Đại biểu Quốc hội: 5 chiêu trò phổ biến để 'lách luật' trong đấu thầu

Nhấn mạnh công khai là giải pháp của mọi giải pháp, đại biểu Quốc hội đề nghị các cấp quản lý hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành, đảm bảo thực hiện chặt chẽ về công khai trong đấu thầu.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, đoàn Bắc Kạn chỉ ra các chiêu trò phổ biến để 'lách luật' trong hoạt động đấu thầu. (Ảnh: TTXVN)

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, đoàn Bắc Kạn chỉ ra các chiêu trò phổ biến để 'lách luật' trong hoạt động đấu thầu. (Ảnh: TTXVN)

Tham gia thảo luận về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, đoàn Bắc Kạn chỉ ra các chiêu trò phổ biến để 'lách luật' trong hoạt động đấu thầu cần phải được ngăn chặn.

6 vấn đề phải công khai trong đấu thầu

Bà Thủy cho biết qua theo dõi các vụ án, vụ việc liên quan đến hoạt động đấu thầu thời gian qua xuất hiện 5 chiêu trò phổ biến được sử dụng để lách luật trong hoạt động đấu thầu. Cụ thể là hành vi chia nhỏ gói thầu; cài cắm các điều khoản để chèn nhà thầu “quen”; thiết lập liên minh “quân xanh - quân đỏ” để thông thầu; móc ngoặc với thẩm định giá để nâng khống gói thầu và tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực khác trong hoạt động đấu thầu.

Do đó, bà Thủy kiến nghị các cơ quan thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử hướng hoạt động vào mảng đấu thầu, nhất là với các sự việc dư luận có nhiều phản ánh để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm.

Nhấn mạnh “công khai là giải pháp của mọi giải pháp,” bà Thủy đề nghị các cấp quản lý cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành, đảm bảo thực hiện chặt chẽ yêu cầu về công khai trong đấu thầu.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy chỉ ra 6 vấn đề cần phải được công khai trong hoạt động đấu thầu, bao gồm điều kiện dự thầu; danh sách, năng lực của nhà thầu; điều kiện trúng thầu; quá trình chấm thầu; kết quả chấm thầu; kết quả giải quyết khiếu nại của nhà thầu.

Theo Bộ trưởng Bộ Công An - Tô Lâm, năm 2022, Chính phủ đã chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, xác minh, điều tra làm rõ các sai phạm có tác dụng lan tỏa, mang tính chất cảnh tỉnh trong những lĩnh vực nhạy cảm. Trong đó, tập trung điều tra các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Kết quả, số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế phát hiện giảm 36,68%, số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ phát hiện tăng 40,97%.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022. (Ảnh: TTXVN)

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết trên thực tế tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu vẫn diễn biến rất phức tạp. Trong đó, các sai phạm nổi lên trong các lĩnh vực chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đấu thầu, đấu giá, mua sắm công, y tế, giáo dục, đất đai, tài chính, ngân hàng, tài nguyên, khoáng sản, phòng, chống dịch bệnh...

Vi phạm về đất đai phụ thuộc mối quan hệ lợi ích

Chỉ ra đất đai luôn là một trong những lĩnh vực nổi cộm và có nguy cơ cao dẫn đến tham nhũng, đại biểu Lê Thanh Hoàn, đoàn Thanh Hóa nhấn mạnh các cấp quản lý cần quan tâm đến phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực này.

Theo đại biểu, Chính phủ cần đặc biệt quan tâm đến công tác thực thi pháp luật đồng thời phải có những chế tài đủ mạnh mẽ để xử lý nghiêm các hành vi sử dụng đất bất hợp pháp.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn, đoàn Thanh Hóa nhấn mạnh các cấp quản lý cần quan tâm đến phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai. (Ảnh: TTXVN)

“Cũng giống như các hành vi phạm tội thông thường, dưới góc độ kinh tế, việc sử dụng đất trái pháp luật có thể hiểu là những hành vi kinh tế dựa trên vấn đề quyết định về chi phí và lợi ích của những người vi phạm pháp luật. Các tổ chức và cá nhân có liên quan đạt được những lợi ích bất hợp pháp và những giá trị nhất định thông qua những hành động vi phạm pháp luật của họ. Điều này đã làm thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước và các thành viên khác trong xã hội,” ông Hoàn nêu rõ.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn cho rằng thực tiễn trong thời gian qua, việc quyết định vi phạm pháp luật đất đai của các bên liên quan phụ thuộc vào cách xác định mối quan hệ giữa lợi ích của việc sử dụng đất bất hợp pháp và chi phí và hậu quả của nó.

Vì vậy, ông Hoàn nhấn mạnh việc tăng cường thực thi pháp luật đất đai có hiệu quả sẽ có tác động rất lớn, rất quan trọng.

“Một khi hiệu quả của việc thực thi pháp luật về đất đai tăng lên thì khả năng điều tra và trừng phạt sẽ tăng lên. Nếu, chúng ta thực thi pháp luật về đất đai không nghiêm sẽ dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật đất đai ngày càng tăng và ngược lại. Do vậy, việc thực thi nghiêm chỉnh các quy định pháp luật đất đai cũng như tạo ra cơ chế, chính sách phù hợp thì chắc chắn vi phạm pháp luật về đất đai sẽ giảm trong thời gian tới,” ông Hoàn nói./.

Quảng - Hạnh (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/dai-bieu-quoc-hoi-5-chieu-tro-pho-bien-de-lach-luat-trong-dau-thau/827938.vnp