Đại án Oceanbank: Nỗi ám ảnh bản án dư luận của cựu cán bộ ngân hàng

Các bị cáo trong đại án Oceanbank cho biết, họ chịu áp áp lực tâm lý rất lớn khi mọi người rỉ tai 'khi ăn không thấy khóc, giờ bị xử lại khóc'.

Với mỗi bị cáo, nếu phải gánh chịu một bản án hình sự, thời gian rồi cũng đi vào quên lãng, nhưng với bản án dư luận thì có lẽ sẽ là định kiến đeo đẳng họ suốt đời.

Không phải bỗng dưng, phiên tòa xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) lại nhiều nước mắt đến thế! Các cựu cán bộ ngân hàng Oceanbank vướng vòng lao lý với cáo buộc đồng phạm trong hành vi gây thiệt hại hơn 1.576 tỷ đồng.

Bị cáo Nguyễn Hoài Nam tại phiên tòa.

Bị cáo Nguyễn Hoài Nam tại phiên tòa.

Trước vành móng ngựa, Nguyễn Hoài Nam – cựu Giám đốc Khối Nguồn vốn, tâm tư: “2 năm qua là 2 năm rất căng thẳng đối với bị cáo. Bị cáo chịu áp lực tâm lý rất nhiều khi mọi người nói “khi ăn không thấy khóc, giờ bị xử lại khóc”.

Cùng với đó, bản án dư luận cũng nhanh chóng đóng sập cánh cửa tương lai của các cựu cán bộ ngân hàng Oceanbank. Trong giãy bày của mình, Đỗ Đại Khôi Trang - Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân cho biết, ngày rời Oceanbank, bị cáo đi xin việc nhiều nơi nhưng không ai nhận. Mọi người luôn nghĩ rằng, với việc bị cơ quan điều tra khởi tố thì chắc chắn có vấn đề.

Quá trình tranh tụng của phiên tòa xét xử đại án Oceanbank kéo dài gần một tháng. Một tháng đó, với các cựu cán bộ ngân hàng Oceanbank có thể đấy là quãng thời gian thoải mái nhất trong hơn 2 năm qua.

Ở một phiên tòa dân chủ, công khai, họ được bộc bạch, được nói lên những tâm tư, được giải bày những gì mà dư luận đã phán xét. Theo các cựu cán bộ ngân hàng, thời điểm chi lãi ngoài trong bối cảnh khó khăn của tổ chức tín dụng khi lạm phát tăng cao, với nhân viên Oceanbank, trong guồng quay đó họ buộc phải làm theo mệnh lệnh của thượng cấp (Hà Văn Thắm – cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank) để chi lãi ngoài, bởi nếu không chính họ phải “đứng sang một bên cho người khác làm”.

Trong những trăn trở, điều khiến các cựu cán bộ Oceanbank băn khoăn là không hưởng lợi từ chi lãi ngoài nhưng phải gánh chịu một trách nhiệm dân sự nặng nề, như: Nguyễn Hoài Nam phải nhận trách nhiệm số tiền 127 tỷ đồng, Đỗ Đại Khôi Trang hơn 184 tỷ, Nguyễn Thị Nga – cựu Trưởng Ban Tài chính kế hoạch hơn 175 tỷ, hay như Nguyễn Minh Thu – cựu TGĐ Oceanbank….

Vấn đề này, chính luật sư Nguyễn Huy Thiệp cũng đặt ra: Nếu giải quyết phần dân sự trong vụ án này sẽ là vội vàng, dẫn tới mâu thuẫn nguyên tắc mà chính đại diện VKS đưa ra, rằng “người chiếm hưởng phải có trách nhiệm hoàn trả”.

Bây giờ buộc các bị cáo trong hội sở phải có trách nhiệm bồi thường, sau này chứng minh được người nhận tiền chi lãi ngoài như lời khai của các bị cáo tại tòa thì quyết định dân sự trong vụ án này sẽ bất cập.

Bên cạnh đó, để bồi hoàn một số tiền quá lớn như vậy đối với họ gần như ngoài tầm tay. Như chính lời bị cáo Đỗ Đại Khôi Trang bộc bạch: Nếu làm ở bộ phận quản lý ngân hàng lương 20 triệu đồng/tháng, không ăn, không tiêu, chỉ để bồi thường cũng mất 766 năm, tức là 10 đời mới bồi thường hết.

Nhận lỗi vi phạm chi lãi ngoài hợp đồng, các cựu cán bộ hội sở ngân hàng mong một cái nhìn công tâm. Phải nhận trách nhiệm hình sự cố ý làm trái, họ mong được phán xét một tội danh đúng với hành vi vì không tư lợi cho bản thân mình. Bản thân họ cũng mong dư luận không nhìn nhận mình như tội phạm./.

Việt Đức/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/vu-an/dai-an-oceanbank-noi-am-anh-ban-an-du-luan-cua-cuu-can-bo-ngan-hang-676275.vov