Đặc nhiệm Mỹ đến châu Âu tìm cách xuyên thủng A2/AD Nga

Lực lượng MDTF với sự hỗ trợ của TFC cùng khi tài tối tân tại châu Âu, Mỹ hy vọng xuyên thủng được phòng tuyến chống tiếp cận chống xâm nhập Nga.

Trong cuộc tập trận mang tên Thunder Cloud lần đầu tiên ở Adenes, Na Uy (bắt đầu từ ngày 9/9 và kết thúc vào ngày 20/9), lực lượng đặc nhiệm Multi-Domain Task Force (MDTF) cùng Theater Fires Command (TFC) và Lữ đoàn pháo binh dã chiến số 41 đã thực hiện loạt bài tập.

Những cuộc diễn tập sẽ đảm bảo cho NATO lợi thế quyết định trong cuộc xung đột quân sự tiềm tàng với Nga. Trong trường hợp xảy ra chiến tranh, MDTF sẽ sử dụng toàn bộ tiềm năng của mình để làm giảm hiệu quả của tuyến chống tiếp cận chống xâm nhập A2/AD địch.

Hệ thống phóng loạt Mỹ điều đên châu Âu.

Các tướng lĩnh Mỹ thừa nhận rằng, Nga có lợi thế về quân số so với NATO ở biên giới phía Tây, vì Nga có thể điều động số lượng quân nhiều hơn đáng kể tới khu vực này trong thời gian ngắn nhất có thể và chuẩn bị tốt hơn nhiều trong trường hợp xung đột vũ trang.

Tại Kaliningrad - vùng đất hải ngoại duy nhất của Nga - là mối quan ngại đặc biệt của Liên minh Bắc Đại Tây Dương. Moscow được cho là đã lập ra một khu vực A2/AD cực mạnh tại khu vực này.

Tại Mỹ, thuật ngữ A2/AD được hiểu là lãnh thổ được bảo vệ một cách đáng tin cậy khỏi sự can thiệp từ bên ngoài bằng hệ thống phòng không mạnh mẽ, tên lửa chống hạm, hệ thống tấn công ven biển và tác chiến tầm xa, cũng như các hệ thống tác chiến điện tử hiện đại.

Các nhà lãnh đạo Lầu Năm Góc hiểu rằng, trong trường hợp xảy ra xung đột, lục quân, không quân và hải quân phương Tây sẽ phải chịu tổn thất rất cao về người và thiết bị ở Kaliningrad và chỉ có thể trấn áp được A2/AD của khu vực này, nếu như liên minh sử dụng hết tiềm năng của mình, cùng với điều kiện là Nga hạn chế sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Chính vì vậy, Mỹ quyết định sẽ hành động theo cách khác. Trong nhiều năm qua, Mỹ đã nghiên cứu việc lập ra các đơn vị quân tương đối nhỏ - các nhóm MDTF được thiết kế để đột nhập vào các khu vực A2/AD. Thành phần và số lượng các đơn vị này phụ thuộc vào quy mô hoạt động tác chiến và đặc điểm chiến dịch.

"Nhóm đặc nhiệm MDTF châu Âu gồm có pháo binh dã chiến, tên lửa tầm xa, các tổ hợp hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa, các đơn vị trinh sát gồm cả khinh khí cầu, chuyên gia tác chiến điện tử, an ninh mạng và thông tin liên lạc không gian. Khả năng hoạt động trong mọi môi trường sẽ phối hợp hỏa lực của các nước NATO thành một tổng thể duy nhất", lực lượng MDTF ở châu Âu của Mỹ cho biết.

Như vậy, trang bị quan trọng của nhóm này chính là thiết bị tác chiến điện tử và chiến tranh mạng - những thiết bị có thể làm tê liệt hệ thống chỉ huy, hệ thống thông tin liên lạc, các thiết bị trinh sát-giám sát và điều khiển hỏa lực địch; vũ khí nòng cốt của nó pháo phản lực bắn loạt, tên lửa chính xác cao và trong tương lai là vũ khí siêu thanh - những vũ khí có khả năng hủy diệt nhanh các mục tiêu đầu não và vũ khí chủ lực địch

Với trang bị này và trong các cuộc chiến tranh tương lai, đòn đánh đầu tiên của Mỹ có thể sẽ không đến từ những tên lửa hành trình phóng từ trên không, trên biển; mà nó có thể đến từ các đơn vị đặc nhiệm lục quân với biên chế tổng hợp của nhiều binh chủng.

