Đại biểu: 'Công trình sai phép kiểu như 8B Lê Trực đang thách thức kiên nhẫn cử tri'

Trong phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây Dựng, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) đã đề cập đến tình trạng công trình xây dựng không giấy phép ,sai giấy phép mọc lên như kiểu tòa nhà ở phố Lê Trực, Hà Nội như đang thách thức sự kiên nhẫn của cử tri.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng

Phiên chất vấn chiều 30/10, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) đã đặt vấn đề về công trình sai phép, không phép chưa được xử lý đang thách thức thức sự kiên nhẫn của cử tri theo đó đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết có cam kết Quốc hội là không để xảy ra các vi phạm như đã nêu trên không và lộ trình giải quyết dứt điểm các vi phạm ở chung cư như hiện nay.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, cùng với quá trình hoàn thiện các quy định pháp luật về thể chế cũng như tăng cường công tác quản lý nhà nước của các ngành, nhất là các địa phương về hoạt động xây dựng và xử lý vi phạm các hoạt động xây dựng. Trong những năm qua, hoạt động xây dựng đã dần dần đi vào nề nếp, trật tự và số vụ vi phạm giảm dần, tính bình quân 3 năm từ năm 2016 tới 9 tháng của 2018 thì số vụ vi phạm hoạt động xây dựng đã giảm, bình quân là 13,2% tương đương với 1.100 vụ/năm.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng tình trạng vi phạm trong hoạt động xây dựng vẫn còn diễn ra khá phổ biến và diễn biến phức tạp, một số vụ việc vi phạm chưa được phát hiện kịp thời, nếu được phát hiện rồi thì có một số vụ việc chưa được xử lý một cách dứt điểm, nghiêm minh.

Bộ trưởng dẫn chứng, 9 tháng năm 2018 có đến 10.881 công trình vi phạm, trong đó không phép là 3.060, sai phép là 5.481 và các vi phạm khác là 2.340, mặc dù đã giảm bình quân khoảng 2-3% so với năm 2017 nhưng số lượng còn nhiều và diễn biến phức tạp.

Một trong những nguyên nhân của tình hình trên được Bộ trưởng Xây dựng dẫn ra là do còn thiếu một số quy định pháp luật hoặc một số các quy định pháp luật đã có nhưng chưa đủ rõ dẫn tới các sai phạm.

Thứ hai, ý thức chấp hành pháp luật về hoạt động xây dựng của một số chủ thể tham gia như các nhà thầu, các chủ đầu tư, thậm chí cơ quan quản lý nhà nước rồi một bộ phận nhân dân còn chưa tốt.

Thứ ba, công tác kiểm tra, phát hiện sớm vi phạm ngay từ lúc đầu và xử lý các vi phạm chưa dứt điểm, nghiêm minh.

Thứ tư, cưỡng chế, phá dỡ, khôi phục nguyên trạng ban đầu là một quá trình ở một số công trình hết sức phức tạp, kéo dài.

Về giải pháp khắc phục Bộ trưởng Hà cho biết, trước hết, tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật về hoạt động xây dựng, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, định mức xây dựng và các quy định xử phạt hành chính trong hoạt động xây dựng.

Thứ hai, tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động xây dựng nói chung cũng như công tác xử lý vi phạm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm.

Thứ ba, tăng cường công tác tuyên truyền để các chủ thể tham gia, người dân am hiểu các quy định về hoạt động xây dựng, tránh vi phạm.

Về ý của đại biểu Nguyễn Thanh Hồng nói Bộ trưởng Bộ Xây dựng có cam kết với Quốc hội là có thể chấm dứt được tình trạng vi phạm trong hoạt động xây dựng hay không, Bộ trưởng cho biết, theo quy định pháp luật, việc quản lý hoạt động xây dựng cũng như xử phạt vi phạm trong hoạt động xây dựng thuộc trách nhiệm của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và các chủ thể tham gia các hoạt động này, không chỉ là của Bộ Xây dựng.

“Về phần mình, Bộ Xây dựng và tôi với tư cách là Bộ trưởng Bộ Xây dựng sẽ làm hết sức mình, xin hứa với Quốc hội làm hết sức mình”, Bộ trưởng nói và cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ tập trung cao độ cho công tác hoàn thiện thể chế liên quan, cũng như sửa đổi hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn và định mức kỹ thuật, cùng với các địa phương tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý các vụ việc vi phạm.

NGUYỄN THẢO

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thoi-su/dai-bieu-cong-trinh-sai-phep-kieu-nhu-8b-le-truc-dang-thach-thuc-kien-nhan-cu-tri-3477623.html