Đặc trưng tư duy huyền thoại trong thơ Lý Hạ (I)

Trung Quốc là một trong những chiếc nôi của nền văn minh nhân loại thời cổ đại.

Nền văn học Trung Quốc cũng xuất phát từ những truyện thần thoại và các truyền thuyết mà họ đã có từ hơn năm mươi vạn năm. Trong các thời kỳ phát triển của văn hóa cổ đại Trung Hoa thì thời Tam Hoàng, Ngũ Đế được xem là thời kỳ rực rỡ nhất của người Hoa Hạ.

Thời Tam Hoàng có Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông; còn thời Ngũ Đế bao gồm Hoàng đế, Đế Cốc, Đế Nghiêu và Đế Thuấn. Trong dân gian, có những truyện thần thoại khác cũng đượ̣c truyền bá khắp nơi như Hằng Nga lộng truyện, Ngưu Lang –

Chức Nữ; truyện thần thoại về Tây Vương Mẫu mà sách Sơn Hải Kinh hay Ly Tao, Hoài Nam tử, Liệt tử chép lại; truyện thần thoại từ các quyển Mục thiên tử truyện, Trúc thư kỷ niên, Lã thị Xuân Thu, Hàng Phi tử, Trang tử, Tả truyện…

Trong các sách vở lưu lại các chuyện thần thoại, chuyện nào cũng mang tính triết lý. Ngoài ra, còn thấy các quyển như Sưu thần ký của Tấn Can Bảo hay Thập dị ký của Vương Gia, Bác vật chí của Trương Hoa.

Dòng chảy của thần thoại vẫn còn bảo lưu đến thế hệ sau và phát triển tới mức độ độc đáo ở hiện tượng Lý Hạ.

Lý Hạ đã tiếp thu mọi cái hay của các nhà thơ để hình thành đặc sắc riêng: thủ pháp lãng mạn của Khuất Nguyên, Lý Bạch, nỗi đau khổ thê lương của Đỗ Phủ, sự hiểm quái kỳ lạ của Hàn Dũ, sắc thái đậm của thi ca Lục Triều, tất cả đều hòa nhập trong thơ ông để hình thành nên một đặc trưng cá tính độc đáo, vẻ “quỷ” (khôn khéo) của nhà thơ, được hình dung là “khôi kỳ quỷ quyệt”.

1. Khái niệm huyền thoại

Trước hết, cần xác định khái niệm “huyền thoại” trong việc phân biệt với khái niệm “thần thoại”. Giữa “thần thoại” và “huyền thoại” mặc dù có những điểm tương đồng song không đồng nhất.

Ở thời nguyên thủy, khi tư duy khoa học còn chưa phát triển, người nguyên thủy sáng tạo ra những truyện kể hoang đường tưởng tượng về các vị thần, về con người, hoặc về loài vật mang tính chất thần kì siêu nhiên nhằm phản ánh và giải thích các hiện tượng trong thế giới tự nhiên và xã hội theo quan niệm “vạn vật hữu linh” (vạn vật có linh hồn)

Như vậy, “thần thoại” là sáng tạo của trí tưởng tượng tập thể của nhân loại. Từ những mảnh vỡ còn sót lại của ý thức nguyên thủy dưới dạng các nghi lễ, hội hè, các truyện kể (về các thần thánh tạo lập và cai quản trần gian, các anh hùng cứu nhân độ thế, các loại ma quỷ đe dọa và quấy nhiễu loài người…), giới nghiên cứu văn hóa hình dung ra những phổ hệ thần thoại của các dân tộc.

Qua các phổ hệ thần thoại này có thể thấy những hành vi tín ngưỡng, quan niệm nhân sinh, cấu trúc tâm lí, những hoạt động sinh tồn và ước mơ cháy bỏng của một thời quá vãng.

Thần thoại chỉ xuất hiện ở thời nguyên thủy với thế giới quan thần linh của người cổ đại xa xưa, còn huyền thoại với tư cách là những câu chuyện về điều kì bí thì nó không chỉ ở quá khứ, trong thần thoại mà còn hiện tồn trong xã hội hiện đại và cả tương lai.

Huyền thoại có nội dung bao hàm rộng hơn thần thoại, trong huyền thoại có cả thần thoại, ngược lại, trong thần thoại chưa chắc có huyền thoại.

Về khái niệm huyền thoại, chúng tôi đưa ra định nghĩa sau: Huyền thoại là sản phẩm của lối tư duy huyền thoại.

Huyền thoại thường sử dụng ngôn ngữ tượng trưng để kể lại những truyện kể có tính chất huyền bí, thông qua những hình tượng nghệ thuật gián tiếp có tầm khái quát cao và ẩn ý sâu để biểu đạt tư tưởng nào đấy của tác giả.

Huyền thoại có thể là truyện kể về các vị thần hoặc truyện đời thường, bao gồm nhiều mặt của cuộc sống xưa và nay. Nhìn chung, huyền thoại là hệ thống những quan niệm, tư duy hoang đường về thế giới.

