Đặc sắc điệu múa mang tinh thần thượng võ của người Tày, Nùng

Người Tày, Nùng ở Lạng Sơn hiện vẫn còn duy trì được tập tục múa sư tử mèo truyền thống. Đây là điệu múa đặc sắc thể hiện tinh thần thượng võ của người Tày, Nùng ở Lạng Sơn trong các dịp như: Tết Nguyên đán, hội Lồng Tồng (xuống đồng), lễ vào nhà mới…, đặc biệt là dịp Tết Trung thu.

Múa sư tử mèo thể hiện tinh thần thượng võ của người Tày, Nùng. Ảnh: Thanh Thuận

Điệu múa đặc sắc

Theo truyền thuyết, sư tử là chúa sơn lâm, vua của các loài vật. Do vậy, múa sư tử sẽ xua đuổi được ma tà. Múa sư tử còn được đồng bào Tày, Nùng yêu thích vì có nhiều vũ điệu khỏe khoắn, phù hợp với tinh thần thượng võ của người miền núi. Múa sư tử mèo sử dụng những đạo cụ như: Mặt nả lình (còn gọi là mặt khỉ); chiêng (là), chũm chọe (xụp xè); đinh ba chạc (sam xa), gậy, đoản đao (pàn tao), kiếm, dao nhọn... Riêng đầu sư tử phải có hai cái: Một đầu sư tử lớn và một đầu sư tử nhỏ hơn.

Với đồng bào Tày, Nùng ở Lạng Sơn, múa sư tử mèo còn là biểu tượng của sự may mắn, hạnh phúc trong cuộc sống. Hiện nay, tại Lạng Sơn, múa sư tử mèo tập trung chủ yếu ở các huyện: Tràng Định,Văn Lãng, Văn Quan, Cao Lộc, Lộc Bình và Bình Gia. Nếu như nghệ thuật múa sư tử của một số dân tộc thường có hình ông Địa cầm chiếc quạt đi đầu đoàn múa, thì trong đội múa sư tử mèo, dẫn đầu lại là những thanh niên mang gậy đôi, tẳng giảo (một loại binh khí của người Nùng) thể hiện những thế võ mạnh mẽ của dân tộc.

Múa sư tử mèo có rất nhiều bài biểu diễn khác nhau như: Múa đi đường, bài mừng, bài bái tổ, bài cầu may, múa chào thần thánh; múa chúc mừng năm mới các nhà trong làng; các trò diễn như trò vui của khỉ, múa võ (oóc quyền), nghệ thuật chồng hình, nhào lộn qua vòng lửa, thăng đai cho sư tử...

Nghệ nhân Hoàng Choóng, ở thôn Thâm Mè, xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng nói: “Tùy vào không gian, địa điểm, mục đích, yêu cầu múa sư tử mèo có nhiều nghi thức, điệu múa và các trò diễn khác nhau cho phù hợp. Mỗi bài múa đi kèm một điệu nhạc; người múa sư tử chỉ cần nghe chuyển nhạc gõ là biết trình diễn múa bài tương thích. Vào những lễ hội, mọi người không thấy tiếng trống vang, tiếng thanh la, với những con sư tử múa những đường quyền nhịp nhàng, uyển chuyển... thì như chưa thấy không khí náo nhiệt của ngày hội nơi xứ Lạng...”.

Người múa sư tử mèo sẽ điều khiển một chiếc đầu có hình dáng gần giống đầu sư tử, nhưng có khuôn mặt của con mèo. Đầu sư tử được làm bằng nguyên liệu sẵn có, kết hợp với nhiều màu sắc sặc sỡ như đỏ, đen, vàng hay xanh đậm... Bởi quan niệm của người Tày, Nùng là múa sư tử mèo để xua đi những điều xấu, mang lại may mắn nên khuôn mặt sư tử mèo càng dữ càng tốt, điệu múa võ càng mạnh mẽ càng hay.

Đồng bào quan niệm, sư tử đi đến đâu là mang theo hạnh phúc, no đủ và niềm vui đi đến đó. Trong bài múa sư tử mèo, không thể thiếu phần biểu diễn các động tác võ thuật như các bài quyền, kiếm, binh khí thể hiện sức mạnh, sự dẻo dai của con người. Sức mạnh ấy, luôn để bảo vệ dân làng trước mọi hiểm nguy.

