Đặc sản vùng, miền 'ùn ùn' về Hà Nội ngày áp Tết

Hoa thơm trái ngọt miền Tây, sản vật miền Trung, vùng núi cao Tây Bắc, thậm chí những món ăn gợi nhớ ký ức đối với nhiều người như đùi ngỗng, cá Astrakhan (Nga), khô trâu, bò (Lào)… đang có mặt trên các kệ trong siêu thị hoặc sạp hàng ngoài chợ những ngày cuối năm.

Tôm chua, kẹo mè xửng Huế… ăm ắp trong các siêu thị dịp giáp Tết Kỷ Hợi

Tôm chua, kẹo mè xửng Huế… ăm ắp trong các siêu thị dịp giáp Tết Kỷ Hợi

Nhiều vùng, miền thu nhỏ trong siêu thị

Dịp này, các mặt hàng đặc sản vùng cao như thịt trâu gác bếp, nấm hương rừng Sa Pa, măng khô Tuyên Quang, cá kho làng Vũ Đại, chả mực Quảng Ninh, nem chua Thanh Hóa, tôm chua xứ Huế hay những đặc sản phương Nam như bưởi hồ lô, dưa hấu vuông miền Tây Nam Bộ... đang được vận chuyển đến các trung tâm phân phối, chợ đầu mối lớn ở Thủ đô.

Nhộn nhịp không kém các chợ truyền thống, trên các sàn giao dịch thương mại điện tử như Shopee, sieuthitainha, tiki, sendo... cũng xuất hiện nhiều quảng cáo rao bán các mặt hàng thực phẩm được người tiêu dùng lựa chọn dịp Tết cổ truyền như trâu, bò khô Sơn La, Cao Bằng, Hà Giang với giá dao động từ 850.000 - 900.000 đồng/kg. Để kích cầu tiêu dùng, nhiều cửa hàng đã đưa ra chương trình khuyến mại, như mua 1kg thịt trâu khô loại 1, khách hàng sẽ được tặng kèm 1 túi chẳm chéo và 0,1kg măng chua khô hoặc rượu ngô hoặc 0,1kg hạt mắc khén...

Cùng với những đặc sản trên, món ăn nổi tiếng đông bắc Bắc Bộ - cá kho làng Vũ Đại cũng được nhiều người tìm mua. Trao đổi với PV, đại diện cơ sở chế biến cá kho Bá Kiến (tỉnh Hà Nam) cho biết, đến thời điểm này, món cá kho làng Vũ Đại do cơ sở chế biến đã nhận được 2.000 đơn đặt hàng, giá bán tùy thuộc vào trọng lượng và thông thường từ 1,5 - 4kg/nồi, với giá khoảng 600.000 - 1,5 triệu đồng.

Các loại đặc sản vùng, miền không chỉ xuất hiện tại các chợ truyền thống, cửa hàng online, sàn giao dịch điện tử mà còn được bày bán rất phong phú trong hệ thống các siêu thị lớn. Tại siêu thị Big C đã đưa nhiều loại sản phẩm địa phương và đặc sản địa phương như trái cây Nam Bộ; các loại nước mắm Phú Quốc, Nha Trang, Phan Thiết…; cốm làng Vòng, chả, giò, bánh chưng Ước Lễ (Hà Nội); hành, tỏi Lý Sơn (Quảng Ngãi); chè Tân Cương (Thái Nguyên); cam Cao Phong (Hòa Bình); cam Vinh (Nghệ An); gạo nương (Tuyên Quang)… cùng hàng trăm mặt hàng lương thực, thực phẩm ba miền khác phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô. Tại hệ thống siêu thị VinMart và VinMart+ cũng ăm ắp các sản vật khắp nơi, sẵn sàng cho người tiêu dùng chọn lựa.

Phong phú và đa dạng hơn những năm trước, Tết nay, những giỏ quà Tết nông sản đậm phong vị Đà Lạt và một số địa danh nổi tiếng trong cả nước cũng được các nhà phân phối cho lên kệ, giá từ 500.000 – 1,5 triệu đồng/giỏ, với đủ các loại: Trà ô long, trà atisô, cà phê, mít sấy, khoai môn sấy, hạt điều vàng…

Những người đã từ học tập, làm việc ở nước ngoài cũng có thể hoài niệm hương vị xưa trong những ngày nghỉ ngơi, chơi và ăn Tết cùng gia đình với những món ăn được các siêu thị phân phối dịp này như cá khô Astrakhan, cánh và đùi ngỗng Nga, với giá từ 500.000 - 600.000 đồng/kg; thịt bò, thị trâu khô của Lào giá từ 750.000 - 800.000 đồng/kg.

