Đặc sắc lễ hội Halloween trên khắp thế giới

Không chỉ là ngày hội trong năm để mọi người tham gia những trò chơi kỳ bí và hấp dẫn, Halloween (Lễ hội Ma quỷ) còn là ngày lễ để xua đuổi những linh hồn ma quỷ, ngăn không cho chúng phá phách. Mỗi quốc gia lại có những lễ hội tâm linh truyền thống riêng gắn với cuộc sống ở thế giới bên kia.

Xuất phát từ châu Âu, lễ hội Halloween là dịp để đánh dấu thời khắc những linh hồn của người đã khuất trở lại với cuộc sống bình thường và bắt đầu phá hoại cây trồng, hoặc gây ra những rắc rối cho con người. Biểu tượng của ngày lễ Halloween là những trái bí ngô được khoét theo những khuôn mặt tưởng tượng. Với mục đích tưởng nhớ người đã khuất hoặc xua đuổi tà ma, những phiên bản khác của Halloween tại mỗi quốc gia lại có nét đặc trưng riêng.

Dia de los Muertos (Mexico)

Từ ngày 1 đến 2-11, Mexico và nhiều nơi khác ở châu Mỹ Latinh chào mừng Día de los Muertos (Ngày của Người chết) để tưởng nhớ những người đã qua đời.

Người ta tin rằng, Cổng Thiên đường mở cửa lúc nửa đêm ngày 31-10, và linh hồn trẻ em sẽ trở về Trái đất đoàn tụ với gia đình trong 24 giờ. Vào ngày 2-11, linh hồn người lớn cũng trở về và tham gia vào lễ hội.

Lễ hội được tổ chức với các bàn thờ trong nhà đầy hoa quả, đậu phộng, gà tây, soda, sôcôla nóng, nước, bánh Tortilla và một loại bánh mì đặc biệt có tên pan de muerto (bánh của người chết), để cúng những con ma mệt mỏi.

Đối với linh hồn của trẻ em, gia đình bỏ đồ chơi và bánh kẹo; trong khi linh hồn người lớn nhận thuốc lá và rượu Tequila.

Người dân hóa trang thành tổ tiên của mình và lập bàn thờ có tên Ofrendas để những người thân đã khuất có thể về đoàn tụ

Người dân hóa trang thành tổ tiên của mình và lập bàn thờ có tên Ofrendas để những người thân đã khuất có thể về đoàn tụ

Dzień Zaduszny (Ba Lan)

Vào đầu tháng 11, người Ba Lan sẽ đến nghĩa trang để thăm mộ các thành viên trong gia đình họ. Lễ hội được tổ chức với nến, hoa, và một lời cầu nguyện cho người thân đã ra đi mãi mãi. Ngày tiếp theo, mọi người sẽ hòa vào đám đông cầu nguyện cho linh hồn người chết.

Lễ hội Dzień Zaduszny được tổ chức với nến, hoa, và một lời cầu nguyện cho người thân đã ra đi mãi mãi

Lễ Obon – (Nhật Bản)

Obon, hay còn được biết đến với tên gọi Lễ hội của người chết, được tổ chức hằng năm vào tháng 8. Đây được cho là dịp linh hồn của những người thân đã khuất trở lại gia đình. Vào ngày này, người dân sẽ trở về quê để tụ họp cùng gia đình và cùng nấu đồ cúng.

Đường phố trong thời gian này khá nhộn nhịp với âm nhạc ở khắp mọi nơi. Khi đêm xuống, người ta sẽ đốt đèn lồng để giúp những linh hồn mau chóng tìm được đường về nhà. Trước khi buổi lễ kết thúc, người dân sẽ thả đèn lồng trên sông và lên trời.

Khi buổi lễ Obon kết thúc, người dân sẽ thả đèn lồng trên sông và lên trời

Lễ hội Ma đói (Singapore/ Malaysia/ Trung Quốc)

Được tổ chức vào ngày rằm tháng 7 Âm lịch, đây là phong tục truyền thống của nhiều nước châu Á như Singapore, Malaysia, Trung Quốc. Trong suốt một tháng, người ta tin rằng vong linh của những người đã mất sẽ đi lại để kiếm thức ăn và vui chơi và người dân rất coi trọng việc này. Họ vừa tổ chức các buổi lễ để tưởng niệm vừa cúng bái liên tục và đốt vàng mã. Cũng giống với Obon, người ta kết thúc lễ hội bằng cách thả đèn lồng trên mặt sông.

