Đặc sắc, hấp dẫn chương trình nghệ thuật 'Ân tình Minh Hóa'

Tối 3/5, tại sân vận động huyện Minh Hóa, Ban Tổ chức Tuần lễ Văn hóa-Thể thao-Du lịch và Hội rằm tháng ba huyện Minh Hóa năm 2023 phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức chương trình nghệ thuật 'Ân tình Minh Hóa'.

Các đại biểu tham dự tại chương trình nghệ thuật "Ân tình Minh Hóa".

Các đại biểu tham dự tại chương trình nghệ thuật "Ân tình Minh Hóa".

Tham dự chương trình có các đồng chí: Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Cao Văn Định, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Lê Văn Bảo, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và hai huyện Nakai và Bualapha thuộc tỉnh Khăm Muộn (Lào).

Đông đảo khán giả đến xem, thưởng thức chương trình.

Người dân huyện Minh Hóa thường có câu: “Thà rằng đau ốm mà nằm/ Không ai nỡ bỏ Hội rằm tháng ba”. Chương trình nghệ thuật “Ân tình Minh Hóa” được mở màn bằng tiết mục múa "Âm vang nguồn cội". Tiết mục đã khái quát sơ lược về sự tích lèn Ông Ngoi, thác Bụt và hội rằm tháng ba…

Tiếp đó, các đại biểu tham dự và khán giả đã được xem bộ phim tư liệu về con người và mảnh đất Minh Hóa. Minh Hóa là vùng đất có nhiều tiềm năng và thế mạnh, nơi có đường Hồ Chí Minh chạy suốt chiều dài của huyện, tuyến Quốc lộ 12A nối các tỉnh vùng đông bắc Thái Lan, qua Lào về Quốc lộ 1A đến cảng biển Hòn La (Quảng Bình), Vũng Áng (Hà Tĩnh). Đặc biệt, Minh Hóa có hệ thống hang động kỳ vĩ và độc đáo, những danh thắng nổi tiếng, như: động Tú Làn, hang Rục Mòn, thác Mơ, thác Bụt, hồ Yên Phú…

Mới đây nhất (tháng 4/2023), Hiệp hội Hang động Hoàng Gia Anh đã phát hiện 22 hang động mới tuyệt đẹp ở Quảng Bình, trong đó có nhiều hang động ở Minh Hóa.

Một tiết mục tại chương trình.

Đây cũng là vùng đất có nhiều địa danh đã đi vào lịch sử, như: Hóa Sơn được Vua Hàm Nghi cùng các tướng lĩnh đóng căn cứ để lãnh đạo phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp năm 1885; các địa danh đèo Đá Đẽo, đèo Mụ Dạ, ngầm Rinh, Khe Ve, đình làng Kim Bảng, Cổng Trời, Cha Lo, trận địa Nguyễn Viết Xuân nổi tiếng trong kháng chiến chống Mỹ đã đi vào lịch sử, trở thành những địa chỉ "đỏ" giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Không chỉ là vùng đất với những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng mà Minh Hóa còn là nơi sinh sống, giao thoa văn hóa của đồng bào các dân tộc Kinh, Chứt, Bru Vân Kiều.

Ngoài ra, lễ hội rằm tháng ba là lễ hội lớn nhất trong năm của người dân Minh Hóa với giá trị văn hóa độc đáo, riêng có. Hội rằm không chỉ là dịp để người dân địa phương khấn vái thần linh cầu mưa thuận, gió hòa, sức khỏe, bình an, mà còn là dịp để bà con trẩy hội chợ rằm, trao đổi, mua bán các sản vật địa phương và con trai, con gái hò hẹn bén duyên nhau qua điệu hát đúm pí, hò thuốc cá...

Chương trình được dàn dựng công phu, hoành tráng.

Năm 2021, hò thuốc cá được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, góp phần tôn tạo, vun đắp những giá trị văn hóa độc đáo của Hội rằm tháng ba huyện Minh Hóa…

Chương trình nghệ thuật “Ân tình Minh Hóa” còn có thêm nhiều tiết mục, chương trình múa, hát rất đặc sắc, hấp dẫn, như: "Âm vang tiếng trống hội rằm", "Tổ khúc dân ca", "Đường lên Quy Đạt", "Ơn nghĩa sinh thành", "Vấn vương Minh Hóa quê mình", “Vui hội đêm rằm”, "Thương em cô gái nguồn ơi", "Lạc miền kỳ vĩ", "Quê hương vào hội"...

Chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng QBTV, fanpage của Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình và được một số Đài Phát thanh-Truyền hình trong nước tiếp sóng.

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202305/tuan-le-van-hoa-the-thao-du-lich-va-hoi-ram-thang-ba-huyen-minh-hoa-nam-2023-dac-sac-hap-dan-chuong-trinh-nghe-thuat-an-tinh-minh-hoa-2208965/