Khi múa sư tử mèo, những động tác múa võ vừa nhanh, vừa uyển chuyển kết hợp với tiếng trống, tiếng chiêng rộn rã khiến người xem vô cùng náo nức, khí thế. Cứ theo nhịp trống, thanh la, chũm chọe, người múa phải di chuyển sư tử mèo lên cao, xuống thấp, xoay vòng đúng tiết tấu. Một bài múa chỉ kéo dài 7 phút, nhưng nó đòi hỏi kỹ thuật điêu luyện của người biểu diễn.

Gìn giữ cho muôn đời sau

Dịp Tết Trung thu năm nay, người Nùng ở bản Tình Slung, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn lại có dịp giới thiệu với mọi người điệu múa đặc sắc truyền thống của dân tộc mình tại Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.

Cùng với dòng chảy của thời gian, cuộc sống ngày càng hiện đại đã khiến cho nhiều sinh hoạt văn hóa cộng đồng giàu bản sắc của các dân tộc thiểu số bị mai một, thậm chí là biến mất. Múa sư tử mèo cũng bị giảm nhiều trong mùa lễ hội. Để gìn giữ và bảo tồn điệu múa sư tử mèo, từ năm 1992 đến nay, tỉnh Lạng Sơn đã quan tâm, bảo tồn và phát triển loại hình đặc sắc này. Nhiều biện pháp đầu tư, dạy múa sư tử mèo, phục dựng nghi lễ múa sư tử mèo ở nhiều lễ hội đã được tổ chức.

Nghệ nhân Hoàng Choóng, người dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên trên địa bàn xã biên giới Hoàng Việt, huyện Văn Lãng là người duy nhất trong tỉnh Lạng Sơn tự phục dựng đầu sư tử mèo. Ông cho biết, làm đầu sư tử mèo khó nhất là khâu chọn đất để lên khuôn mặt con sư tử, đất phải mịn, khi khô không bị vỡ nứt, khi thể hiện thì khuôn mặt sư tử không con nào giống nhau mà mỗi con đều mang một sắc thái riêng. Ngoài ra, ông còn đam mê, tìm tòi sáng tác thơ bằng tiếng dân tộc Tày, Nùng, rồi tự dịch, chuyển thể sang tiếng Việt... Nhờ đó, đã góp phần gìn giữ, khôi phục nhiều làn điệu dân ca của người Tày, Nùng.

Nghệ nhân Hoàng Choóng luôn đau đáu với việc bảo tồn điệu múa sư tử mèo truyền thống. Yêu thích múa sư tử mèo từ khi còn trẻ, được theo các già làng tham gia các hoạt động và biểu diễn cùng đội múa sư tử mèo tại các lễ hội nên sau khi nghỉ hưu, ông dành toàn tâm, toàn trí cho việc phục dựng, bảo tồn điệu múa sư tử mèo cũng như chế tác đầu sư tử mèo trước nguy cơ mai một.

Ông tâm sự: “Khi tham gia khôi phục điệu múa này, tôi gặp nhiều khó khăn. Bởi nghệ thuật múa sư tử mèo đã bị mai một rất nhiều. Những người am hiểu, những nghệ nhân thông thạo các điệu múa này còn rất ít và đều đã cao tuổi, vì vậy, việc chế tác đầu sư tử đến các đạo cụ đi kèm hoặc truyền dạy, hướng dẫn múa, đánh võ sư tử đều rất khó khăn. Người trẻ không mặn mà, thậm chí, không chịu học loại hình này. Chúng tôi chỉ còn biết cố gắng nghiên cứu, sưu tầm và truyền dạy chỉ mong lớp trẻ theo học để gìn giữ văn hóa của cha ông”.

Những nỗ lực của nghệ nhân Hoàng Choóng cùng các cộng sự đã được đền đáp khi có được những kết quả khả quan từ các lớp truyền dạy. Từ xã Hải Yến và xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn đã nhân rộng mô hình truyền dạy múa sư tử mèo ra một số địa phương lân cận. Điều đáng mừng là nhiều bạn trẻ đã hào hứng tham gia học và theo nghề. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có gần 90 đội múa sư tử mèo, với gần một nghìn nghệ nhân múa sư tử. Mỗi đội múa sư tử mèo có từ 8 đến 16 người, gồm: Người múa sư tử, đười ươi, mặt khỉ và đội múa võ dân tộc.

Với những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc đó, ngày 8-5-2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 1852 /QĐ-BVHTTDL công nhận Múa sư tử mèo của đồng bào dân tộc Tày, Nùng Lạng Sơn là loại hình di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Thanh Thuận

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/dac-sac-dieu-mua-mang-tinh-than-thuong-vo-cua-nguoi-tay-nung/