Dịp này, người ta tin rằng vong linh của những người đã mất sẽ đi lại để kiếm thức ăn và vui chơi.

Người dân cúng bái và đốt vàng mã để tưởng niệm vong linh người đã khuất trong lễ hội Ma đói

P’chum Ben (Campuchia)

Vào tháng 10 Âm lịch, những Phật tử tại Campuchia sẽ tổ chức lễ P’chum - Lễ hội của người chết. Kéo dài trong 2 tuần, họ sẽ thức dậy trước bình minh để chuẩn bị đồ cúng và quà tặng cho các sư thầy.

Vào ngày thứ 15, người dân sẽ đến các đền chùa và mang theo lễ vật như kẹo gạo và đậu. Họ sẽ cúng và cầu nguyện cho người thân của mình. Người ta cũng nấu cháo với vừng và đặt chúng trong chùa để làm đồ ăn cho những linh hồn lang thang.

Đây cũng là dịp người dân gặp mặt và nghe những sư thầy giảng giải tại các đền chùa.

Lễ P’chum cũng là dịp người dân gặp mặt và nghe những sư thầy giảng giải tại các đền chùa

Pangangaluluwa (Philippines)

Pangangaluluwa là lễ hội truyền thống của Philippines. Vào ngày này, người dân sẽ đi từ nhà này sang nhà khác, hát những bài hát truyền thống để xin tiền và đồ ăn. Trong dịp này, những cặp đôi yêu nhau còn trao tín vật hẹn ước cho nhau.

Pitru Paksha (Ấn Độ)

Pitru Paksha là một lễ hội truyền thống của đạo Hindu, kéo dài 16 ngày trong tháng Ashwin theo lịch âm của người Hindu.

Người Hindu tin rằng, khi một người chết, Yama - thần chết – sẽ đưa linh hồn của họ đến nơi làm sạch linh hồn. Tại đây, họ sẽ 3 thế hệ trước đó của gia đình, và trong thời gian diễn ra Pitru Paksha, linh hồn được phép quay trở về Trái đất đoàn tụ cùng gia đình.

Trong ngày lễ này, con cháu phải cầu nguyện và thực hiện đầy đủ các nghi lễ tưởng nhớ tổ tiên, đồng thời đây cũng là dịp để người theo đạo Hindu cầu an, cầu sức khỏe và tiền đồ, sự nghiệp.

Gaijatra (Nepal)

Gaijatra còn được gọi là Lễ hội Bò tại Nepal và được tổ chức trong tám ngày vào các tháng 8 và 10. Vào thời gian này, những ai mất người thân trong năm sẽ dắt bò đi lại khắp nơi trong thành phố. Nếu không có bò, họ sẽ thay thế bằng một bé trai được cho ăn mặc giống như bò.

Theo đạo Hindu, bò là loài vật linh thiêng, và chúng cũng được cho là có khả năng dẫn dắn linh hồn người chết qua thế giới bên kia. Gaijatra là dịp để mọi người cảm thấy nhẹ lòng về những mất mát cũng như tưởng nhớ về những người thân đã mất.

Màn biểu diễn trong Lễ hội Bò tại Nepal

Lễ hội Awuru Odo (Nigeria)

Theo quan niệm, lễ hội Awuru Odo là dịp để những người đã khuất trở về với trần thế. Kéo dài đến sáu tháng, lễ hội được tổ chức với các bữa tiệc, âm nhạc, và mặt nạ trước khi người chết trở về thế giới linh hồn.

Khác với ngày lễ của các nước khác, lễ hội Awuru Odo chỉ diễn ra 2 năm một lần.

Lễ hội Awuru Od của Nigeria chỉ diễn ra 2 năm một lần

Minh Nguyệt (Tổng hợp)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/dac-sac-le-hoi-halloween-tren-khap-the-gioi/787120.antd