Người phán xử luôn nặng chữ… 'tình'

Thẩm phán Trương Việt Toàn, Phó Chánh tòa Hình sự, TAND TP Hà Nội, được biết đến là một thẩm phán giàu kinh nghiệm. Hơn 30 năm làm nghề, ông ngồi xử hàng trăm vụ án lớn nhỏ. Điều mà vị thẩm phán này trăn trở là làm sao thượng tôn pháp luật nhưng vẫn phải đậm chất 'tình'...

- Thưa ông, nhiều người biết đến ông là một thẩm phán xử án nhưng hài hòa tình, lý. Ông có thể chia sẻ về thâm niên công tác cũng như quá trình gắn bó với ngành tòa án suốt những năm qua?

- Thẩm phán Trương Việt Toàn: Trước khi vào ngành tòa án, tôi có 5 năm công tác trong ngành quân đội và được đào tạo về quân y. Tôi cũng từng tham gia cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979. Quãng thời gian này đã rèn giũa, cho tôi cách làm việc tỉ mỉ, khoa học và cần mẫn. Cũng là bất ngờ, ngày 1-1-1983, tôi chuyển ngành sang tòa án. Năm 1985, chính thức là thư ký tòa hình sự. Giai đoạn đó, so với bây giờ số lượng án không nhiều bằng. Nhưng dù vậy, trải qua mỗi thời kỳ, các vụ án đều có tính chất phức tạp riêng. Tôi không bao giờ xác định vụ án lớn, nhỏ, bởi mỗi vụ án đều liên quan trực tiếp đến sinh mệnh chính trị, yếu tố con người.

Thẩm phán Trương Việt Toàn trò chuyện với Hà Văn Thắm khi phiên tòa nghỉ giải lao.

- Ông “cầm cân nảy mực” nhiều vụ án, vậy vụ án và kỷ niệm nào để lại trong ông ấn tượng sâu sắc nhất?

- Thẩm phán Trương Việt Toàn: Tham gia, nghiên cứu cũng như xét xử nhiều loại án và nhiều vụ án, tôi nhận thấy rằng, mỗi loại án là một quan hệ xã hội riêng biệt và đều để lại trong tôi những mối suy nghĩ. Đặc biệt, án hình sự, trong thời kỳ đổi mới, kinh tế thị trường, có nhiều mối quan hệ phát sinh hơn và những tình tiết cũng phức tạp, bất ngờ hơn khiến thẩm phán phải tư duy, tìm ra nguyên nhân thực sự trong hành vi đặc biệt nghiêm trọng của bị cáo.

Nói tới ấn tượng trong giải quyết vụ án hình sự có lẽ với tôi là kỷ niệm khi xét xử bị cáo Dương Tự Trọng (cựu PGĐ CATP Hải Phòng, người đã giúp anh trai là nguyên cục trưởng Hàng hải Việt Nam Dương Chí Dũng chạy trốn) và Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng đại dương – Oceanbank) cùng đồng phạm.

Trọng là người có hiểu biết pháp luật, có chức vụ quyền hạn nhưng chỉ trong giây phút không vượt qua được tình cảm cá nhân đã lên kế hoạch đưa anh ruột bỏ trốn. Trọng còn kéo theo nhiều anh em mình (đều làm trong ngành CA), vướng vòng lao lý. Lời khai của Trọng tại tòa khiến tôi trăn trở. Bị cáo sẵn sàng đánh đổi sự nghiệp, anh em bạn bè để giúp anh. Về tình thì đáng thương nhưng pháp luật thì lại sai.

Còn với vụ “đại án” tham nhũng gần đây nhất, vụ Hà Văn Thắm phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Tham ô tài sản”, “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, cảm nhận, cảm xúc của tôi lại khác.

Có thể hiểu, Thắm là ông chủ của Ocenbank, người chiếm vốn chủ sở hữu nhiều nhất của Oceanbank. Trong vụ án, trừ bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, cựu TGĐ Oceanbank, được PVN cử sang để tham gia HĐQT, còn lại tất cả các bị cáo (47 bị cáo), từ Phó TGĐ trở xuống đều là những người làm công ăn lương. Họ phải thực hiện chỉ đạo của Thắm. Thực tế, họ nhận thức được việc chi lãi ngoài là trái pháp luật nhưng vẫn phải làm. Từ vụ án này, cá nhân tôi nghĩ rằng, cơ chế giám sát để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trước các ông chủ chưa đủ mạnh; cần có cơ chế thứ 3 giám sát việc này để bảo vệ người lao động và tất nhiên, đó là câu chuyện ở tầm vĩ mô. Tôi tin rằng, nếu có cơ chế thứ 3 giám sát thì không có hiện tượng mấy chục con người phải ra hầu tòa như vụ án này.

