Đặc phái viên Liên hợp quốc: Myanmar có nguy cơ rơi vào bế tắc

Đặc phái viên Liên hợp quốc về Myanmar Christine Schraner Burgener cho rằng tình hình Myanmar có nguy cơ rơi vào bế tắc nếu không có phản ứng từ cộng đồng quốc tế.

Tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hôm 30/4, Đặc phái viên Liên hợp quốc về Myanmar Christine Schraner Burgener cho biết, trong trường hợp không có phản ứng tập thể từ cộng đồng quốc tế đối với cuộc đảo chính ở Myanmar, việc quản lý, điều hành đất nước tại Myanmar có nguy cơ rơi vào bế tắc khi bạo lực đang trở nên tồi tệ hơn.

“Việc điều hành chung của nhà nước có thể đi vào bế tắc khi phong trào ủng hộ dân chủ tiếp tục diễn ra bất chấp chính quyền quân sự sử dụng vũ lực trấn áp, bắt giữ”, Đặc phái viên Liên hợp quốc về Myanmar Christine Schraner Burgener cho hay.

Bất ổn tại Myanmar tiếp diễn từ sau đảo chính hôm 1/2. (Ảnh: Reuters)

Bất ổn tại Myanmar tiếp diễn từ sau đảo chính hôm 1/2. (Ảnh: Reuters)

Theo Christine Schraner Burgener, các cuộc trấn áp của chính quyền quân sự tại Myanmar có nguy cơ làm suy giảm động lực tiến tới chấm dứt cuộc khủng hoảng sau cuộc họp của ASEAN với người đứng đầu quân đội Myanmar – Thống tướng Min Aung Hlaing, hôm 2/4.

Đặc phái viên Liên hợp quốc về Myanmar cũng cho hay, có nhiều thông tin về việc dân thường - chủ yếu là sinh viên từ các khu vực thành thị, đang được các nhóm vũ trang nổi dậy huấn luyện cách sử dụng vũ khí.

"Trong trường hợp không có phản ứng tập thể của cộng đồng quốc tế, bạo lực sẽ gia tăng”, Đặc phái viên Liên hợp quốc về Myanmar Christine Schraner Burgener cho biết thêm.

Sau cuộc họp của Hội đồng Bảo an hôm 30/4, Phó Đại sứ của Anh tại Liên hợp quốc James Roscoe bày tỏ "vô cùng quan ngại" về việc Thống tướng Min Aung Hlaing không có kế hoạch thực hiện ngay các khuyến nghị của ASEAN nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Myanmar.

"Điều thực sự quan trọng là chính quyền quân sự phải tuân theo sự đồng thuận của ASEAN. Hội đồng Bảo an có vai trò trong việc duy trì áp lực đến cùng với chính quyền quân sự Myanmar", James Roscoe cho hay.

Lãnh đạo các nước ASEAN hôm 24/4 cho biết, họ đã nhất trí với lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar về một kế hoạch nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Myanmar, gồm ngừng sử dụng hành vi bạo lực với dân thường và chấp nhận sự hỗ trợ nhân đạo.

Myanmar đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi quân đội bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và lãnh đạo chính phủ được bầu hôm 1/2. Biểu tình liên tục xảy ra từ sau đảo chính. Đến nay, 759 người thiệt mạng và hơn 3.400 người bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình.

Kông Anh (Nguồn: Reuters)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/dac-phai-vien-lien-hop-quoc-myanmar-co-nguy-co-roi-vao-be-tac-ar609663.html