Trường hợp cần thiết, nhóm MDTF sẽ tham gia do thám vì lợi ích của toàn bộ liên quân NATO triển khai ở châu Âu. Họ sẽ xác định các vị trí phòng không, nơi tập trung quân và các tuyến di chuyển thiết bị quân sự của đối phương.

Cùng với điều đó, tin tặc của nhóm đặc nhiệm MDTF sẽ tham gia phá hoại trong không gian mạng, "gây nhiễu" phương tiện liên lạc và chỉ huy. Bước tiếp theo là tấn công các cơ sở hạ tầng quân sự trọng yếu của đối phương.

Để hỗ trợ nhóm MDTF châu Âu, Mỹ triển khai nhóm Theater Fires Command (TFC, tức Chỉ huy Hỏa lực Mặt trận) đặc biệt. Đó là trung tâm phân tích và chỉ huy xác định các mục tiêu tiềm năng tại mặt trận.

Các quân nhân của nhóm sẽ liên tục theo dõi sự di chuyển của quân địch với sự trợ giúp của máy bay không người lái và vệ tinh không gian, vũ khí tấn công trực tiếp là tên lửa tầm xa và các hệ thống pháo.

Tư lệnh Lục quân Mỹ ở châu Âu, Tướng Christopher Cavoli cho biết nhóm TFC sẽ là nhân tố chủ chốt trong các hoạt động của lực lượng MDTF tại các cuộc xung đột lớn.

Như Lầu Năm Góc nhấn mạnh, nhân viên của cả hai đơn vị với số lượng chỉ khoảng 500 người, đã được huấn luyện và sẵn sàng bắt đầu thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu.

Nhóm MDTF dự kiến đã đi vào hoạt động và nhóm TFC sẽ hoạt động sau đó một tháng. Nhóm TFC sẽ đến căn cứ Wiesbaden ở Đức. Địa điểm mà nhóm MDTF sẽ triển khai thường trực vẫn chưa được tiết lộ

Nhóm MDTF đầu tiên của Mỹ (MDTF-1) được thành lập năm 2018 và được sử dụng để thử nghiệm các giải pháp kỹ thuật và chiến thuật đầy hứa hẹn mà các đơn vị tương tự khác áp dụng sau đó.

Nhóm này được biên chế cho Lục quân Mỹ ở Thái Bình Dương và từng tham gia cuộc tập trận hải quân quốc tế vành đai Thái Bình Dương 2018 (RIMPAC-2018).

Ngoài nhóm MDTF châu Âu, trong năm 2021, Mỹ có kế hoạch triển khai thêm một nhóm MDTF ở khu vực Thái Bình Dương (MDTF-2) và một nhóm MDTF khác (MDTF-3) ở Bắc Cực.

Để khai thác những lỗ hổng của A2/AD mà MDTF, TFC nhận được, Mỹ đã vạch một kế hoạch triển khai binh lực cực lớn trong thời gian cực nhanh, được Nga gọi là “Khái niệm bốn lần ba mươi", tức là kế hoạch triển khai 30 tiểu đoàn NATO, 30 phi đội hàng không chiến thuật và 30 tàu chiến ở Đông Âu trong vòng 30 ngày.

Trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang với Nga, nhóm quân này sẽ hỗ trợ các lực lượng phản ứng nhanh của NATO bằng hỏa lực và tấn công vào các lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ của đối phương, do các nhóm MDTF, TFC và các đơn vị tiền phương khác của liên minh chọc thủng.

Đan Nguyên

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/luc-luong-vu-trang/dac-nhiem-my-den-chau-au-tim-cach-xuyen-thung-a2ad-nga-3439212/