Đại biểu Quốc hội: Chính phủ rất cẩn trọng trong soạn thảo Dự thảo Nghị quyết xóa tiền phạt chậm nộp

Chiều nay, 1/11, tiếp tục kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tập trung tại hội trường xung quanh nội dung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

Đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau).

Đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau):

Cần thiết phải ban hành Nghị quyết

Tôi hoàn toàn đồng tình với sự cần thiết ban hành Nghị quyết này. Luật Quản lý thuế hiện hành chưa bao quát hết được việc xử lý nợ đối với các trường hợp không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước dẫn đến số nợ đọng không có khả năng thu tăng cao và phát sinh thêm đối tượng nợ thuế.

Thực tế, chúng ta không thể thu được các khoản nợ không thể nào thu hồi được của các người nộp thuế bị chết, bị mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc khi người nộp thuế lâm vào tình trạng phá sản, giải thể hoặc các trường hợp bị thiên tai, bất khả kháng,…

Các nước trên thế giới đều đã có cơ chế thực hiện xóa các khoản nợ thuế cho các đối tượng không có khả năng thu hồi, trong đó có người nộp thuế đã chết, mất tích; các khoản thuế phát sinh quá lâu; các khoản nợ của các đối tượng không có khả năng thanh toán và tuyên bố phá sản; các khoản nợ thuế mà chi phí thu hồi nợ cao hơn cả tiền nợ; xóa nợ cho các trường hợp bất khả kháng do các trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ hoặc do thay đổi chính sách đột ngột.

Thậm chí, một số quốc gia còn xóa nợ cho các trường hợp có bằng chứng chứng minh rằng việc thanh toán nợ thuế làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của bản thân người nộp thuế và người phụ thuộc; người nộp thuế chỉ còn đủ tài sản để đáp ứng cuộc sống sinh hoạt đơn thuần.

Vừa qua, Luật Quản lý thuế số 38 được thông qua tại kỳ họp thứ 7 đã có quy định xử lý nợ cho các đối tượng mất khả năng hành vi dân sự, giải thể, phá sản, chịu ảnh hưởng thiên tai, bất khả kháng trong hoạt động sản xuất kinh doanh từ 1/7/2020. Do đó, có thêm một văn bản để xử lý các khoản nợ nêu trên trong thời gian trước ngày Luật mới có hiệu lực là cần thiết.

Trong dự thảo, Chính phủ đã quy định khá đầy đủ, minh bạch, chặt chẽ các biện pháp xử lý nợ thuế, các quy định về xử lý nợ. Điều này cho thấy việc cẩn trọng trong quá trình xây dựng Nghị quyết nhằm tránh được việc lợi dụng chính sách để trục lợi.

Đặc biệt, khi ban hành Nghị quyết, không thể đương nhiên cứ có nợ là xóa mà căn cứ cụ thể vào từng hồ sơ, từng trường hợp, điều kiện cụ thể mới được xem xét xóa tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế còn nợ thuế. Việc xem xét này sẽ được giám sát bởi nhiều cơ quan, ban ngành có liên quan.

Đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa – Vũng Tàu).

Đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa – Vũng Tàu):

Không thể tránh được phát sinh các khoản nợ thuế

Thực hiện Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch Tài chính 5 năm giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý thuế, hải quan. Các bộ, ngành cũng đã ban hành nhiều chính sách góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế được tăng cường.

Trong lĩnh vực hải quan, hệ thống pháp luật được xây dựng đồng bộ, công tác điều tra chống buôn lậu được tăng cường. Ban chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hoạt động hiệu quả.

Song, phải thừa nhận, bên cạnh số thuế thu được, không thể tránh được phát sinh các khoản nợ thuế. Đối với cơ quan quản lý thuế, việc xử lý các khoản nợ thuế sẽ giúp cho ngân sách rõ ràng hơn, cơ quan quản lý thuế sẽ bớt thời gian theo dõi các khoản nợ không còn khả năng thu, từ đó dành thời gian quản lý các khoản nợ mới thông qua thanh kiểm tra, đôn đốc thu để tránh phát sinh nợ mới phát sinh. Điều này cũng là một giải pháp giúp cơ quan quản lý thuế cắt giảm biên chế, tiết giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh).

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh):

Cần quy định trách nhiệm nếu để xảy ra việc xóa nợ sai đối tượng

Theo dự kiến của Chính phủ, tổng số tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp cơ quan quản lý thuế đã tính và quản lý không có khả năng thu hồi tính đến ngày 31/8/2019 là 15.779 tỷ đồng.

Đó là số tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp của các đối tượng là người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc các doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể, phá sản hoặc doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực tế đã ngừng hoạt động hoặc bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà không còn khả năng nộp thuế.

Tôi cho rằng phải nghiên cứu kỹ và xem xét việc xử lý nợ cho các đối tượng không phải người đã chết, mất tích. Đơn cử, các đối tượng làm thủ tục giải thể, phá sản hoặc doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực tế đã ngừng hoạt động bởi các đối tượng này rất có thể sẽ thành lập được các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh khác mà vẫn do pháp nhân đó đứng tên. Điều này không dễ phát hiện.

Ngoài ra, số tiền xóa nợ khá lớn nên dự thảo cần quy định cụ thể trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan khi để xảy ra việc xóa nợ sai đối tượng, tránh tình trạng lợi dụng chính sách pháp luật để trục lợi, lợi ích nhóm.

Hơn nữa, với đối tượng nợ thuế là người nộp thuế đã chết. Thực tế có những người chết vẫn có người thừa kế pháp lý tức là vẫn tồn tại. Bộ Luật Dân sự có quy định về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại, trong đó có các khoản nợ thuế, nợ ngân sách nhà nước. Trường hợp này, đối tượng thừa kế vẫn phải thực hiện nghĩa vụ thuế cho người chết.

Hồng Vân

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/dai-bieu-quoc-hoi-chinh-phu-rat-can-trong-trong-soan-thao-du-thao-nghi-quyet-xoa-tien-phat-cham-nop-114488.html