Giá đặc sản tiếp tục tăng?

Chủ một cửa hàng thực phẩm đặc sản trên phố Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) chia sẻ: “Thời điểm này, hàng hóa bắt đầu tiêu thụ mạnh, trung bình mỗi ngày chúng tôi bán hàng chục, trăm kg sản phẩm các loại. Đặc biệt, những ngày cận Tết nhiều mặt hàng có khi hết sạch không còn để bán cho khách. Hàng còn dễ bị đội giá. Vì vậy, nhiều khách hàng muốn có hàng dùng ngày Tết thường phải đặt trước để vận chuyển từ các địa phương”.

Ngoài các mặt hàng đặc sản của núi rừng thì hải sản cũng là một sự lựa chọn của không ít người tiêu dùng Hà Nội. Theo đó, giáp Tết nhiều gia đình đã bắt đầu đặt mua tôm, mực, cua, ghẹ, sá sùng khô, chả mực… để tích trữ làm thức ăn đổi món sau nhiều ngày thịt mỡ, dưa hành.

Chị Kim Liên, trú tại chung cư Linh Đàm (Hà Nội), cho biết: “Cứ mỗi dịp Tết, mình lại nhập đặc sản quê mình (Sơn La) như thịt trâu gác bếp, lạp xường… để bán cho bạn bè trên này. Ngoài ra, mình cũng liên hệ với một số cơ sở chuyên sản xuất măng khô, miến dong, mộc nhĩ, nấm hương, các loại thảo quả, hoặc các loại gia vị đặc trưng của Tây Bắc như mắc khén, hạt dổi… nổi tiếng ở Điện Biên để bán thêm”. Hiện chị đã nhận khoảng hơn 100 đơn hàng đặt các loại đặc sản vùng miền khác nhau.

Vào dịp cao điểm Tết, cầu tăng nên không chỉ các chợ và hệ thống siêu thị mà các cơ sở nhỏ, người kinh doanh tự do cũng có cơ hội gia tăng doanh số bán hàng, thu lợi nhuận. Nhiều người bán hàng qua mạng dịp này nhận được hàng trăm đơn hàng cung cấp đặc sản. Theo đó, cứ mỗi một đơn hàng, có giá trị khoảng 500.000 - 1.000.000 đồng, sau khi trừ hết chi phí, người bán có thể thu lãi 100.000 – 150.000 đồng.

Với sức mua như hiện nay, một số cửa hàng kinh doanh đặc sản dự báo, sau rằm tháng Chạp, giá bán các loại đặc sản vùng miền rất có thể sẽ tăng thêm khoảng 5-10%.

Tuần hàng dâu tây tại Big C

Cuối tuần qua, tuần hàng dâu tây và nông sản an toàn tỉnh Sơn La năm 2019 do UBND tỉnh Sơn La phối hợp cùng Central Group đã chính thức khai mạc tại siêu thị Big C Thăng Long. Sự kiện này thu hút 30 gian hàng của gần 30 đơn vị, doanh nghiệp trưng bày giới thiệu và bán dâu tây, chè và các nhóm sản phẩm đã qua chế biến của tỉnh Sơn La. Ngoài ra, nhằm tạo ra giá trị gia tăng cho trái dâu tây, Big C cũng sẽ giới thiệu nhiều loại bánh được chế biến từ dâu tây.

Dâu tây bán tại Big C với mức giá 115.000 đ/hộp 500 gram, bằng 50% giá các loại dâu tây nhập khẩu đang bán tại thị trường Việt Nam. Big C kỳ vọng sự kiện tuần hàng nông sản này tổ chức vào dịp giáp Tết, sẽ tiêu thụ được ít nhất 1 tấn dâu tây mỗi ngày.

Được biết, dâu tây được trồng tập trung tại các huyện Mộc Châu, Vân Hồ, Mai Sơn trên diện tích 25ha với sản lượng đạt khoảng 331 tấn.

Anh Vũ - Nhật Thu

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tieu-dung-va-du-luan/dac-san-vung-mien-un-un-ve-ha-noi-ngay-ap-tet-435752.html