Đặc sắc làng nghề dệt khăn Krama

Giữa nhịp sống hối hả, nhộn nhịp của Thủ đô Phnom Penh hoa lệ, có một làng nghề truyền thống hàng trăm năm tuổi vẫn ngày ngày gìn giữ 'lửa nghề'. Đó chính là Kbal Koh, một ngôi làng nhỏ nằm ở tỉnh Kandal, cách Thủ đô Phom Penh khoảng 40km. Đồng hành cùng SEA Games 32, các phóng viên của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) đã lặn lội đến đây để tìm hiểu thêm về đặc trưng của làng nghề dệt khăn Krama - Kbal Koh.

Sản phẩm khăn Krama của làng Kbal Koh - đảo Koh Dach có họa tiết, hoa văn cực kỳ tinh xảo

Sản phẩm khăn Krama của làng Kbal Koh - đảo Koh Dach có họa tiết, hoa văn cực kỳ tinh xảo

Đảo Koh Dach - một hòn đảo nhỏ nằm giữa ranh giới Thủ đô Phnom Penh và tỉnh Kandal - là vùng đất của những làng nghề dệt khăn Krama, chiếc khăn rằn huyền thoại của người dân xứ sở chùa Tháp. Khăn rằn gắn bó với người Campuchia từ thế kỷ thứ 17. Tương truyền, thần Vishnu là người đã làm ra chiếc khăn Krama. Ban đầu, khăn rằn Campuchia có 2 màu chủ đạo là đỏ, vàng, thế nhưng, qua quá trình cộng hưởng, giao thoa văn hóa, khăn mang nhiều màu sắc, họa tiết đặc sắc hơn nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.

Chúng tôi đến thăm làng Kbal Koh, ngôi làng có đến 1.500 người dệt khăn Krama, tương đương với 80% phụ nữ gắn bó với nghề dệt. Bên khung dệt truyền thống, những nghệ nhân vẫn miệt mài với công việc, dù sản phẩm họ làm ra khó cạnh tranh với những loại khăn được sản xuất công nghiệp đại trà.

Chị Chhoi Pech, một nghệ nhân làng Kbal Koh chia sẻ: Nhờ có chỉ nguyên liệu nhập khẩu, việc dệt khăn Krama dễ dàng hơn nhiều. Trước đây, chúng tôi phải nuôi tằm, ươm tơ mới có sợi để dệt. Krama không thể cạnh tranh được với sản phẩm công nghiệp, nhưng thực sự lụa tơ tằm ở đây rất đẹp, chất vải mịn màng, khách hàng ưa chuộng và mua với giá cao, nên chị em chúng tôi đều cố gắng giữ nghề”.

Nghệ nhân Chhoi Pech bên khung dệt Krama

Không chỉ đa dạng về màu sắc, đặc sắc về chất liệu, khăn rằn Campuchia còn có những công dụng cực kỳ hữu ích mà ít có dòng khăn nào sánh được. Vì thế những nghệ nhân làng dệt Kbal Koh vô cùng tự hào khi tạo ra những chiếc khăn Krama đặc trưng riêng có. Chị Sen Sam Nuol - nghệ nhân làng Kbal Koh vui vẻ cho biết: “Người dân các nước thường dùng khăn để giữ ấm, nhưng khăn rằn chúng tôi làm ra lại có công dụng phổ biến hơn là che nắng. SEA Games 23 tổ chức vào tháng 5 thì nắng lắm. Vì thế chúng tôi hy vọng nó sẽ giúp cho các vận động viên tránh được cái nắng chói chang khi thi đấu”.

Sản phẩm Krama được lựa chọn làm quà lưu niệm cho vận động viên tham gia SEA Games 23

Lần đầu tiên tổ chức SEA Games, nước chủ nhà Campuchia cũng rất “bắt trend” khi sử dụng chiếc khăn Krama để làm quà lưu niệm cho vận động viên. Nhiều doanh nghiệp trong làng cũng tận dụng mạng xã hội, tìm thương lái ở các quốc gia khác để giúp bà con trong làng dệt đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Họ coi SEA Games là dịp để bán được nhiều khăn Krama hơn, đồng thời họ cũng mong muốn vẻ đẹp của khăn Krama sẽ được bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn.

“Là thế hệ trẻ của làng Kbal Koh, tôi cũng muốn nối tiếp bà, mẹ để gìn giữ “lửa nghề”. Dẫu có khó khăn, chúng tôi vẫn sẽ gắn bó với nghề dệt. SEA Games là cơ hội để chúng tôi bán sản phẩm và cũng là cầu nối để chúng tôi giới thiệu khăn Krama đến bạn bè quốc tế” - chị Ni Sha ral chia sẻ.

Rất đông du khách quốc tế lựa chọn sản phẩm của làng nghề Kbal Koh khi đến thăm đảo lụa

Để giúp các nghệ nhân làng nghề tiêu thụ được khăn rằn Krama, doanh nhân Sor San, một phụ nữ khuyết tật đầy tài năng đã lập trang facebook để quảng bá và bán sản phẩm. San cho biết, trước đây, hầu hết sản phẩm được bán trực tiếp tại các chợ truyền thống, nhưng hiện Krama đã được đăng và bán trên mạng xã hội như Facebook, Instagram.

“Tôi khởi nghiệp với việc buôn bán khăn Krama, vì thế, tôi thường xuyên đăng bài, giới thiệu những sản phẩm mới của các nghệ nhân. Để sản phẩm thu hút khách, tôi sẽ nhấn mạnh đến họa tiết độc đáo hoặc đặc tính về chất liệu: cotton thô sơ, tơ tằm quý phái hay lụa sang trọng… bất kỳ yêu cầu nào của khách hàng tôi đều có thể đáp ứng. Vì thế, sản phẩm của các làng nghề làm ra đều được tiêu thụ rất mạnh. SEA Games năm nay, đơn hàng của chúng tôi nhiều lắm. Tôi cảm thấy rất vui và hãnh diện về chiếc khăn Krama truyền thống của dân tộc mình” - chị Sor San phấn khởi chia sẻ.

Hưng Cát - Nguyễn Tấn (Từ Kandal - Campuchia)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/143917/dac-sac-lang-nghe-det-khan-krama