Đá vỉa hè Hà Nội vừa lát đã hỏng: Lời thật

Vỉa hè Hà Nội được lát bằng đá tự nhiên dự kiến có độ bền 70 năm nhưng chưa đầy 1 năm sau đã vỡ nham nhở, gập gềnh lượn sóng.

Thi công kém?

Theo ghi nhận, nhiều đoạn vỉa hè ở các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hà Đông... bong tróc, vỡ nát nhếch nhác. Hầu hết các đoạn vỉa hè này mới được làm lại từ 1 năm trước, được lát bằng đá tự nhiên có độ dày khoảng 4cm, kích thước 30x30cm, được thiết kế với kỳ vọng độ bền 70 năm.

Ngày 11/10/2018, nhận định về nguyên nhân dẫn đến tuổi thọ của vỉa hè xuống thấp thê thảm, ông Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng hạ tầng Tùng Tâm khẳng định là quá trình thi công không đúng kỹ thuật.

"Cốt nền ở mỗi khu vực là khác nhau nên mỗi nơi có độ lún, độ chịu tải khác nhau. Chỉ cần không có sự đồng đều ở cốt nền là sẽ xảy ra hiện tượng bong tróc vỉa hè hàng loạt" - ông Tùng cho hay.

Một đoạn vỉa hè phố Vạn Phúc (quận Ba Đình) bị bong tróc dù được lát mới hồi cuối năm 2017 (Ảnh báo Giao thông).

Một đoạn vỉa hè phố Vạn Phúc (quận Ba Đình) bị bong tróc dù được lát mới hồi cuối năm 2017 (Ảnh báo Giao thông).

Chính vì thế, trước khi lát đá vỉa hè đơn vị thi công thường phải tạo ra một lớp cốt nền cố định, thường là rải bê tông có độ dày khoảng 10cm, sau đó rải cát vàng lên san phẳng và tiến hành lát đá.

Ông Tùng cho biết: "Vỉa hè không phải là nơi thường xuyên di chuyển của xe quá khổ quá tải nên việc xử lý cốt nền cũng rất đơn giản. Tuy vậy nếu không làm đồng bộ thì chắc chắn sẽ xảy ra hiện tượng bong tróc.

Ngoài ra, có thể trong lúc thi công công nhân đã làm ẩu, khiến khả năng kết nối giữa các viên đá với nhau tạo độ hở dẫn tới khi mưa xuống nước chảy làm lớp cát bị xói mòn, rỗng đế nên bị vỡ là đương nhiên".

Vị giám đốc này cho hay, để xảy ra sự cố trên nhiều tuyến vỉa hè ở Hà Nội là do đơn vị tư vấn, giám sát không làm hết trách nhiệm, còn đơn vị thi công chỉ cốt làm theo đúng thiết kế, sao cho rút ngắn được thời gian thi công, tốn ít chi phí nhất.

Anh Phạm Thành Thái - Giám đốc Công ty TNHH MTV Toàn Thái bất ngờ trước việc nhiều tuyến vỉa hè của Thu đô mới được lát bằng đá tự nhiên chưa đến 1 năm đã hỏng.

"Đá tự nhiên thường rất bền, lên tới hàng trăm năm. Chỉ sợ vật liệu không phải là đá tự nhiên thôi vì giờ công nghệ làm giả đá tự nhiên rất tinh vi, không thể phân biệt được bằng mắt thường mà phải đưa vào phòng thí nghiệm phân tích thành phần cấu tạo mới biết được" - anh Thái cho hay.

Vỉa hè được lát đá tự nhiên trên đường Trần Duy Hưng, Hà Nội đã vỡ nát (Ảnh báo Giao thông)

Mặc dù vậy, anh Thái cũng cho rằng điều quan trọng tạo ra độ bền của vỉa hè là yếu tố cốt nền. Người thi công vỉa hè phải đảm bảo nền bằng phẳng, độ lèn chặt tốt nhất thì lát gạch cũng bền hàng chục năm chứ không nói gì đến các nguyên vật liệu khác.

Nhưng nếu được lựa chọn, anh Thái không lấy đá tự nhiên lát vỉa hè vì vừa đắt đỏ lại không phù hợp.

"Thích hợp nhất với vỉa hè là bê tông lục giác. Bởi kết cấu vững chắc, giá thành rẻ và độ chịu lực rất tốt. Giá mỗi viên đá tự nhiên mà Hà Nội đã làm gấp 2 - 3 lần giá bê tông lục giác, trong khi khả năng dùng lại của những viên bê tông này rất cao còn đá khi đỡ vỡ vụn thì chỉ có vứt đi" - anh Thái nói.

Trách nhiệm HĐND ở đâu?

Giải thích cho hàng loạt tuyến vỉa hè hư hỏng chỉ sau 1 năm, ông Nguyễn Hoàng Đại, Phó giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân liệt kê hàng loạt nguyên nhân khiến một số tuyến đường thuộc địa bàn lát đá tự nhiên bị “nứt, rạn, vỡ” như: Thi công tại thời điểm vữa lót chưa đạt cường độ đã bị tác động của phương tiện giao thông, người dân tự ý trát thêm xi măng để tạo bậc lên cửa nhà mình...

Bà Phạm Thị Kim Liên, Phó giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng quận Cầu Giấy cho biết, đường Trần Duy Hưng và các tuyến đường thuộc địa bàn đang được lát bằng gạch vân nhám giả đá.

“Đá tự nhiên đương nhiên sẽ có chất lượng tốt hơn các loại gạch, tuy nhiên cũng có thể do trong quá trình thi công bê tông lót móng chưa chuẩn”, bà Liên nói.

Tuy nhiên, PGS.TS Trần Ngọc Linh - Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đánh giá, giải thích của các cán bộ ở trên là khó chấp nhận và đang trốn tránh trách nhiệm.

"Là chủ đầu tư là người trực tiếp bỏ tiền ra thuê các bên làm thì UBND các quận phải phân công người giám sát và chỉ đồng ý trả tiền khi các bên cam kết làm đúng kỹ thuật, đảm bảo chất lượng, độ bền đề ra. Nếu biết mà là sớm hỏng mà vẫn cố tình làm như thế là cố ý là sai, làm trái, anh phải chịu trách nhiệm" - ông Linh bày tỏ.

Một đơn vị khác cũng được ông Linh nói đến như một phần trách nhiệm để xảy ra việc vỉa hè bong tróc chỉ sau một thời gian ngắn là HĐND các quận. Khi đơn vị này là nơi quyết định có đầu tư dự án hay không, sau khi dự án làm xong thì giám sát, kiểm tra thế nào?

Ông Linh chia sẻ: "Bây giờ đang phổ biến tình trạng "vẽ" dự án. Vỉa hè đang tốt lột lên làm lại là một dự án, rồi đến khi vỉa hè hỏng thì lại có một dự án sửa chữa khác... cuối cùng chỉ tốn tiền ngân sách, tiền của nhân dân".

Vân Tùng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/da-via-he-ha-noi-vua-lat-da-hong-loi-that-3367137/