Đặc phái viên LHQ cảnh báo về 'nguy cơ nội chiến' ở Myanmar

Đặc phái viên LHQ về Myanmar, bà Christine Schraner Burgener kêu gọi quốc tế hành động nhanh chóng để ngăn chặn nguy cơ 'nội chiến ở quy mô chưa từng có' tại Myanmar.

Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc (LHQ) về Myanmar kêu gọi Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ hành động để tránh nguy cơ nội chiến và tình trạng "tắm máu" có thể xảy ra ở quốc gia Đông Nam Á này, tờ South China Morning Post đưa tin.

Ngày 31-3, Đặc phái viên Christine Schraner Burgener đã phát biểu trong phiên họp kín của HĐBA về vấn đề Myanmar và cảnh báo về "một cuộc tắm máu sắp xảy ra".

"Tôi kêu gọi hội đồng xem xét tất cả công cụ sẵn có để đưa ra hành động tập thể và làm những gì đúng đắn, những gì người dân Myanmar xứng đáng và ngăn chặn một thảm họa trên nhiều khía cạnh" - bà Burgener nói.

Đặc phái viên LHQ về Myanmar, bà Christine Schraner Burgener. Ảnh: UN PHOTO

Đặc phái viên LHQ về Myanmar, bà Christine Schraner Burgener. Ảnh: UN PHOTO

Bà Burgener cho biết cơ hội đối thoại vẫn được để mở cho chính quyền quân sự Myanmar, song cảnh báo HĐBA rằng "nếu chỉ chờ đợi khi họ (tức chính quyền quân sự Myanmar - PV) sẵn sàng đối thoại thì tình hình tại thực địa sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn".

Bà Burgener cảnh báo rằng "sự tàn ác của quân đội (Myanmar) là quá nghiêm trọng và nhiều (nhóm sắc tộc thiểu số có vũ trang) đang có quan điểm chống đối rõ ràng, làm tăng nguy cơ xảy ra nội chiến ở quy mô chưa từng có".

Đặc phái viên của LHQ cho rằng cộng đồng quốc tế, nhất là các nước láng giềng của Myanmar, cần hành động "ngay bây giờ" để ngăn chặn "sự leo thang của các hành động tàn bạo" nếu không muốn "phải trả cái giá đắt hơn rất nhiều" một khi nội chiến xảy ra.

Anh nói HĐBA 'đang thảo luận', Trung Quốc ngăn trừng phạt Myanmar

Sau cuộc họp, Đại sứ Anh tại LHQ Barbara Woodward chia sẻ với báo giới rằng HĐBA đã "thống nhất trong việc lên án" chính quyền quân sự Myanmar và đang thảo luận về "một loạt biện pháp" nhắm vào quân đội quốc gia Đông Nam Á này.

Tuy nhiên, theo một bản tuyên bố được công bố sau cuộc họp, Trung Quốc - nước được coi là đồng minh chính của Myanmar - đã loại trừ khả năng trừng phạt Naypyidaw.

"Áp lực từ một phía và việc kêu gọi trừng phạt hoặc các biện pháp cưỡng chế khác sẽ chỉ làm trầm trọng thêm căng thẳng, đối đầu và làm phức tạp thêm tình hình, điều này hoàn toàn không mang tính xây dựng" - Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Trương Quân phát biểu trong cuộc họp.

Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Trương Quân. Ảnh: AFP

Ông Trương nhắc lại lập trường của Bắc Kinh rằng Trung Quốc muốn Myanmar "khôi phục hòa bình, ổn định và trật tự hiến pháp càng sớm càng tốt và tiếp tục thúc đẩy quá trình chuyển đổi dân chủ một cách ổn định", đồng thời kêu gọi chính quyền Naypyidaw bảo vệ tài sản của các công ty Trung Quốc tại Myanmar.

Cuộc họp hôm 31-3 do Anh đề xuất sau khi số người chết trong các cuộc biểu tình phản đối quân đội Myanmar tăng nhanh. Theo một tổ chức độc lập chuyên theo dõi nền chính trị Myanmar, tính tới tối 30-3, ít nhất 521 người đã chết trong các cuộc biểu tình, trong đó 141 trường hợp thiệt mạng trong ngày 27-3.

Tình trạng bất ổn ở Myanmar bùng phát sau khi quân đội nước này bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và nhiều quan chức cấp cao của chính quyền dân sự hôm 1-2. Ngay trong ngày 1-2, một chính quyền quân sự đã được lập ra để quản lý đất nước trong "tình trạng khẩn cấp".

Cuộc chính biến của quân đội Myanmar đã vấp phải sự lên án gay gắt từ nhiều nước lớn và sự phản đối từ một phần lớn người dân Myanmar. Mỹ và Anh đã trừng phạt các tướng lĩnh cùng các công ty của quân đội Myanmar. Washington còn cắt đứt mọi quan hệ thương mại với Naypyidaw và kêu gọi các nước cũng hành động tương tự.

Trong khi đó, một số nhóm sắc tộc thiểu số có vũ trang đang kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn ở các vùng biên giới Myanmar đã lên tiếng cảnh báo quân đội.

Quân đội Giải phóng quốc gia Ta'ang, Quân đội Liên minh Dân chủ các dân tộc Myanmar và Quân đội Arakan - đều là các nhóm nổi dậy có vũ trang - đã đưa ra tuyên bố chung cảnh báo việc có thêm người Myanmar chết trong các cuộc biểu tình có thể dẫn tới nguy cơ đổ vỡ thỏa thuận ngừng bắn giữa các nhóm vũ trang với chính quyền Naypyidaw.

Trong khi đó, hai nhóm vũ trang khác là Liên minh Quốc gia Karren và Quân đội Độc lập Kachin đang tăng cường tấn công vào quân đội và cảnh sát chính phủ.

HOÀN ĐỨC

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/su-kien/dac-phai-vien-lhq-canh-bao-ve-nguy-co-noi-chien-o-myanmar-976053.html