Đại biểu Quốc hội chất vấn quan điểm của Thủ tướng trước vụ việc nước sông Đà nhiễm bẩn

Trong hơn nửa buổi chiều ngày 8/11, nhiều vấn đề từ cụ thể đến các quyết sách vĩ mô đã được đại biểu Quốc hội đặt ra với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn trả lời chất vấn của các đại biểu.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre): Qua việc nhà máy nước sông Đà bị đầu độc có dấu hiệu lợi ích nhóm, tạo ra một cạnh tranh không lành mạnh trong thị trường nước sạch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng bộc lộ một lỗ hổng về an ninh quốc gia. Với vụ việc này, theo tôi cần làm ba việc, phải xử lý nghiêm các vi phạm; cần xem xét lại hoàn thiện quy hoạch sản xuất và cung ứng nước sạch; nghiên cứu xây dựng luật về cung ứng sản xuất và cung ứng nước sạch. Đề nghị Thủ tướng cho biết quan điểm của mình?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Về vấn đề nước sạch, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện đúng pháp luật về Luật Quản lý tài nguyên nước năm 2012 đã được Quốc hội thông qua. Trong đó, hãy làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch và quản lý chặt chẽ, đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn cho người dân, tránh tình trạng như vừa qua chúng ta đã biết trên phương tiện truyền thông đại chúng.

Tôi nhất trí rằng, nước sạch là vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng đến đời sống sức khỏe của người dân. Do vậy, Thủ tướng phải tăng cường chỉ đạo kiểm tra các cấp, các ngành để thực hiện đúng Luật Quản lý tài nguyên nước đã ban hành.

Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (Đồng Nai): Nhiều ý kiến cho rằng sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Việc chấp hành niêm yết của doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa chưa nghiêm. Thời gian tới, Chính phủ có giải pháp gì cải thiện tình trạng này?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo triển khai Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp, xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong việc chậm trễ cổ phần hóa, thoái vốn những doanh nghiệp nhà nước không cần nắm giữ. Các doanh nghiệp không thực hiện tốt nhiệm vụ cổ phần hóa, thoái vốn sẽ bàn giao về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước để thực hiện.

Vừa qua, vướng mắc chính nằm ở việc các cấp chính quyền và doanh nghiệp Nhà nước phải rà soát lại toàn bộ quỹ đất. Trong một số Nghị định của Chính phủ chưa rõ chưa tốt nên làm chậm trễ tiến độ. Tới đây sẽ tập trung làm tốt hơn để làm cơ sở.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình): Năm 2020, Việt Nam sẽ là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc và Chủ tịch ASEAN. Đề nghị Thủ tướng cho biết, những quyết sách để tận dụng cơ hội này đối với đất nước thời gian tới? Thủ tướng sẽ tập trung như thế nào đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, để cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện tốt một trong ba trọng tâm của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo. Với “nền kinh tế vào ban đêm” đang trao đổi rất rộng rãi và có nhiều ý kiến khác nhau.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chúng ta sẽ tận dụng năm ASEAN tốt nhất, với tinh thần Việt Nam là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc. Ít có quốc gia nào trùng lặp hai sự kiện quan trọng này trong đối ngoại của đất nước.

Chúng ta cần tận dụng thời cơ này để đưa đất nước có bước phát triển mới tốt hơn, vị thế tốt hơn. Đối với các nước ASEAN, chúng ta không những tiếp tục thực hiện tốt 3 mục tiêu quan trọng, mà còn tiếp tục giữ gìn đoàn kết nội khối lấy ASEAN là trung tâm để nâng cao vị thế Việt Nam. Đẩy mạnh quan hệ thương mại đầu tư trong nội khối thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các nước ASEAN đấu tranh giữ gìn hòa bình, thống nhất trong ASEAN, để bảo vệ luật pháp quốc tế ở khu vực Biển Đông.

Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiện đã có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đã có Nghị định của Chính phủ, có Ban Chỉ đạo quốc gia chỉ đạo thực hiện, và chương trình hành động.

Chúng ta tiếp tục tạo điều kiện về tín dụng, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực và đẩy mạnh hợp tác liên kết giữa các thành phần kinh tế, giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp Nhà nước, với doanh nghiệp FDI và các thành phần kinh tế khác, để doanh nghiệp nhỏ và vừa có thời cơ, vừa phát huy vai trò rất quan trọng của nền kinh tế, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

Về “nền kinh tế ban đêm”, nhất trí với ý kiến của đại biểu, kinh tế ban đêm là sự năng động kinh tế trong hội nhập, thúc đẩy tiêu dùng và tăng trưởng. Hiện lượng khách du lịch Việt Nam đã đạt ít nhất là 18 triệu, phần lớn trái múi giờ…

Kinh tế ban đêm tạo thêm nhiều việc làm và giải quyết lao động. Do vậy, trước hết tôi mong các trung tâm kinh tế, các thành phố lớn phát triển kinh tế ban đêm. Làm gì để du khách đến đông hơn, làm gì để du khách ở lại lâu hơn, làm gì để khách tiêu tiền nhiều hơn, làm gì để khách kể về những trải nghiệm thú vị tại Việt Nam, làm gì để du khách quay trở lại sớm nhất có thể.

Tất nhiên, kinh tế ban đêm cũng có mặt trái của nó, cần phải chú trọng tốt công tác quản lý, không để tiêu cực có thể xảy ra. Kinh tế ban đêm là một xu hướng các nước đang vận dụng, và Việt Nam nên tận dụng thời cơ này.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang): Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách để khẳng định vai trò của khoa học - công nghệ đối với phát triển đất nước. Tuy nhiên, đến nay khoa học - công nghệ vẫn chưa thực sự trở thành yếu tố trực tiếp đóng góp mạnh cho sự phát triển. Đề nghị Thủ tướng cho biết, Chính phủ có giải pháp gì để thị trường khoa học, cụ thể là các doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu khoa học - công nghệ được phát huy vai trò của mình, thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không chỉ có nghị quyết của trung ương về khoa học, công nghệ, coi khoa học và công nghệ là giải pháp then chốt trong phát triển, chúng ta còn có Luật Khoa học và công nghệ cũng như các văn bản luật khác có liên quan. Hệ thống văn bản pháp luật về khoa học, công nghệ rất cụ thể.

Chúng ta đã quyết định dành một khoản ngân sách rất lớn, 2% trên tổng số ngân sách nhà nước để đầu tư cho khoa học và công nghệ. Đây là nguồn lực rất quan trọng.

Chúng ta có thị trường nội địa rất lớn, gần 100 triệu dân để phát triển khoa học và công nghệ. Chính vì vậy, chúng ta phải coi trọng các trường đại học, viện nghiên cứu, nhà khoa học, đặc biệt coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo.

Hơn ai hết, doanh nghiệp phải tập trung nghiên cứu đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ để phát triển kịp với thị trường trong quá trình hội nhập với thế giới. Cùng với đó, phải kết hợp giữa nghiên cứu, đào tạo với sản xuất, kết hợp với những giải pháp, những đề tài cấp quốc gia.

Chúng ta coi trọng nhân tài trong phát triển khoa học - công nghệ để đóng góp xây dựng đất nước với những giải pháp như vậy. Chúng ta sẽ tiếp tục coi khoa học - công nghệ là động lực phát triển đất nước trong thời gian tới.

Hồng Vân

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/dai-bieu-quoc-hoi-chat-van-quan-diem-cua-thu-tuong-truoc-vu-viec-nuoc-song-da-nhiem-ban-114916.html