Đại biểu Quốc hội: Đề nghị Bộ Quốc phòng quản lý chữ ký số chuyên dùng công vụ

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ năm, sáng 30-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Qua thảo luận, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về quy định chữ ký số chuyên dùng công vụ.

Quang cảnh phiên họp sáng 30-5.

Đề nghị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý giao dịch điện tử trong lĩnh vực cơ yếu

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương) nêu rõ, dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ là dịch vụ công quan trọng đặc thù do đối tượng sử dụng dịch vụ là công chức, viên chức nhà nước.

Đại biểu cho biết, thực tiễn từ năm 2007 đến nay đã tồn tại 2 hệ thống chữ ký số riêng biệt là chữ ký số chuyên dùng công vụ và chữ ký số công cộng được Chính phủ giao cho 2 cơ quan quản lý. Trong đó, Bộ Quốc phòng quản lý nhà nước về chữ ký số chuyên dùng công vụ; Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý nhà nước về chữ ký số chuyên dùng công cộng.

Đại biểu phân tích, chữ ký số chuyên dùng công vụ là hoạt động có tính đặc thù, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân bảo lưu. Đây là thực thi công vụ của nhà nước thực hiện nhiệm vụ chính trị không thu phí, đối tượng phục vụ là các cá nhân của các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội; đòi hỏi cấp độ an toàn, bảo mật cao hơn.

Trong khi đó, chữ ký số chuyên dùng công cộng do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý và cấp phép cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp là hoạt động kinh doanh có điều kiện, có thu phí; vì vậy, cấp độ an toàn thấp hơn.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân: Đề nghị quy định Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý Nhà nước về giao dịch điện tử trong lĩnh vực cơ yếu, chữ ký số chuyên dùng công vụ.

Do đó, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân cho rằng, nếu dự thảo quy định Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý nhà nước cả 2 loại chữ ký số trên thì có thể xảy ra mất an toàn, việc xác định trách nhiệm là không rõ ràng.

Từ phân tích trên, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân đề nghị quy định Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý Nhà nước về giao dịch điện tử trong lĩnh vực cơ yếu, chữ ký số chuyên dùng công vụ theo quy định pháp luật về cơ yếu và giao dịch điện tử.

Cân nhắc kỹ quy định về quản lý chữ ký số chuyên dùng công vụ

Các đại biểu: Hoàng Hữu Chiến (Đoàn An Giang), Nguyễn Quốc Duyệt (Đoàn TP Hà Nội), Nguyễn Minh Đức (Đoàn TP Hồ Chí Minh) và một số đại biểu khác ủng hộ quan điểm này.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho biết, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã có nhiều văn bản, tờ trình báo cáo cơ quan soạn thảo và Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chỉnh sửa một số nội dung dự thảo luật. Về cơ bản, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã tiếp thu nhiều ý kiến. Tuy nhiên, chữ ký số công vụ phải được mã hóa bởi Ban Cơ yếu của Chính phủ.

“Đảng, Nhà nước đã cho phép thành lập một cơ quan riêng biệt thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia trên không gian mạng. Bên cạnh đó, các chỉ thị, nghị quyết và các giấy tờ khác không đơn thuần là các văn bản sẽ được ký ban hành trên môi trường điện tử, cho nên phải sử dụng kỹ thuật mật mã của Ban Cơ yếu Chính phủ", đại biểu nói.

Trên cơ sở đó, đại biểu Nguyễn Minh Đức đề nghị sửa lại khoản 4 Điều 7 dự thảo luật theo hướng Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động giao dịch điện tử thuộc lĩnh vực cơ yếu chữ ký số chuyên dùng công vụ theo quy định của pháp luật về cơ yếu và giao dịch điện tử.

Đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt: Chữ ký số chuyên dùng công vụ cần phải được cung cấp, quản lý chặt chẽ, bảo mật và phải giao cho cơ quan về quốc phòng, an ninh quản lý.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt (Đoàn TP Hà Nội) nêu rõ, bản chất của chữ ký số chuyên dùng công vụ là dùng công nghệ mật mã để xác thực thông tin dữ liệu và được triển khai sử dụng trong hoạt động công vụ của các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội.

Kinh nghiệm thế giới cũng như Việt Nam coi mật mã như một vũ khí đặc biệt để bảo vệ an ninh quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và do cơ quan thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia, quân sự, quốc phòng, đối ngoại của đất nước quản lý theo một chế độ nghiêm ngặt và phải được mã hóa. Nếu như xác định như vậy thì Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc này.

Mặt khác, công vụ là một hoạt động đặc biệt; chữ ký số chuyên dùng công vụ là chữ ký của người có thẩm quyền; mỗi văn bản, mỗi giao dịch công vụ đều có tác động rất lớn và ảnh hưởng đến nhân dân đến quốc gia, lợi ích của dân tộc.

"Vì vậy, chữ ký số chuyên dùng công vụ cần phải được cung cấp, quản lý chặt chẽ, bảo mật và phải giao cho cơ quan về quốc phòng, an ninh quản lý", đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt nêu quan điểm.

NGUYỄN THẢO

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/dai-bieu-quoc-hoi-de-nghi-bo-quoc-phong-quan-ly-chu-ky-so-chuyen-dung-cong-vu-729662