Đặc sản Bạc Liêu

Du lịch Bạc Liêu: Định danh bằng sự khác biệt

(HNMCT) - Tuy không nổi tiếng với các loài cây trái đa dạng như các tỉnh khác ở Đồng bằng sông Cửu Long nhưng Bạc Liêu có khá nhiều sản vật dân dã, làm nên tên tuổi của vùng đất nằm gần cực Nam của Tổ quốc - bán đảo Cà Mau.

Muối

Muối là sản phẩm nổi tiếng của Bạc Liêu gắn liền với lịch sử khai phá vùng đất mới ven biển. Đây là vùng sản xuất muối lớn nhất cả nước với tổng sản lượng 75.000 tấn/ năm. Muối Bạc Liêu có hương vị đậm đà, được sản xuất theo phương pháp phơi nước biển kết tinh dài ngày. Hạt muối được người dân cất giữ trong các keo thủy tinh, chôn trong đất nhiều năm, vì thế có tác dụng chữa bệnh và chăm sóc sắc đẹp. Hiện nay, một số doanh nghiệp ở Bạc Liêu đã sản xuất các loại muối thành phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc. Ngoài ra, muối Bạc Liêu còn có mặt trong các sản phẩm làm đẹp như kem tẩy tế bào chết, sữa dưỡng thể, sữa rửa mặt, sữa tắm...

Tôm khô

Tôm khô Bạc Liêu là một trong những đặc sản được ưa chuộng bởi hương vị thơm ngon đặc trưng. Để chế biến, người ta chọn những con tôm tươi to vừa phải, rửa sạch, luộc trong nước sôi từ 5 - 6 phút. Sau đó, cho một ít muối vào, luộc tiếp khoảng 4 phút nữa rồi đem phơi trực tiếp dưới ánh nắng từ 3 - 4 ngày. Trung bình, cứ 6 - 7kg tôm tươi mới làm ra được 1kg tôm khô. Tôm khô có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon như gỏi xoài, kho rim, canh cải, bún riêu tôm... Đặc biệt, tôm khô kết hợp với củ kiệu, bánh tét, thịt kho tàu là món ăn truyền thống không thể thiếu trong những ngày Tết Nguyên đán của người dân miền Tây Nam Bộ.

Thanh nhãn

Nhãn Bạc Liêu được trồng trên bãi bồi ven biển nên từ lâu vẫn nổi tiếng thơm ngon. Bằng kinh nghiệm và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, người dân đã lai tạo các giống nhãn đặc biệt với những gốc nhãn cổ để cho ra đời giống nhãn mới có màu vàng tươi, cơm dày, vị thơm, ngọt và giòn hơn hẳn các loại khác. Giống nhãn này được người dân gọi theo tên của người sáng tạo ra, đó là cô Thanh (hay Trần Kiều) - chủ vườn nhãn ở ấp Giồng Nhãn A (xã Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu). Đến nay, Thanh nhãn đã trở thành một trong những đặc sản tiêu biểu của tỉnh Bạc Liêu.

Bánh in

Bánh in là đặc sản quen thuộc của người dân Bạc Liêu, được làm chủ yếu từ các loại bột năng, bột nếp, đậu xanh, khoai môn, đường trắng... Sau khi hòa các nguyên liệu với nhau, người ta ép vào khuôn gỗ, ở đáy có khắc chữ "Phúc", "Lộc", "Thọ" hoặc hình Long - Phụng. Bánh in là món bánh truyền thống không thể thiếu của người Bạc Liêu trong mỗi dịp lễ tết, thể hiện mong ước về sự trường thọ, may mắn trong cuộc sống. Đây cũng là đặc sản được nhiều du khách lựa chọn làm quà cho người thân khi đến với Bạc Liêu.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-song/946969/dac-san-bac-lieu