Đại biểu Quốc hội băn khoăn hiện tượng 'hoãn, rút' văn bản luật

Thảo luận tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV diễn ra sáng 22/5 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, nhiều đại biểu bày tỏ sự băn khoăn về hiện tượng 'hoãn, rút' các văn bản được trình ra Quốc hội vẫn chưa được giải quyết.

Theo tờ trình kỳ họp Quốc hội liên quan đến Chương trình năm 2020, Chính phủ đề nghị đưa ra khỏi Chương trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai cùng một số văn bản luật khác. Trong khi đó một số luật liên quan trực tiếp đến việc thực thi Hiệp định EVFTA như Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Bảo hiểm xã hội dự kiến phải đợi đến Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021) mới được xem xét, cho ý kiến.

Dự kiến có 10 dự án luât được thông qua tại kỳ họp này của Quốc hội

Dự kiến có 10 dự án luât được thông qua tại kỳ họp này của Quốc hội

Liên quan đến đề xuất của Chính phủ xin rút Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai tại kỳ họp này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, điều này cho thấy nguyên tắc ưu tiên đưa vào chương trình các dự án luật đáp ứng yêu cầu cấp thiết về phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế chưa được thực hiện.

“Đây là đạo luật rất quan trọng đáp ứng cho các doanh nghiệp và người dân. Khiếu kiện, tranh chấp chủ yếu nguyên nhân đất đai. Doanh nghiệp nguy khốn, người dân vất vả cũng về đất đai. Đây chính là luật đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế cũng như bảo đảm an ninh quốc phòng” - đại biểu Nhưỡng nhìn nhận.

Nhằm “mở lối” cho việc giải quyết những đòi hỏi của đời sống kinh tế xã hội trong khi vẫn phải chờ Luật Đất đai phiên bản mới cần thời gian để thông qua, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) và Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) đề xuất: không cần thiết phải chờ đến toàn bộ Luật Đất đai được thông qua mà cần nghiên cứu xem hiện những gì là ách tắc nhất, chẳng hạn như vấn đề tích tụ đất đai để từ đó có thể điều chỉnh bằng một nghị quyết của Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc phát biểu tại kỳ họp

Cũng liên quan đến việc Chính phủ xin rút Luật Đất đai ra khỏi kỳ họp này, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP. Hồ Chí Minh) tranh luận ngược lại với các đại biểu khi cho rằng, tại sao trước đây khi các đại biểu bấm nút bỏ phiếu thông qua Luật này thì nay dự kiến lại bấm nút để rút dự án Luật sửa đổi Luật Đất đai ra khỏi kỳ họp này thì điều đó có nghĩa là gì?

Phân tích thêm về hiện tượng hoãn, rút các văn bản luật được trình ra Quốc hội, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nói, hiện tượng này đã kéo dài qua nhiều kỳ họp song vẫn chưa được khắc phục.

“Điều này khiến đại biểu, người dân băn khoăn. Trình độ và kỷ luật xây dựng luật để ở đâu. Việc xây dựng các luật hiện phụ thuộc nhiều vào cơ quan hành pháp trong khi lý do giải thích cho việc hoãn, rút thường là ngắn hoặc không đầy đủ theo kiểu “chưa chuẩn bị xong”- đại biểu Quốc nói.

Một số đại biểu Quốc hội cũng đề xuất, việc xây dựng các dự án luật bên cạnh bảo đảm các nguyên tắc đã được xác định cần bật lên được tính đồng bộ với các luật đã được ban hành trước đó cũng như đáp ứng được các thách thức an ninh phi truyền thống, bảo đảm an ninh quốc phòng.

Đại biểu Quốc hội cũng kiến nghị, bên cạnh các dự án luật được xác định trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, cần sớm xây dựng được luật về bảo đảm an ninh, quốc phòng trong hoạt động kinh tế đối ngoại. Còn đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề xuất, Quốc hội tại kỳ họp này cần có nghị quyết riêng về phòng chống dịch bệnh Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế thay vì chỉ nằm lẫn trong một nghị quyết về các vấn đề khác.

Sau khi điều chỉnh dự kiến Chương trình năm 2020 thì tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020), trình Quốc hội thông qua 10 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến 6 dự án luật. Tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2020), trình Quốc hội thông qua 6 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến 4 dự án luật.

Quang Lộc - Đình Dũng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dai-bieu-quoc-hoi-ban-khoan-hien-tuong-hoan-rut-van-ban-luat-137771.html