tempo.

Ông Kirby lưu ý, Mỹ sẵn lòng hỗ trợ các phương tiện khác theo đề nghị nào của Chính phủ Indonesia. Trước đó, theo Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã trao đổi với người đồng cấp Indonesia Prabowo Subianto, đề nghị hỗ trợ thêm, có thể bao gồm các phương tiện tìm kiếm dưới nước.

Ngoài Mỹ, các nước Singapore, Malaysia, Úc,.. đã gửi các phương tiện tham gia chiến dịch tìm kiếm nguy mô với gần 30 tàu chiến được triển khai để lùng sục ráo riết chiếc tàu ngầm mất tích trong một khu vực có diện tích khoảng 34km2, vào thời điểm tàu ngầm gặp nạn được cho đã cạn nguồn dưỡng khí oxy.

Hải quân Mỹ đã cử một chiếc P-8 Poseidon đến hỗ trợ tìm kiếm tàu ngầm Indonesia mất tích. Ảnh: Kyle Hooker/ US Navy.

Ngoài tàu nổi, trực thăng của Hải quân Indonesia được huy động, Australia đã triển khai một khinh hạm được trang bị sóng siêu âm với một trực thăng, trong khi một tàu cứu hộ nước sâu (DSRV) đang được Ấn Độ phái đến hiện trường.

Tàu Nanggala chạy bằng dầu diesel do Đức chế tạo, được đưa vào phục vụ tại Indonesia từ năm 1981 và chở theo 49 thành viên thủy thủ đoàn, 3 pháo thủ và chỉ huy hạm đội tàu ngầm, Đại tá Harry Setiawan, một trong những thành viên không thường xuyên có mặt trên tàu.

Hải quân Ấn Độ phái tàu cứu hộ nước sâu (DSRV) hỗ trợ Indonesia tìm kiếm một tàu ngầm mất tích. Ảnh: AFP/Hải quân Ấn Độ.

Tàu KRI Nanggala có thể lặn sau tối đa 500m, gặp nạn khi đang diễn tập phóng ngư lôi ngoài khơi đảo Bali.

Nguy cơ về một thảm họa

Các quan chức Quân đội Indonesia (TNI) hôm 23/4 cho biết, trong tình huống tàu ngầm vẫn còn nguyên vẹn và thiết bị hoạt động bình thường, nó cũng sẽ chỉ có đủ dưỡng khí để tồn tại đến khoảng rạng sáng ngày 24/4. "Cho đến nay chúng tôi vẫn chưa xác định được tung tích con tàu, nhưng với các thiết bị hiện có, chúng tôi hi vọng có thể tìm thấy vị trí nó gặp nạn.", tướng Achmad Riad, phát ngôn viên của TNI nói trong một cuộc họp báo.

Tàu Hải quân Idonesia được huy động để tìm kiếm tàu mất tích. Ảnh: AFP/Sonny Tumbelaka.

Hải quân Indonesia đặt giả thiết tàu ngầm bị mất điện trong khi lặn và do đó không thể thực hiện các biện pháp phản ứng khẩn cấp khi nó rơi xuống độ sâu 600-700m, vượt quá giới hạn có thể sống sót của con tàu.

Tham mưu trưởng Hải quân Indonesia, Yudo Margono, cho biết hôm 23/4, một vật thể có từ tính cao đã được phát hiện lơ lửng ở độ sâu 50-100m, trong khi trước đó đã phát hiện một vệt dầu loang gần vị trí chiếc tàu ngầm phát tín hiệu lần cuối cùng.

Tàu cứu hộ tham gia tìm kiếm tàu ngầm mất tích. Ảnh AP.

Ông Yudo nói, do chưa xác định vị trí con tàu, nên không thể xác định được nguồn gốc của vệt dầu loang. Trong tình huống dầu này đúng thuộc về tàu ngầm gặp nạn, theo ông Yudo, có hai khả năng: thùng nhiên liệu có thể đã bị nứt, do đó dầu bị rò rỉ ra ngoài và tàu ngầm rơi xuống độ sâu từ 500-700m. Khả năng thứ hai, thủy thủ đoàn có thể đã xả dầu trong nỗ lực để làm nổi con tàu ở độ sâu từ 50-100m.

Tàu ngầm KRI Alugoro 405 của Hải quân Indonesia ra khơi hôm 22/4 tham gia tìm kiếm tàu nạn KRI Nanggala. Ảnh: Eric Ireng/AP.

Chuyên gia Collin Koh thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng Singapore lưu ý, tình huống con tàu lặn xuống quá độ sâu tối đa cho phép dẫn đến nó bị áp lực nước làm nổ tung cần phải được xem xét để có phương án phù hợp.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, phạm vi tìm kiếm phải mở rộng nếu vật có từ trường được chứng minh không phải là của con tàu, đồng thời cảnh báo tình huống con tàu đã lặn quá độ sâu cho phép, khi biển Bali có độ sâu hơn 1.500m. Nếu đúng như vậy, một thảm họa có thể đã xảy ra.

Tin mới vào cuối ngày 24/4, Tham mưu trưởng Hải quân Indonesia, Yudo Margono cho biết, một nhóm tìm kiếm đã trục vớt được các mảnh vỡ cũng như vật dụng, gồm một mảnh hệ thống ngư lôi và một lọ dầu mỡ dùng để bôi trơn kính tiềm vọng của tàu ngầm. Họ cũng tìm thấy một tấm thảm cầu nguyện thường được người Hồi giáo sử dụng.

Từ diễn biến tình hình, Hải quân Indonesia chuyển từ trạng thái tìm kiếm sang cứu hộ. Ảnh: JP.

Ông Margono cho biết hoạt động tìm kiếm cứu hộ tàu ngầm và các thủy thủ sẽ tiếp tục, nhưng cảnh báo vùng nước sâu khiến nỗ lực cứu hộ trở nên "rất rủi ro và khó khăn". "Chúng tôi không biết về tình trạng của các nạn nhân vì chúng tôi không tìm thấy bất kỳ ai trong số họ”.

Yudo trước đó cho biết các phương tiện dò sona đã phát hiện ra tàu ngầm ở độ sâu 850m, vượt xa giới hạn có thể sống sót của con tàu.

Huy Anh/JP, Naval Times

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/quoc-te/tin-tuc/da-tim-thay-tung-tich-chiec-tau-ngam-indonesia-mat-tich-kha-nang-song-sot-cua-cac-thuy-thu-ra-sao-104485.html