Đại biểu Lê Thị Song An đóng góp dự thảo Nghị quyết quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Sáng 16/01, tham gia thảo luận tại Tổ, Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV về Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), đại biểu Lê Thị Song An - Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Long An thống nhất cao sự cần thiết ban hành nghị quyết này nhằm tạo cơ sở pháp lý quan trọng để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, những vấn đề khó, nhạy cảm, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các CTMTQG trong thời gian tới.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Long An - Lê Thị Song An phát biểu tại phiên thảo luận

Theo đại biểu Lê Thị Song An, việc ban hành chính sách đặc thù là xuất phát từ thực tiễn triển khai các CTMTQG trong thời gian qua, đặc biệt là giải quyết kịp thời rất nhiều hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc tại các địa phương được nêu trong Nghị quyết số 108 về kết quả giám sát chuyên đề “Việc triển khai, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các CTMTQG về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030” vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

Với 8 nhóm giải pháp, chính sách đặc thù chưa được pháp luật quy định cụ thể về phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách Trung ương hàng năm; điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn hàng năm; trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất; sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa cho hoạt động phát triển sản xuất,… sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, những vấn đề khó, nhạy cảm, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các CTMTQG trong thời gian tới.

Tuy nhiên, để góp phần hoàn chỉnh thêm các giải pháp, chính sách đặc thù, sát với thực tiễn cơ sở, đại biểu Song An đề nghị Ban soạn thảo quan tâm một số vấn đề cụ thể như:

Thứ nhất, về cơ chế phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách Trung ương hàng năm. Đại biểu Song An cho rằng, quy định này phù hợp với chủ trương phân cấp, phân quyền cho các địa phương quyết định việc phân bổ chi tiết dự toán chi thường xuyên nguồn hỗ trợ của ngân sách Trung ương đối với hai CTMTQG: Giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như cơ chế đã được Quốc hội quyết nghị đối với CTMTQG xây dựng nông thôn mới tại Nghị quyết số 25 năm 2021 của Quốc hội.

Tuy nhiên, đại biểu còn băn khoăn quy định tại điểm c: “Trường hợp cần thiết, HĐND cấp tỉnh quyết định phân cấp cho HĐND cấp huyện quyết định phân bổ chi tiết đến từng dự án thành phần thuộc CTMTQG”. Khi nào là trường hợp cần thiết, nên quy định cụ thể theo hướng tăng thẩm quyền cho HĐND cấp huyện tùy theo tình hình địa phương họ sẽ quyết định phân bổ cho các dự án thành phần thuộc CTMTQG.

Thứ hai, về cơ chế đặc thù về sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa phục vụ hoạt động phát triển sản xuất: Cơ chế này khác quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15. Trong đó, quy định chủ dự án phát triển sản xuất, cụ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, người dân khi được giao thực hiện việc mua sắm hàng hóa từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách nhà nước cũng được tự quyết định phương thức mua sắm hàng hóa thuộc nội dung dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, không bắt buộc phải thực hiện đấu thầu trong mua sắm hàng hóa. Các trường hợp cơ quan nhà nước trực tiếp thực hiện việc mua sắm hàng hóa và bàn giao lại chủ dự án hoặc hỗ trợ trực tiếp cho người dân trong thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất phải thực hiện đấu thầu mua sắm hàng hóa theo quy định Luật Đấu thầu.

Tuy nhiên, để tăng tính khả thi trong thực tế, đại biểu Song An đề nghị dự thảo Nghị quyết cần quy định đơn giản và cụ thể hơn về quy trình, thủ tục để thực hiện ngay theo ý kiến thẩm tra của Hội đồng dân tộc. Đồng thời, nghiên cứu thêm cơ chế hỗ trợ khoán trọn gói đối với cộng đồng dân cư; theo đó, cơ quan quản lý hỗ trợ phát triển sản xuất sẽ hỗ trợ trọn gói cho tổ nhóm cộng đồng theo phương án sản xuất, kinh doanh đã được phê duyệt. Cơ quan quản lý hỗ trợ phát triển sản xuất tạm ứng tối đa 50% tổng vốn của dự án; cộng đồng tự thực hiện, tự giám sát với sự hỗ trợ kỹ thuật của các ban, ngành liên quan tại địa phương. Kết thúc thời điểm thực hiện dự án, cơ quan quản lý hỗ trợ phát triển sản xuất nghiệm thu và giải ngân vốn còn lại trên kết quả thực hiện. Thực hiện theo cơ chế ứng trước thay vì quản lý theo kết quả đầu ra như hiện nay. Đồng thời, bổ sung thêm nội dung giao cho địa phương ban hành cơ chế, hướng dẫn UBND các xã xác định giá theo thị trường, bảo đảm công khai, minh bạch khi triển khai, thực hiện.

