'Đắc nhân tâm' xưa rồi, cần biết những điều 'thất nhân tâm' để tránh

Ích kỷ, chủ quan, tự ái, thích trấn áp, vô duyên… đó đều là những điều khiến chúng ta dễ làm mất lòng người khác.

Trong nghệ thuật xử thế, có rất nhiều cuốn sách dạy bạn lấy lòng người khác. Đắc nhân tâm (Dale Carnegie) và Cách xử thế của người nay (KC Ingram) do Nguyễn Hiến Lê dịch; hoặc các cuốn nêu gương người xưa của học giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần như Cái dũng của thánh nhân, Thuật xử thế của người xưa

Tuy vậy, học cách ứng biến khéo léo làm đẹp lòng mọi người là chưa đủ, ta còn phải biết tới những điều dễ làm mất lòng người khác. Từ quan điểm ấy, học giả Hoàng Xuân Việt đã viết cuốn Thất nhân tâm, chỉ ra những điều dễ làm mất lòng người khác mà ta nên tránh.

Tại sao cần phải biết về “thất nhân tâm”?

Theo học giả Hoàng Xuân Việt, trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta dễ cư xử thất nhân tâm hơn là đắc nhân tâm, dễ chọc ghét thiên hạ hơn là làm cho người khác quý mến ta.

Bìa sách Thất nhân tâm.

Bìa sách Thất nhân tâm.

Kẻ khác ghét ta bởi những người thông thường xa lạ, ít thân quen khiến người ta dễ đề phòng, “dọn đường cho sự nghi ngờ tấn công”. Điều đó không chỉ diễn ra giữa người ngoài với ta, mà bản thân ta cũng thường có sự nghi ngờ, đề phòng với người lạ. Khi ta đã dè dặt rồi, mà người ta lại có một vài điều khiếm khuyết, diện mạo xấu, vụng về, ăn mặc thiếu khiếm nhã, soi mói… thì ta khó có thiện cảm với họ.

Một trong những lý do khiến chúng ta dễ thất nhân tâm bởi cái tôi to đùng của mỗi người. Chúng ta thường bày tỏ con người ta một cách chủ quan, suy nghĩ, phán đoán theo ý riêng. Những ý thích cá nhân của ta đôi khi khiến người khác không thích, điều đó cũng khó lấy thiện cảm của người khác.

Một lý do lớn khiến ta dễ mất lòng người khác chính là tính tự ái. Tác giả viết: “Ai trong chúng ta cũng quen mang trong mình một ‘ông thần’ chuyên môn chọc cho kẻ khác ghét ta cực độ. Ông thần ấy có tên là tự ái”.

Càng những người ít kiềm chế, không rèn luyện, tu thân thì càng có nguy cơ trở thành nô lệ của ông thần tự ái. Vì là nô lệ rồi, nên khi ai đó lỡ nói lời khiến ta không vui, xúc phạm, thì ta dễ nổi cáu, đỏ mặt tía tai, nổi điên… Bất cứ ai khi tự ái cũng dễ làm mất lòng với người khác.

Những điều dễ làm mất lòng cần tránh

Cho rằng chúng ta dễ làm mất lòng hơn là làm đẹp lòng người khác, học giả Hoàng Xuân Việt chỉ ra những điều tối kị trong thuật ứng xử.

Trong cuốn sách của mình, tác giả Hoàng Xuân Việt dành một chương quan trọng để chỉ ra những “mô hình thất nhân tâm”. Ông cho rằng có những kiểu thất nhân tâm là do không được ăn học, giáo dục từ bé, lại sống giữa môi trường không lành mạnh.

Do không được học phép lịch sự tối thiểu nên cư xử lỗ mãng, xúc phạm người khác như một thói quen tự nhiên. “… khi nói chuyện, người ta móc máy, nói xiên xỏ, nói đánh đầu, nói giọng kẻ cả. Có người quen nói tục một cách tỉnh bơ. Có người khác quen nói nặng, quen dùng những phong cách diễn tả làm cho người nghe cảm thấy họ có tính sỗ sàng, tâm hồn thô bạo”, tác giả viết.

“Lời nói đắc nhân tâm nếu không nói cũng không đến nỗi nguy hiểm gì. Còn lời nói thất nhân tâm hễ nói làm mất lòng người khác và dễ gây thù chuốc oán”.

Một số khác, thuộc lớp bình dân, trí thức lại thường lấy làm hả dạ khi nói điều gì đó xong mà người khác mất mặt, bực tức.

Trong khi đó, một số người được giáo dục tử tế, biết rõ phép lịch sự, nhưng lại có những thói quen thiếu tế nhị. Tác giả nêu ví dụ: “Một ông khoa bảng cao, có chức vị quan trọng trong xã hội. Ai mà nghĩ rằng họ không rành phép xã giao, thế nhưng khi ngồi họ rất khoái trá rung đùi. Họ nhai kẹo cao su liên tục”.

Thứ thất nhân tâm đáng sợ chính là bụng dạ man trá của những người có học. Đó là những người gian lận trong học thuật, “thuổng” nghiên cứu, tâm huyết của người khác lấy làm của mình. Tác giả coi đó là “thất nhân tâm kiểu kinh tởm”.

Một kiểu thất nhân tâm khác là cách người có quyền có chức đối xử với cấp thuộc hạ. Họ tự cho mình quyền cao chức trọng rồi đạo mạo, tự miễn cho mình phép lịch sự khi giao tiếp với cấp dưới. Họ cướp lời, độc đoán, vạch lỗi, nói xấu cấp dưới một cách công khai. Hoàng Xuân Việt cho rằng đây là thứ “thất nhân tâm tạo mầm phản trắc”.

Sau khi chỉ ra những tình huống thiếu tế nhị, dễ mất lòng người, tác giả đưa ra những phương pháp trị thất nhân tâm. Phương pháp của ông là hướng dẫn đắc nhân tâm theo cách phản biện. Ông nhấn mạnh những tính cách, lời nói, hành xử để lại hậu quả tai hại trong giao tiếp, giúp người đọc nhận diện mà tránh. Ông chỉ ra những ví dụ thực tế, các hoàn cảnh thường gặp trong đời sống xã hội người Việt, nêu những cử chỉ hành vi sỗ sàng, thiếu kiềm chế và cảnh báo: “nếu cứ làm theo chúng, thì sẽ bị những hành động ấy trả đũa”.

Một số cuốn trong tủ sách Học làm người của Hoàng Xuân Việt.

Tác giả Thất nhân tâm là một học giả, người tâm huyết với lĩnh vực ứng nhân xử thế. Tên thật là Nguyễn Tùng Nhân (1930 - 2014), quê ở Bến Tre, ông hoạt động trong nhiều lĩnh vực: viết văn, dịch giả, nhà ngôn ngữ học, học giả chuyên khảo về hùng biện. Ông sử dụng thành thạo một số ngoại ngữ như tiếng Anh, Pháp, Hán - Nôm, Hy Lạp, Latinh, Bồ Đào Nha.

Tần Tần

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/dac-nhan-tam-xua-roi-can-biet-nhung-dieu-that-nhan-tam-de-tranh-post941816.html