Đã xuất hiện 'siêu lãi suất', người dân cần cẩn trọng

Thời gian gần đây, làn sóng tăng lãi suất chứng chỉ tiền gửi đang diễn ra tại nhiều ngân hàng thương mại với mức tăng kỷ lục và xuất hiện tình trạng "siêu lãi suất". Tuy nhiên, mức lãi suất được này đánh giá là chưa thực sự hấp dẫn và người dân cần cân nhắc kỹ để tránh rủi ro.

Các ngân hàng đã bắt đầu vào cuộc đua lãi suất - Ảnh minh họa

Cuộc đua lãi suất cao

Cụ thể, ngày 15.3, Sacombank đã phát hành chứng chỉ tiền gửi với mức “siêu lãi suất”. Theo đó, khách hàng tham gia chứng chỉ tiền gửi với mệnh giá tối thiểu là 10 triệu đồng cho kỳ hạn 5 năm + 1 ngày sẽ nhận được mức lãi suất hấp dẫn là 8,48%/năm. Kỳ hạn 7 năm sẽ nhận mức lãi suất là 8,88%/năm trong năm đầu tiên.

Nhưng Sacombank vẫn chưa phải là ngân hàng có mức ưu đãi cao nhất để thu hút khách hàng tham gia chứng chỉ tiền gửi. VPBank mới là ngân hàng đang sở hữu mức lãi suất cao kỷ lục. Cụ thể, lãi suất huy động dành cho kỳ hạn 5 năm đang được VPBank áp dụng lên đến 9,2%/năm. Mức lãi suất này được áp dụng cho khách hàng cá nhân lãnh lãi cuối kỳ, kỳ hạn 60 tháng, số tiền trên 5 tỉ đồng.

Không kém cạnh, LienVietPostBank cũng đã phát hành chứng chỉ tiền gửi với mức lãi suất ngang ngửa. LienVietPostBank dự kiến huy động 1.000 tỉ đồng vốn kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng và 60 tháng với mức lãi suất lên đến 8,8% một năm. Hay như VietABank cũng có chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn ngắn từ 6-18 tháng với mức lãi suất cao nhất lên đến 8,2%/năm.

Thông thường, đối với sản phẩm chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài, lãi suất luôn ở mức cao, thế nhưng với lãi suất từ 8,2 - 9,2%/năm được xem là mức lãi suất kỷ lục, hay còn được nhiều người ví von là "siêu lãi suất".

Không chỉ lãi suất huy động chứng chỉ tiền gửi ở mức cao, mặt bằng lãi suất huy động tiền đồng cũng được các ngân hàng tăng lên, chủ yếu ở các kỳ trung và dài hạn.

Đơn cử như Eximbank đã nâng lãi suất kỳ hạn 24 tháng, 36 tháng lên 8%/năm đối với lãnh lãi cuối kỳ, còn lãi suất dành cho lãnh lãi hàng tháng là 7,8%/năm. Tương tự, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) áp dụng mức lãi suất huy động 8%/năm ở kỳ hạn 24 tháng...

Cần nguồn vốn dài hạn

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM thừa nhận có tình trạng nhiều ngân hàng đồng loạt phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao, nhưng chỉ áp dụng ở kỳ hạn dài.

Theo ông Minh, sở dĩ nhiều ngân hàng vào cuộc đua “siêu lãi suất” là do Thông tư số 06/2016 quy định từ đầu năm 2017, hệ số sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng giảm từ 60% xuống 50%. Để đáp ứng quy định này, nhiều ngân hàng phải tăng vốn trung và dài hạn.

Không những vậy, nhiều ngân hàng đang gần chạm trần trong tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn nên chắc chắn họ sẽ tăng cường huy động vốn trung dài hạn để đủ nguồn cho vay tương ứng. Do đó, việc phát hành chứng chỉ tiền gửi cũng là một cách để tăng nguồn vốn trung và dài hạn.

Ông Minh cũng cho rằng quyết định trên của nhiều ngân hàng còn nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu vốn cho các dự án mà họ đã cam kết tài trợ dài hạn. Vì vậy, thời gian qua, một số ngân hàng đã xin phép được phát hành một lượng chứng chỉ tiền gửi dài hạn để huy động nguồn vốn nhằm thực hiện mục đích này.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM khẳng định số lượng phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao đã có sự cho phép của Ngân hàng Nhà nước. Cơ quan này có trách nhiệm duyệt số tiền phát hành, kỳ hạn, lãi suất cũng như thời hạn phát hành.

Trước việc nhiều người lo ngại lãi suất chứng chỉ tiền gửi tăng cao sẽ kéo theo lãi suất cho vay tăng, ông Nguyễn Hoàng Minh nhận định lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh sẽ chưa tăng ngay, tuy nhiên lãi suất cho vay áp dụng cho khách hàng cá nhân với mục đích tiêu dùng, mua bất động sản sẽ bị ảnh hưởng.

Lãi suất cao liệu có hấp dẫn?

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cá nhân khi mua chứng chỉ tiền gửi cần lưu ý là loại hình tài chính này chỉ được cầm cố và sang nhượng, không được quyền rút trước hạn.

“Ví dụ như chứng chỉ tiền gửi có thời hạn là 5 năm thì trong 5 năm đó, người mua chứng chỉ tiền gửi cần tiền thì có thể cầm số chứng chỉ đó vay vốn ngân hàng hoặc chuyển nhượng cho người khác, chứ không được rút vốn trước hạn. Nó khác với gửi tiết kiệm ở chỗ đó”, ông Minh nói.

Cũng nói về vấn đề này TS.Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính cho rằng mức lãi suất 8,8%/năm là cao nhưng với thời hạn 7 năm thì cần phải xem xét. Nếu tính kỹ, mức lãi suất này không có gì là hấp dẫn. Bởi lẽ, 7 năm là thời gian rất dài, nếu tính mốc 2017 thì đến năm 2024 mới đến hạn. Nếu tính lạm phát ở mức 4-5%/năm thì 7 năm cũng đã mất tới 30-35%. Khi đó lãi suất đã thay đổi trong khi lãi suất chứng chỉ này vẫn chỉ hơn 8%.

Phan Diệu

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/bi-von-trung-han-cac-ngan-hang-vao-cuoc-dua-chung-chi-tien-gui-59124.html