Thứ ba, quy định về quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất: Đại biểu Song An chọn Phương án 1. Vì Phương án này cơ bản kế thừa các nội dung và kinh nghiệm trong quản lý, tổ chức thực hiện các dự án cộng đồng của Chương trình 135 trước đây. Tuy nhiên, đại biểu cũng thống nhất với thẩm định của Hội đồng dân tộc là đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định bổ sung việc nghiệm thu trước khi giao cho cộng đồng, chủ trì liên kết quản lý và có cơ chế kiểm tra, kiểm soát chặt chẻ nhằm bảo đảm sử dụng vốn hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí và trục lợi chính sách.

Các Đoàn ĐBQH tỉnh Long An, Thái Nguyên, Đắc Nông và Kon Tum tham gia thảo luận tại Tổ 7

Thứ tư, về ủy thác vốn tự cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội: Đại biểu Song An cho rằng, cơ chế đặc thù này cho phép địa phương được sử dụng vốn tự cân đối của ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho một số đối tượng của các CTMTQG vay vốn ưu đãi trong thực hiện một số nội dung, nhiệm vụ của từng CTMTQG hiện chưa được quy định cụ thể trong Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công. Đặc biệt, với các nguồn vốn đầu tư công, vốn đầu tư phát triển khác, kinh phí thường xuyên để hỗ trợ phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới thông qua việc giao UBND cùng cấp ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội tại địa phương để thực hiện một số hoạt động phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, ổn định sinh kế và phát triển các sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống, Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong triển khai các dự án thành phần thuộc các CTMTQG. Cơ chế này sau khi ban hành sẽ giải quyết được những bất cập mà thực tiễn đặt ra. Tuy nhiên, đại biểu Song An đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung một khoản quy định cụ thể về thủ tục ủy thác, nhằm giúp địa phương thuận lợi hơn trong quá trình triển khai, thực hiện.

Thứ năm, về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG: Đại biểu Song An cho rằng, phương án 2 dự thảo Nghị quyết là phù hợp, trong đó quy định: HĐND cấp tỉnh, căn cứ điều kiện thực tiễn, được quyết định lựa chọn 1 huyện thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp. UBND cấp tỉnh quyết định giao mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể đối với từng CTMTQG cho cấp huyện được lựa chọn thí điểm. HĐND cấp huyện được quyết định điều chỉnh phương án phân bổ vốn đầu tư công, kinh phí thường xuyên giữa các CTMTQG trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư vốn hàng năm, dự toán ngân sách nhà nước hàng năm đã được cấp có thẩm quyền giao; cơ cấu nguồn vốn ngân sách nhà nước giữa chi đầu tư, chi thường xuyên của các dự án thành phần không còn đối tượng hỗ trợ để tập trung vốn thực hiện các dự án thành phần khác thuộc các CTMTQG giai đoạn 2021-2025. Quy định này sẽ đảm bảo phân cấp triệt để cho cấp huyện chủ động, linh hoạt trong việc điều hành, quản lý triển khai, thực hiện các CTMTQG; đồng thời là cơ sở để phục vụ xây dựng các CTMTQG cho giai đoạn 2026-2030.

Ngoài ra, đại biểu Song An còn đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu giảm tỷ lệ vốn đối ứng trong thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất CTMTQG giảm nghèo bền vững đối với Dự án 2 về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, mục tiêu đặt ra là người dân phải có vốn đối ứng từ 40-60%. Tỷ lệ này hiện còn khá cao, cần điều chỉnh lại cho phù hợp, vì hầu hết hộ nghèo, hộ cận nghèo còn nhiều khó khăn mà yêu cầu người dân phải có vốn đối ứng từ 40-60% là không khả thi./.

Kiến Quốc

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/dai-bieu-le-thi-song-an-dong-gop-du-thao-nghi-quyet-quy-dinh-mot-so-co-che-chinh-sach-dac-thu-thuc-hien-cac-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-a169793.html