Đại biểu Quốc hội đề nghị mở rộng đối tượng được trao danh hiệu cho nghệ sĩ

Về Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), nhiều Đại biểu đề nghị mở rộng đối tượng được trao danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân hay Nghệ sĩ ưu tú, đồng thời đảm bảo tính công bằng trong công tác khen thưởng.

Giữ nguyên quy định khen thưởng

Về Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), đại biểu Đỗ Văn Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng vẫn cần sửa đổi, bổ sung một số điểm để dự án Luật được hoàn thiện hơn nữa, đảm bảo chất lượng cao.

Đại biểu Đỗ Văn Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

Theo đại biểu, quy định công nhận danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” và “Đơn vị quyết thắng” là chưa phù hợp, không đảm bảo được tiêu chuẩn không khen thưởng nhiều hình thức cho một thành tích đạt được. Do vậy, đại biểu đề xuất giữ nguyên quy định khen thưởng như trong luật hiện hành.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị mở rộng đối tượng được trao danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”. Theo đó, danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú” được xét tặng cho cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật gồm diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, nhạc sĩ, họa sĩ, soạn giả, nhiếp ảnh, nhà văn, kiến trúc sư, phát thanh viên. Bởi việc mở rộng đối tượng trao danh hiệu sẽ thể hiện rõ sự quan tâm, khích lệ, sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước với những người lao động nghệ thuật.

Bày tỏ đồng thuận với việc xét danh hiệu thi đua đối với các nghệ sĩ nhiếp ảnh, kiến trúc, nhiếp ảnh và soạn giả của lĩnh vực sân khấu là đối tượng để xét tặng nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú được quy định tại khoản 1 Điều 66 của dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Thu Đông (đoàn Bạc Liêu) đề nghị Ban soạn thảo cần đưa vào trong Luật danh hiệu Kiến trúc sư nhân dân, Kiến trúc sư ưu tú hoặc phong tặng là Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú vì lao động của kiến trúc sư là lao động sáng tạo.

Đại biểu lý giải mỗi công trình kiến trúc là một tác phẩm lao động nghệ thuật, nhất là công trình mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Mỗi tác phẩm nghệ thuật có thể góp phần làm thay đổi diện mạo của đất nước theo hướng văn minh, hiện đại và giàu bản sắc văn hóa.

Ngoài ra, trong lĩnh vực văn học, có những tác phẩm đạt giải thưởng cao đã đóng vai trò quan trọng vào việc giáo dục nhân cách, lòng yêu nước, giáo dục chân-thiện-mỹ cho Nhân dân. Do đó, nhà văn cũng là nghệ sĩ, chiến sĩ trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Vì vậy, họ cũng nên là đối tượng được xem xét phong tặng nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú hoặc là nhà văn nhân dân, nhà văn ưu tú nếu đáp ứng đủ các tiêu chí theo quy định.

Đảm bảo tính công bằng, tránh dàn trải trong công tác khen thưởng

Đại biểu Lưu Bá Mạc (đoàn Lạng Sơn) bày tỏ sự tán thành đối với dự án Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi) lần này. Cho biết, cơ quan soạn thảo đã rất công phu, khoa học và trách nhiệm trong công tác chuẩn bị và chỉnh lý dự thảo, đại biểu cho rằng, nội dung dự thảo Luật lần này có chất lượng chặt chẽ hơn nhiều so với dự thảo Luật lần trước.

Góp ý về một số nội dung cụ thể, đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc tạo sự thống nhất, đồng bộ giữa nội dung hai khái niệm “sáng kiến”. Một khái niệm “sáng kiến” vừa được bổ sung tại khoản 4 Điều 3 dự thảo Luật và một khái niệm “sáng kiến” đã được quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 13 năm 2012 của Chính phủ quy định về điều động sáng kiến. Đại biểu cho rằng, hiện nay khái niệm như dự thảo Luật lần này đã không yêu cầu tính mới của sáng kiến, nghĩa là nội hàm đã rộng hơn.

Đối với sự khác nhau này thì theo quy định tại khoản 2 Điều 156 của Luật Ban hành văn bản vi phạm pháp luật, sau này sẽ phải áp dụng quy định về “sáng kiến” như dự thảo luật lần này. Khi đó sẽ phải thực hiện sự sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật có liên quan, cụ thể như Nghị định 13 năm 2012 của Chính phủ và Thông tư số 18 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và các văn bản quy phạm pháp luật khác ở địa phương. Trong khi đó, cho đến nay, các quy định hiện hành về sáng kiến vẫn còn tính ổn định và chưa phát sinh bất cập đến mức cần phải sửa đổi.

Ngoài ra, đại biểu Lưu Bá Mạc kiến nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc chỉnh lý và sử dụng thống nhất cụm từ “có khả năng nhân rộng” tại điểm b Khoản 1 trong cả hai Điều 21, 22 của dự thảo Luật về danh hiệu các chiến sỹ thi đua. Đại biểu lí giải, theo Báo cáo số 225 của UBTVQH và tại dự thảo Luật lần này, cụm từ “có khả năng nhân rộng” đã được sử dụng thay cho cụm từ “có phạm vi ảnh hưởng” như tại khoản 2 của cả hai Điều 21, 22. Do đó, đại biểu đề nghị cần có sự thống nhất như vậy đối với nội dung liên quan tài khoản 1 của cả hai Điều 21, 22 của dự thảo Luật này.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh

Phát biểu góp ý vào dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) bày tỏ đồng tình cao với các quan điểm xây dựng Luật; và các nội dung của Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội.

Tuy nhiên, để đảm bảo hạn chế thấp nhất những vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện, nhất là đối với những nội dung mới trong dự thảo Luật, đại biểu bày tỏ quan điểm đồng tình đối với việc xét tặng Huy chương thanh niên xung phong vẻ vang, tuy nhiên dự thảo luật cần xem xét quy định về thời gian 2 năm liên tục trong điều kiện xét tặng.

Đại biểu cho rằng, nếu như giữ nguyên quy định như trong dự thảo Luật thì sẽ có một số trường hợp không tương thích, một số trường hợp cống hiến, đã có thành tích xứng đáng được tôn vinh, được nêu gương thanh niên xung phong nhưng không đủ điều kiện thời gian để xét khen thưởng ngay từ đầu.

Bên cạnh đó, để đảm bảo nguồn cái quan điểm thành tích đến đâu thì khen thưởng đến đó trong công tác thi đua, khen thưởng, đại biểu đề nghị dự thảo Luật bổ sung quy định về phong hạng trong tặng thưởng Huy chương chương thanh niên xung phong vẻ vang để đảm bảo tính công bằng, tránh dàn trải trong công tác khen thưởng.

Ngọc Trang - Hải Minh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thoi-su/dai-bieu-quoc-hoi-de-nghi-mo-rong-doi-tuong-duoc-trao-danh-hieu-cho-nghe-si-hyIdyM9nR.html