Đại biểu Quốc hội đề nghị có phương án chủ động ứng phó rủi ro khi tham gia CPTPP

Cho ý kiến về sự cần thiết phê duyệt Hiệp định CPTPP, đa số đại biểu tán thành sự cần thiết phê chuẩn và cho rằng đây là Hiệp định thế hệ mới chất lượng cao và khá toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước tới nay.

Các đại biểu cũng băn khoăn về những cơ hội và thách thức, đồng thời đề nghị cần sớm đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản luật có liên quan để phù hợp với các thông lệ quốc tế.

ĐB Trần Hoàng Ngân - đoàn TP Hồ Chí Minh

Dư địa lớn
“Kỳ vọng ở chỗ CPTPP là 12 quốc gia mở ra thị trường rộng với hơn 500 triệu dân. Một điểm đặc biệt là 11 quốc gia này “rất giàu”, GDP bình quân trên 30.000 USD/đầu người. Tiêu dùng của họ rất lớn. Nhắm đến thị trường này là thị trường tiêu dùng cao, chất lượng cao, thích hợp với người có thu nhập cao” - đại biểu (ĐB) Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) bày tỏ.

Theo ĐB Ngân, hiện nay kim ngạch xuất khẩu của thị trường 11 quốc gia này là 10.000 tỷ USD. Năm 2017, Việt Nam mới xuất khẩu vào thị trường này 34,2 tỷ USD, nhập khẩu 33,9 tỷ USD, xuất siêu 0,3 tỷ USD. Nhưng so với quy mô 10.000 tỷ USD thì Việt Nam mới có quan hệ 2 chiều là 0,68%, như vậy dư địa rất lớn…

“Nhưng thị trường này rất kén sản phẩm” - ĐB Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh. Phải đảm bảo an toàn thực phẩm, triển khai sửa Luật an toàn thực phẩm. Cải tiến nâng cao chất lượng, lao động, yếu tố về cây, giống mới với năng suất cao, an toàn phải đặt lên hàng đầu…

ĐB Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP Hồ Chí Minh) nhận định, những chủng loại nông sản mà một số nước CPTPP có thế mạnh như thịt lợn, thịt gà là những mặt hàng Việt Nam đã sản xuất được nhưng sức cạnh tranh còn yếu. Do đó, đề nghị Chính phủ có biện pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất, thí điểm một số mô hình sản xuất tiên tiến, thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ, hỗ trợ DN và nông dân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nông nghiệp... để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp, từ đó đủ sức cạnh tranh trên sân nhà và vươn ra thị trường thế giới.

Lo cho DN nhỏ và vừa

“Kinh nghiệm khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2007, lúc đó ta phấn khích nghĩ rằng vào Tổ chức thương mại thế giới, hàng Việt Nam mình sẽ đi ra biển lớn, đi khắp các nước, nhưng cuối cùng hàng các nước vào mình nhiều hơn nên ta nhập siêu một cách nghiêm trọng. “Nay khi ký CPTPP, xuất khẩu có tương đương được với nhập khẩu không hay do năng lực cạnh tranh của mình thấp thì các nước khác sẽ vào nhiều hơn” - ĐB Trần Hoàng Ngân băn khoăn.

ĐB Lê Quân, đoàn Hà Nội

Dù khẳng định việc tham gia hiệp định không chỉ giúp tăng trưởng GDP, tăng trưởng xuất khẩu mà còn tạo thêm cơ hội việc làm cho hàng chục lao động mỗi năm, giúp chuyển dịch cơ cấu lao động và trình độ lao được nâng cao, song ĐB Lê Quân (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh, việc gia nhập CPTPP cần cân nhắc về quyền liên kết của người lao động. Điều này sẽ được điều chỉnh trong luật lao động sắp được Chính phủ trình Quốc hội thông qua.

“Đối với một số cam kết có liên quan đến Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật An toàn thực phẩm, các cam kết này phải áp dụng ngay khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực” - ĐB Nguyễn Văn Chiến (đoàn Hà Nội) nêu quan điểm. Chính phủ cần khẩn trương đề xuất sửa đổi, bổ sung các điều liên quan của các đạo luật này. Đặc biệt, Chính phủ cần đánh giá khả năng thích ứng, xác định điểm yếu khi hội nhập để kịp thời tạo hành lang pháp lý cho các DN nhỏ và vừa hoạt động.

Thực tế nền sản xuất nội địa của chúng ta còn đang yếu, năng lực cạnh tranh còn hạn chế thì khi hội nhập sẽ tạo áp lực rất lớn cho thị trường nội địa. Vì vậy, có thể bằng hệ thống pháp luật hoặc bằng các giải pháp kỹ thuật phù hợp để đẩy nhanh sự phát triển lớn mạnh của DN trong nước - ĐB Trần Văn Minh (đoàn Quảng Ninh) đồng quan điểm. ĐB còn lưu ý vấn đề dịch chuyển công nghệ lạc hậu của các nước về Việt Nam; vấn đề dịch chuyển văn hóa cần có sự tính toán chuẩn bị kỹ lưỡng tránh những rủi ro.

Các ĐB đề nghị Chính phủ cần xây dựng kịch bản cụ thể để kịp thời phát huy lợi thế và có giải pháp để khắc phục những khó khăn, thách thức. Trưởng đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Hoàng Trung Hải cũng nhấn mạnh, trong thời điểm đàm phán và ký kết hiệp định thì bí mật nhưng nếu được Quốc hội thông qua thì Chính phủ cần tuyên truyền rộng rãi đến đối tượng chịu tác động trực tiếp của hiệp định, đặc biệt là các DN, để có phương án chủ động, tích cực tham gia vào các cam kết của hiệp định, tránh tình huống bị động, bất ngờ.

Nguyên Anh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/dai-bieu-quoc-hoi-de-nghi-co-phuong-an-chu-dong-ung-pho-rui-ro-khi-tham-gia-cptpp-328928.html