Đại biểu không dự họp Quốc hội để nghiên cứu xây dựng luật sẽ không bị coi là vắng họp

Việc nghiên cứu sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội nhằm nâng cao chất lượng kỳ họp Quốc hội; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại các luật có liên quan đến tổ chức, hoạt động của Quốc hội như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đồng thời, cũng là nội quy hóa những đổi mới về công tác tổ chức kỳ họp Quốc hội đã có hiệu quả qua thực tiễn từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14 đến nay để áp dung. Là ý kiến của các đại biểu thành viên ủy ban pháp luật khi thẩm tra Dự thảo nghị quyết ban hành Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Tán thành với tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sửa đổi nội quy kỳ họp, các thành viên Ủy ban Pháp luật cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Nội quy kỳ họp Quốc hội với 31 nhóm vấn đề mới đã cơ bản đáp ứng mục đích, quan điểm do Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề ra, đáp ứng yêu cầu được nêu tại Kết luận số 848 của Đảng đoàn Quốc hội về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp Quốc hội.

Để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật, các ý kiến cũng tán thành khi dự thảo Nội quy kỳ họp bổ sung “chế tài” đối với việc chậm gửi tài liệu.

Ông PHẠM VĂN HÒA - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: "Nêu tên, gửi danh sách, những cơ quan đơn vị chủ thể gửi tài liệu chậm cho cho đại biểu Quốc hội để đại biểu Quốc hội biết những trường hợp này để xem coi lần đầu có gửi tài liệu chậm không, lần sau có gửi tài liệu chậm hay không, cũng là một trong những nội dung để đại biểu QH đánh giá chức năng mà đại biểu Quốc hội bầu, tôi cho là chế tài này mặc dù nhẹ nhàng nhưng cũng rất sâu sắc, tôi đồng tình ủng hộ".

Tán thành với ý kiến của đại biểu về quy định trường hợp không dự được phiên họp Quốc hội do thực hiện nhiệm vụ tiếp thu, chỉnh lý, rà soát dự thảo luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua thì không coi là vắng họp. Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết dự thảo nội quy và Luật tổ chức Quốc hội đã có quy định.

Ông BÙI VĂN CƯỜNG - Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: "Phiên họp của Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội là hình thức làm việc tại kỳ họp, nên đại biểu Quốc hội không tham dự để thực hiện được các nội dung kia thì cũng đã là thực nhiệm vụ và không coi là vắng mặt, ý này đã được thể hiện trong điều 13 của dự thảo luật".

Ông HOÀNG THANH TÙNG - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: "Trong thời gian kỳ họp thường trực Ủy ba Pháp luật phải thường xuyên đi tiếp thu chỉnh lý dự án luật mà quốc hội đang cho ý kiến chuẩn bị thông qua này, cái đấy là ngoài giờ cũng không đủ thời gian mà phải lấy trong giờ để họp cho nên những chỗ đấy cũng đơn giản hóa thủ tục chứ không lại xác định, thủ tục không nên quá phức tạp, bởi vì xay lúa thì khỏi bế em, cũng là phục vụ kỳ họp cả".

Về việc gửi tài liệu kỳ họp bằng bản giấy hay bản điện tử, một số ý kiến trong ủy ban Pháp luật tán thành nội dung quy định: “Tài liệu chính thức được lưu hành bằng hình thức văn bản điện tử, trừ trường hợp thuộc bí mật nhà nước” vì đây là nội dung cải tiến, đổi mới trong việc tổ chức kỳ họp Quốc hội, đã được thực tiễn kiểm nghiệm có hiệu quả từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay. Tuy nhiên, cũng có ý kiến dẫn chiếu việc một số luật khó như Luật đất đai đang được sửa đổi thì việc gửi các tài liệu điện tử sẽ gây khó khăn cho việc nghiên cứu, tra cứu để đối chiếu, viện dẫn.

Thực hiện : Thùy Linh Anh Tuấn

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/dai-bieu-khong-du-hop-quoc-hoi-de-nghien-cuu-xay-dung-luat-se-khong-bi-coi-la-vang-hop