Đặc sắc 'Giai điệu mùa Thu'

Liên hoan nghệ thuật giao hưởng nhạc vũ kịch 'Giai điệu mùa Thu' đã trở lại với khán giả TP. Hồ Chí Minh sau thời gian gián đoạn mọi hoạt động biểu diễn vì đại dịch Covid-19. Bằng tình yêu nghệ thuật cháy bỏng, với sự chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo thành phố và sự động viên, cổ vũ của khán giả, các nghệ sĩ đã cống hiến hết mình trong các đêm diễn, ghi dấu ấn mạnh mẽ trong lòng công chúng yêu nghệ thuật trong và ngoài nước.

Những đêm diễn ghi dấu ấn trong lòng khán giả

Liên hoan "Giai điệu mùa Thu" ra đời từ năm 2005 với mục tiêu ban đầu là giới thiệu những tài năng trẻ, nhưng dần trở thành sự kiện lớn quy tụ đông đảo nghệ sĩ uy tín cả trong và ngoài nước. Liên hoan đã trở thành hoạt động nghệ thuật tiêu biểu của thành phố góp phần quảng bá hình ảnh đến bạn bè quốc tế và tăng cường giao lưu văn hóa. Ở kỳ Festival thứ 13, liên hoan diễn ra từ ngày 10 - 17. 9 với chuỗi các chương trình nghệ thuật đặc biệt, phong phú và mới mẻ về phong cách trong hai lĩnh vực âm nhạc và múa hàn lâm.

Bữa tiệc âm nhạc Giai điệu mùa Thu 2022 trở lại mỹ mãn

Bữa tiệc âm nhạc Giai điệu mùa Thu 2022 trở lại mỹ mãn

Đêm khai mạc tối 10.9 tưng bừng với những phong cách âm nhạc khác nhau trên thế giới và những ca khúc nổi bật của Việt Nam gây xúc động trong lòng người nghe như “Tổ quốc gọi tên mình” của nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn do NSND Tạ Minh Tâm trình bày. “Giai điệu mùa Thu là giấc mơ của chúng tôi từ những năm sau giải phóng. Chúng tôi từng mơ ước có một thành phố có dàn nhạc giao hưởng, có sự kiện âm nhạc lớn mang tầm vóc quốc gia. Đến hôm nay, lần thứ 13 "Giai điệu mùa Thu", tôi tin đã làm được điều đó và làm lớn hơn nữa...", NSND Tạ Minh Tâm chia sẻ. Ông cũng khẳng định dòng nhạc giao hưởng không thể nào thiếu được trong đời sống âm nhạc của người dân thành phố, một dòng nhạc của sự công phu, nghiêm túc tận cùng.

Song hành cùng những thành tựu của âm nhạc thế giới với những tác phẩm nổi bật của những tên tuổi lớn trong lịch sử âm nhạc thế giới như G. Puccini, G. Rossini, D. Donizetti, W.A. Mozart, G. Verdi… là những tác phẩm âm nhạc Việt Nam đã in đậm trong tâm trí nhiều thế hệ công chúng Việt Nam như: Tiếng hát từ thành phố mang tên người, Khát vọng, Thành phố tôi yêu, Giai điệu Tổ quốc, Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người... Đặc biệt, chương trình năm nay có sự tham gia hai nghệ sĩ opera người Nga nổi tiếng; giọng nam cao xuất sắc người Nga Yury Rostotsky, giọng nam trung Konstantin Brzhinsky.

Đêm diễn 11.9 giới thiệu vở thanh xướng kịch nổi tiếng Carmina Burana (Vòng quay may mắn) của nhà soạn nhạc người Đức Carl Orff, với âm hưởng đầy ấn tượng của hai dàn hợp xướng và những soloist tài năng cùng sự phô diễn nét đẹp trong giọng hát. Những màn biểu diễn của hai nghệ sĩ người Nga, giọng nam cao xuất sắc người Nga Yury Rostotsky, giọng nam trung Konstantin Brzhinsky cùng với một trong những giọng nữ cao xuất sắc nhất Việt Nam hiện nay, nghệ sĩ Phạm Khánh Ngọc đã trở thành điểm nhấn trong lĩnh vực nhạc kịch.

Quảng bá hình ảnh TP. Hồ Chí Minh

Liên hoan lần này được tổ chức bên cạnh mong muốn tiếp tục đưa loại hình nghệ thuật hàn lâm trở thành hoạt động nghệ thuật tiêu biểu của thành phố, tiếp cận gần hơn với công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Đây còn là dịp tạo điều kiện cho các nghệ sĩ trong nước giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao chuyên môn với các nghệ sĩ quốc tế. Thông qua liên hoan tạo cơ hội để quảng bá hình ảnh thành phố đến bạn bè quốc tế và tăng cường giao lưu văn hóa, góp phần phát triển du lịch.

Bởi vậy, tham gia liên hoan có còn vở kịch múa “Kiều” dựa trên nội dung tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du đã được dàn dựng lần đầu tiên vào năm 2020. Dự án lớn này được ủy nhiệm bởi Hiệp hội Nghệ sĩ múa Việt Nam nhằm mục đích kết hợp tinh thần văn hóa Việt Nam với kỹ thuật múa châu Âu. Tác phẩm được biên đạo bởi thạc sĩ, biên đạo múa Nguyễn Thị Tuyết Minh (Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam) và biên đạo múa Nguyễn Phúc Hùng, âm nhạc của Vũ Việt Anh và Chinh Ba. Múa Kiều có sự tham gia biểu diễn bởi các nghệ sĩ múa xuất sắc: NSƯT Trần Hoàng Yến, NSƯT Hồ Phi Điệp và NSƯT Đàm Đức Nhuận, cùng các nghệ sĩ Sùng A Lùng, Đỗ Hoàng Khang Ninh, Đặng Minh Hiền, Nguyễn Thu Trang...

Bế mạc liên hoan vào ngày 17.9 là đêm diễn chất lượng rất cao, biểu diễn tác phẩm của hai nhà soạn nhạc vĩ đại L.v.Beethoven và Nikolai Rimsky-Korsakov, với sự tham gia của các nghệ sĩ khách mời tài năng như NSƯT Bùi Công Duy, Nguyễn Trinh Hương, Dmitry Feygin...

Nhà hát Giao Hưởng và Vũ Kịch TP. Hồ Chí Minh phát triển vững mạnh như ngày nay là kết quả của tình yêu lớn lao đối với nghệ thuật giao hưởng nhạc, vũ kịch, lòng yêu nghề cháy bỏng của các nghệ sĩ và cũng là sự suy tư, trăn trở của lãnh đạo thành phố. Mục tiêu xây dựng và phát triển loại hình nghệ thuật mang tính hàn lâm, xứng đáng với vị trí và tầm vóc của thành phố đầu tàu kinh tế của cả nước, có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế và văn hóa sau nhiều khó khăn đã thành hiện thực. Từ thực tế “cháy vé" mỗi đêm diễn và sự tiếc nuối của nhiều khán giả chưa được thưởng thức, mong sao các nghệ sĩ sẽ có những “thánh đường” nghệ thuật rộng lớn hơn, đủ sức chứa hàng nghìn khán giả hâm mộ mỗi đêm để nghệ thuật hàn lâm tiếp tục lan tỏa tới từng trái tim người yêu nghệ thuật.

Minh Tuệ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/dac-sac-giai-dieu-mua-thu-i301113/