Đặc nhiệm Nga thâm nhập Na Uy: Chỉ là 'thông tin giả'!

Một hãng tin độc lập của Na Uy mới đây tung tin rằng các lực lượng đặc nhiệm Nga đã bị bắt gặp ở bán đảo vùng cực Svalbard và thậm chí sâu trong lãnh thổ Na Uy. Trong phản ứng của mình, Đại sứ quán Nga tại Na Uy đã gọi thông tin này là 'tin giả'.

Binh sĩ Nga trong một cuộc tập trận (Ảnh: Sputnik)

Binh sĩ Nga trong một cuộc tập trận (Ảnh: Sputnik)

Đại sứ quán Nga tại Na Uy cho hay thông tin mà hãng tin AldriMer của Na Uy đăng tải "không khác gì một lời khiêu khích". "Chúng tôi coi hãng tin này như một phần trong hoạt động có hệ thống của một nhóm người nào đó ở Na Uy, nhằm mô tả Nga như kẻ thù" - Đại sứ quán Nga viết trên tài khoản Facebook chính thức.

Đại sứ quán Nga cho rằng, thông tin trên được tung ra có thể nằm trong âm mưu của một thế lực nào đó nhằm khai thác thêm các nguồn lực để chống lại cái gọi là "mối đe dọa Nga" ngay trước khi Quốc hội Na Uy phê chuẩn ngân sách quốc phòng. Các nhà ngoại giao Nga nói rằng, kiểu đưa tin như vậy không phù hợp với đạo đức của nghề báo.

Tuần trước, hãng tin AldriMer - có tư tưởng chống chiến tranh, chuyên về các vấn đề an ninh của Na Uy - dẫn một số nguồn tin tình báo của Na Uy và NATO đưa tin rằng các binh sĩ thuộc lực lượng đặc nhiệm Nga (Spetsnaz) bị bắt gặp trên bán đảo Svalbard trong lúc đang huấn luyện nội dung hủy diệt mục tiêu và chuẩn bị cho chiến tranh.

"Các đội chiến thuật của Nga đã thực hiện nhiều chiến dịch quân sự ở Svalbard, trong khi nhiều đơn vị quân sự khác của Nga cũng thực hiện nhiệm vụ trinh sát trên lãnh thổ Na Uy" - AldriMer dẫn nguồn tin giấu tên cho hay.

Một số nguồn tin giấu tên khác mà tờ này dẫn lại còn cho rằng nhiều công dân Nga - đóng giả làm thường dân - đã do thám khu vực và quan sát kỹ các cơ sở hạ tầng quan trọng.

Bộ Quốc phòng Na Uy hiện từ chối bình luận, nhưng cho rằng sự xuất hiện của binh sĩ Nga có thể liên quan tới các cuộc tập trận quân sự của Hải quân Nga. Trong khoảng thời gian từ ngày 1 đến 9/8, Nga đã tổ chức phiên bản 2019 của cuộc tập trận Ocean Shield (Lá chắn đại dương) trên biển Baltic, biển Na Uy và biển Bắc. Mục đích của các cuộc tập trận này là phối hợp tác chiến giữa các hạm đội.

Theo Hiệp ước Svalbard 1920, Na Uy có chủ quyền đối với quần đảo này, trong khi các bên ký kết - có cả Nga - vẫn có quyền tham gia các hoạt động thương mại trong khu vực này.

(Theo Sputnik)

Huyền Chi

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/dac-nhiem-nga-tham-nhap-na-uy-chi-la-thong-tin-gia-368356.html