- Xét xử những vụ đại án tham nhũng với khối lượng người tham gia tố tụng nhiều, thẩm phán có chịu nhiều áp lực?

- Thẩm phán Trương Việt Toàn: Tội phạm kinh tế trong thời kỳ kinh tế thị trường là những tội phạm phức tạp, có tính chuyên ngành sâu, thường có số đông các bị cáo cùng bị truy tố, xét xử trong cùng một vụ án. Cho nên, lượng hồ sơ, tài liệu liên quan lên tới hàng chục nghìn bút lục. Ví dụ Nguyễn Đức Kiên (“bầu” Kiên) có tới hơn 30 nghìn bút lục, vụ Hà Văn Thắm khoảng 100 nghìn bút lục, hơn 700 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan được triệu tập… Trong khi thời hạn xét xử không khác các vụ án đơn giản khác.

Vì thế, 10 năm nay, tôi và nhiều đồng nghiệp gần như không có ngày nghỉ, trừ ngày tết. Thẩm phán ngoài kỹ năng xét xử, kiến thức pháp luật thì còn phải say nghề, phải hy sinh thời gian dành cho gia đình. Đêm ngủ nằm mơ có khi còn thấy các vụ án, bị cáo. Áp lực với thẩm phán là số lượng bút lục khổng lồ như vậy phải nhặt ra được những tình tiết “thắt nút”. Điều đó đòi hỏi thẩm phán phải có kỹ năng đọc hồ sơ, tổng hợp tốt. Ngoài ra, khi xét xử, từng câu nói của mình cũng phải hết sức thận trọng, chuẩn mực. Ở vụ đại án xảy ra tại Oceanbank, HĐXX xét xử đảm bảo công bằng, kịp thời gian.

Thẩm phán xét xử độc lập được đưa ra quan điểm của mình, không chịu áp lực cấp trên. Chủ yếu áp lực là quá trình diễn biến tại tòa, phân hóa để đưa ra các phán quyết cụ thể. Chuyện xét xử sau một vụ án, người nhà bị cáo, người liên quan đe dọa, gọi điện, phản ứng ngay sau khi tuyên án là chuyện bình thường, rất nhiều. Thậm chí, sau khi tuyên án, đương sự còn đơn từ, vu khống thẩm phán nhưng không có ai can thiệp, xử lý. Trong khi đó, Nhà nước chưa có cơ chế bảo vệ thẩm phán, HĐXX.

- Công cuộc phòng, chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Với tư cách là một thẩm phán, lại xét xử không ít những vụ án liên quan đến tham nhũng, ông có thể cho biết suy nghĩ của mình?

- Thẩm phán Trương Việt Toàn: Tôi rất đồng tình trước công cuộc phòng, chống tham nhũng. Thường hành vi tham nhũng được thực hiện hành vi trong một thời gian dài. Vì lợi ích nhóm nên rất nhiều bị cáo có chức vụ quyền hạn cấu kết với nhau để thực hiện hành vi tham nhũng. Những hành vi này không được phát hiện, xử lý kịp thời nên để lâu thành lớn, đặc biệt nghiêm trọng. Tôi chắc rằng, nếu được phát hiện kịp thời không chỉ phát huy được tính đấu tranh và thiệt hại sẽ giảm. Từ các vụ án như thế đặt ra hai vấn đề: Thứ nhất, ở những nơi xảy ra các vụ án tham nhũng, trong các tổ chức này không có tính dân chủ, thủ trưởng cơ quan quyết định tất cả. Các ban ngành trong cơ quan chỉ làm động tác hợp thức hóa hành vi của người đứng đầu dù biết làm sai. Thứ hai, việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan Nhà nước không được kịp thời hoặc biết nhưng không xử lý. Nếu khắc phục được các yếu tố này thì sẽ hạn chế được các vụ án tương tự, tôi tin là như vậy!

Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Hoa Đỗ

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/nguoi-phan-xu-luon-nang-chu-tinh-111215.html