Đặc sắc những món ngon ngày Tết miền Nam

Ngày Tết, mâm cỗ ở mỗi vùng miền sẽ có những nét đặc sắc riêng với những món ăn truyền thống. Xuất phát từ những mong ước hạnh phúc, đầy đủ, sum vầy, người dân Nam Bộ đã gửi gắm tinh thần ấy vào những món ăn trong mâm cỗ Tết.

NỘI DUNG:

1. Bánh tét
2. Thịt kho trứng, món ngon ngày Tết
3. Canh khổ qua nhồi thịt
4. Lạp xưởng
5. Các loại dưa món

1. Bánh tét

Từ bao đời nay, cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, trên mâm cỗ của mỗi gia đình người dân Nam Bộ đều không thể thiếu món bánh tét. Loại bánh này từ bao đời nay đã trở thành "linh hồn Tết" của người Nam Bộ.

Trong những ngày Tết, nhà nào cũng có cặp bánh tét trên bàn thờ để dâng lên Tổ tiên. Bánh tét được gói bằng lá chuối với nhân gạo nếp, đỗ xanh và thịt lợn, nhưng được gói thành hình trụ dài. Bên cạnh đó, người dân còn sử dụng thêm hạt điều, nhân chay hoặc nhân ngọt để làm phong phú thêm món ăn này. Mang ý nghĩa của sự hội tụ tinh hoa đất trời, bánh tét là món ăn không thể thiếu trong tất cả các mâm cỗ ngày Tết của các tỉnh miền Trung, miền Nam.

Bánh tét được ăn cùng với dưa món, tôm khô, thịt kho, thịt chà bông (ruốc)… trở thành nét truyền thống của mỗi gia đình người dân Nam Bộ.

2. Thịt kho trứng, món ngon ngày Tết

Thịt kho trứng mang một ý nghĩa văn hóa lâu đời và đậm nét truyền thống dân tộc.

Thịt kho trứng mang một ý nghĩa văn hóa lâu đời và đậm nét truyền thống dân tộc.

Món thịt kho trứng tuy giản dị nhưng luôn giữ vị trí không thể thiếu trên mâm cơm Tết của người miền Nam. Nhắc đến nồi thịt kho là nghĩ ngay tới những bữa cơm sum vầy, nó còn xuất hiện trên cả mâm cúng Tổ tiên ngày Tết. Ý nghĩa của nồi thịt kho không chỉ đơn thuần là một món ăn gia đình, mà nó mang một ý nghĩa văn hóa lâu đời và đậm nét truyền thống dân tộc.

Theo ThS.BS Doãn Thị Tường Vi, Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng lâm sàng, thịt kho là món ăn ngon, giàu dinh dưỡng. Đặc biệt, khi kho thịt với nước cốt dừa, miếng thịt sẽ rất thơm ngon mùi thịt và dừa rất hấp dẫn. Nhưng nếu ăn thịt kho với lượng nhiều và thường xuyên thì món ăn này lại không tốt cho sức khỏe. Người có bệnh lý mạn tính, gan nhiễm mỡ, rối loạn chuyển hóa, bệnh tim mạch, huyết áp cần cân nhắc khi ăn món ăn này.

Bên cạnh đó, cần phải bổ sung thêm chất xơ để cân bằng lại dinh dưỡng. Ăn đa dạng sẽ giúp bạn vẫn thưởng thức được món thịt kho tàu ngon, hấp dẫn mà không lo bị lên cân và rối loạn chuyển hóa…

3. Canh khổ qua nhồi thịt

Với mỗi gia đình miền Namì món canh khổ qua nhồi thịt là một món ăn thường ngày quen thuộc. Và nó cũng được sử dụng trong những ngày Tết với ý nghĩa đẩy lùi những khó khăn đi qua. Không những thế đây cũng là món ăn bổ dưỡng giải nhiệt cơ thể trong những ngày Tết.

Không chỉ là món ăn lấy may, canh khổ qua còn rất mát và bổ. Vị đắng trong trái khổ qua chính là bài thuốc thanh nhiệt, giải độc, trị rôm sảy mụn nhọt rất hiệu quả. Ngoài ra món canh khổ qua cũng là món canh giải nhiệt, mát và bổ trong những ngày Tết vốn dư thừa calo này. Nhiều gia đình chọn nấu món canh này như một bài thuốc để thanh nhiệt, giải độc vô cùng hiệu quả trong những ngày nắng nóng, ăn uống nhiều dầu mỡ như ngày Tết.

Canh khổ qua, món ăn bổ dưỡng giải nhiệt cơ thể trong những ngày Tết.

4. Lạp xưởng

Lạp xưởng là món ăn được nhiều người yêu thích, không thể thiếu trong thực đơn Tết của nhiều gia đình. Nhưng do thành phần nguyên liệu và phương pháp chế biến nên món ăn đặc trưng ngày Tết này cũng có nguy cơ gây hại cho sức khỏe.

Theo TS.BS Đào Thị Yến Phi - Trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn Thực phẩm, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, đa số lạp xưởng được làm từ thịt heo, với phụ liệu là mỡ heo, ruột heo. Lạp xưởng chứa khá nhiều cholesterol và các axít béo no, không tốt cho tim mạch và các bệnh liên quan đến chuyển hóa lipid máu nói chung.

Lạp xưởng cũng thường có nhiều muối, nên ảnh hưởng đến huyết áp. Do phương pháp chế biến và thời gian bảo quản, lạp xưởng thường không còn vitamin, nhất là các vitamin tan trong nước, nên ăn nhiều lạp xưởng có thể làm mất cân đối khẩu phần.

Chính vì vậy không nên ăn quá nhiều lạp xưởng. Lượng đạm trong khẩu phần hàng ngày nếu ăn vào khoảng 150g, và đã ăn 3 cây lạp xưởng thì ngày hôm đó không ăn thêm các thức ăn giàu đạm như cá, thịt, trứng... Giảm bớt lượng chất béo no từ các món ăn khác (thức ăn chiên quay, các loại nhiều da, mỡ, phủ tạng động vật, bơ...) trong bữa ăn có lạp xưởng.

Không nên ăn quá nhiều lạp xưởng.

5. Các loại dưa món

Có rất nhiều loại dưa món dùng ăn kèm chống ngán như dưa hành, cà rốt, dưa bao tử ngâm chua, rau muống chua... thường được ăn kèm với thịt kho, chả lụa, bánh tét, thậm chí còn dùng trộn gỏi.

Bên cạnh đó, dưa món còn có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, chống đầy bụng, khó tiêu trong những ngày Tết.

Mỗi món ăn ngày Tết lại mang một màu sắc, hương vị và có ý nghĩa riêng. Trong không khí sum họp, đầm ấm, hãy cùng nhau vào bếp để tăng thêm sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình, góp phần thêm không khí vui tươi ngày xuân.

Vân Khanh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dac-sac-nhung-mon-ngon-ngay-tet-mien-nam-169230110132805576.htm