Đại bản doanh Huawei qua lăng kính nhiếp ảnh gia phương Tây

Từ công ty có số vốn ít ỏi, Nhậm Chính Phi đã xây dựng Huawei trở thành thương hiệu công nghệ có giá trị nhất tại Trung Quốc.

Không phải Xiaomi hay Oppo, Huawei mới là thương hiệu công nghệ có giá trị nhất tại Trung Quốc. Công ty đang tham vọng mở rộng thị trường thiết bị 5G trên toàn thế giới và điều này gây tranh cãi. Phóng viên Kevin Frayer của tờ The Guardian đã được vào bên trong khu campus Bantian tại Thâm Quyến, Trung Quốc và ghi lại những hình ảnh chân thực về cách nhân viên tập đoàn này làm việc.

Cơ sở Bantian dễ làm mọi người choáng ngợp vì quy mô khổng lồ của nó. Mọi người có thể phần nào mường tượng được một khía cạnh rất nhỏ bên trong văn hóa của công ty công nghệ. Tuy nhiên, khi nói đến Huawei, rất dễ cảm thấy tập đoàn này có lớp vỏ bọc kỳ bí vì nó thuộc quân đội. Hơn nữa, đến tận bây giờ mới có những phóng viên đặt chân vào bên trong để biết cách Huawei hoạt động.

Do đó, khi đến đây, Frayer đã hiểu được một phần văn hóa của Huawei và ghi lại được các nhân viên Huawei đang làm việc.

Nhậm Chính Phi, cựu kỹ sư thuộc Quân đội Nhân dân Trung Hoa thành lập Huawei vào năm 1987 cùng 3 nhân viên với số vốn chỉ vẻn vẹn 21.000 Nhân Dân Tệ, cỡ 5.000 USD theo tỉ giá hiện tại sau khi tính cả lạm phát. Năm ngoái, doanh thu của họ là 100 tỷ USD.

Được làm việc ở Huawei là ước mơ của nhiều người, với mức lương cao ở Trung Quốc cho nhân sự trình độ cao. Nhân viên của họ từng đi học tại nước ngoài hoặc những trường thuộc top đầu Trung Quốc.

Bên trong campus của Huawei này là nhà các cho thuê giá rẻ, quán ăn, thư viện, những sân chơi thể thao, khách sạn, hệ thống xe bus di chuyển xung quanh những khu văn phòng và cả tàu điện nhập về từ Thụy Sỹ. Một vài nhân viên còn được học mỹ thuật vào buổi tối. Sau bữa trưa, ánh sáng trong khu vực văn phòng làm việc được tắt đi cho nhân viên ngủ trưa, thói quen thường thấy tại các công ty Trung Quốc.

Hai cơ sở tại Thâm Quyến và Đông Hoản phụ trách việc nghiên cứu và phát triển, cùng dây chuyền sản xuất smartphone. Họ bỏ rất nhiều tiền thuê các chuyên gia và đầu tư nghiên cứu các bằng sáng chế về công nghệ. Giống như mọi công ty công nghệ khác, Huawei bảo vệ hết sức tài sản trí tuệ của họ, vì thế phóng viên ảnh không được phép bước vào những khu vực nghiên cứu sản phẩm, và cũng chỉ có vỏn vẹn vài bức ảnh dây chuyền sản xuất.

Một kỹ sư từng học ở Mỹ nói về cách nhìn của phương Tây đối với công ty anh đang làm việc. Anh nói rằng Huawei không khác gì bất kỳ tập đoàn công nghệ lớn nào khác, cố gắng biến cuộc sống trở nên dễ dàng hơn.

Ngoài ra, bên trong campus là những phòng ăn và villa lộng lẫy dùng để tiếp đón những người khách quan trọng đến thăm. Thậm chí nhà ăn với phong cách kiến trúc của một thánh đường phục vụ cả những bữa ăn theo kiểu à la carte, bồi bàn phục vụ từng món một. Campus được chia thành từng khu vực khác nhau và tất cả chúng đều đòi hỏi sự hiệu quả và thành thật từ nhân viên.

Thậm chí bên trong khu campus còn có cả những nhân công cho thiên nga đen nhập từ Úc ăn. Động thái này là cách Huawei nhắc nhở nhân viên cảnh giác trước tính tự mãn và trước những sự kiện kinh tế không thể báo trước hoặc không thể suy đoán theo logic thông thường, nhưng đem lại hậu quả lớn (Black swan Theory).

Tại Trung Quốc, Huawei được coi như niềm tự hào dân tộc trước cả khi họ bắt đầu sản xuất smartphone cạnh tranh với Samsung và Apple. Hơn nữa, Huawei cũng là công ty được coi là mang tính quốc tế nhất với 180.000 nhân sự trên thế giới. Họ thuê nhiều ngôi sao như Scarlett Johansson, Gal Gadot hay Lionel Messi làm đại diện cho thương hiệu.

Gia Minh

Nguồn Nghe Nhìn VN: http://nghenhinvietnam.vn/tin-tuc/dai-ban-doanh-huawei-qua-lang-kinh-nhiep-anh-gia-phuong-tay-52273.html