Huyền thoại, theo chúng tôi nếu xét về đặc trưng tư duy thì thể phách của nó là hiện thực còn linh hồn là trữ tình. Huyền thoại bắt nguồn từ những sự vật hiện tượng ngoại giới nhưng được con người chuyển cho những thuộc tính của chính mình.

Vì vậy, huyền thoại mang tính cụ thể cảm tính cao mà thiếu vắng tính logic, lí trí. Chính tính chất xúc cảm nguyên khiết, ban sơ, mạnh mẽ ấy khiến tư duy huyền thoại rất gần với tư duy thơ ca.

Tất nhiên, huyền thoại với tư cách là thần thoại và văn học viết là hai phương thức nhìn và mô tả thế giới khác nhau về nguyên tắc. Điểm phân biệt rõ nhất là văn hóa chữ viết chịu áp lực của tư duy logic ngôn từ.

Chính vì vậy, ở lĩnh vực văn học nghệ thuật, sự tác động của ý thức thần thoại đến người sáng tác có thể là vô thức với những “cổ mẫu” đã ăn sâu vào tâm lí cộng đồng, nhưng thường nó phục sinh, được phép “hoán cốt đoạt thai” qua nhãn quan thẩm mỹ riêng, qua cách thức tư duy đặc biệt của tác giả ở một thời điểm lịch sử cụ thể.

Nếu tính đến đặc trưng phản ánh hiện thực bằng huyền thoại thì các nhà văn có thể sử dụng huyền thoại như một nguồn sử liệu. Nguồn sử liệu này phải có tính tượng trưng sâu sắc và nội hàm đa nghĩa.

Vì thế, các nhà thơ, nhà văn sáng tác huyền thoại với tư cách là một hiện tượng nghệ thuật gián tiếp, thông qua các biện pháp như ẩn dụ, hoán dụ hoặc tượng trưng… Mỗi tác phẩm có thể như một “Huyền thoại nhỏ” hoặc là sự xâu chuỗi, tích hợp từ nhiều huyền thoại.

Người nghệ sĩ, nếu là bậc “cao tay” có thể nhào nặn, xây dựng những biểu tượng huyền thoại trong tác phẩm của mình thành một thế giới nghệ thuật mang tầm vĩ mô, vừa phản ánh bề rộng lịch sử, vừa trầm tích chiều sâu triết học và những cảm thức thẩm mỹ về thế giới.

2. Tư duy huyn thoi trong thơH

Thơ Lý Hạ thắp lên hàng nghìn câu hỏi hư vô bằng ánh sáng của huyền thoại. Thi nhân nhìn cảnh sắc trần gian này với nhãn giới cổ sơ nguyên thủy, vươn xa đến những bến bờ siêu thực.

Huyền thoại đi vào thơ Lý Hạ không chỉ có tính chất như chất liệu hư cấu mà thực sự đã thành đối tượng để hư cấu, tưởng tượng, sáng tạo. Thi nhân đưa người đọc hành hương vào một cõi giới khác, cõi tâm thức duy cảm, nơi người ta giác ngộ được rằng cuộc sống với cõi chết chỉ cách nhau một chặng đường ngắn, cái chết là “khuôn mặt lật ngược của cuộc sống” (Rainer Rilke), một khởi điểm của cuộc sống miên trường.

Thế giới huyền thoại trong thơ Lý Hạ, theo chúng tôi là sự dung hợp của những yếu tố lưỡng cực: nó là sự hôn phối giữa thế gian và xuất thế gian, giữa cái dương thế bề mặt và âm bản chiều sâu, giữa quá khứ được đánh thức mang tính chất hiện sinh và dòng hiện thực chìm chìm ẩn ẩn màu úa tàn…

Những tưởng tượng, hư cấu dường như “phi lôgíc” ấy lại tuân theo một thứ lôgíc hết sức quan trọng là “lôgíc huyền thoại”: “lôgíc huyền thoại sử dụng rộng rãi các đối lập nhị phân (cặp đôi) những phẩm chất cảm xúc, đồng thời qua đó khắc phục tính “liên tục” của tri giác về thế giới xung quanh bằng cách tách các “khuôn hình” riêng rẽ có dấu hiệu mâu thuẫn.

Nhưng sự tương phản này ngày càng được ngữ nghĩa hóa để trở thành những phương tiện khác nhau thể hiện những tương phản chủ yếu kiểu cuộc sống/ cái chết…” (1) Khác với lôgíc khoa học, lôgíc huyền thoại sử dụng những con đường “vòng vèo” được Lévi Strauss xác định bằng thuật ngữ “Bricolage”:

“biểu hiện rõ rệt của logíc bricolage là việc khắc phục những tương phản này thông qua trung gian tiến bộ tức là tìm kiếm các nhân tố hiệu chỉnh trong huyền thoại một cách hợp lôgíc, biết kết hợp bằng biểu tượng những dấu hiện của các cực…không loại trừ chức năng “hòa hợp” về mặt thực tiễn của các nhân tố trung gian trong huyền thoại”(2)

(Còn tiếp)

Nguyễn Thị Thúy Hạnh (Đại học Sư phạm Hà Nội)

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/van-hoa/goc-nhin-van-hoa/dac-trung-tu-duy-huyen-thoai-trong-tho-ly-ha-i-3428921/