Đại biểu Quốc hội: Đề xuất kiểm toán việc tăng giá điện

Nhiều đại biểu Quốc hội chưa đồng tình với báo cáo của Chính phủ về việc tăng giá điện và đề nghị kiểm toán để cử tri được yên tâm.

Trong phiên thảo luận ở tổ sáng nay, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) đề xuất cần giảm xuống chỉ còn 3 bậc giá điện. Cụ thể: Bậc 1 từ 0 đến 100 kWh, bậc 2 là từ 101-300 kWh và bậc 3 là từ 301 kWh trở lên.

"Nhu cầu sử dụng điện của người dân ngày càng tăng lên, do thu nhập được cải thiện, điều kiện sinh hoạt cũng hơn trước, do đó định mức bậc thang phải có sự thay đổi. Như vậy, việc tăng giá điện mới không làm ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân", đại biểu Ngân nói.

 Đại biểu Trần Hoàng Ngân.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân.

Không đồng tình với 6 bậc thang tính giá điện hiện nay, đại biểu Ngân dẫn ra thực tế, hiện Nhật Bản, Hàn Quốc cũng chỉ áp dụng 3 bậc giá, Indonesia áp dụng 5 bậc giá, và đề nghị Chính phủ, Bộ Công thương sớm nghiên cứu, chỉnh sửa.

"Cái gì chưa hợp lý thì sửa...Bậc thang tính giá điện phải thay đổi để mức tăng giá điện 8,36% không ảnh hưởng nhiều đến người dân", vị đại biểu TP.HCM nói.

Trả lời phỏng vấn VTC News ngày 21/5, ông Nguyễn Quang Tuấn, đại biểu TP Hà Nội cũng cho rằng định mức tính bậc 1 (0-50kWh) là quá thấp, không phù hợp với mức sinh hoạt với đa số người dân.

"Định mức đó bây giờ chỉ đủ để dùng 1 bóng đèn, 1 cái quạt trong 1 tháng", đại biểu Tuấn nhận định.

Ông Tuấn đề xuất Chính phủ, Bộ Công thương cần có báo cáo chi tiết, phân tích tác động của giá điện đến từng đối tượng, điểm nào chưa hợp lý thì nên điều chỉnh lại.

Vị đại biểu Quốc hội này cũng đề nghị nâng gấp đôi định mức bậc 1, lên 100 kWh, để đáp ứng đúng nhu cầu tiêu dùng điện của người dân.

Bà Lê Thu Hà – Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại.

Việc tăng giá điện cũng được nhiều đại biểu Quốc hội thảo luận tại buổi họp tổ hôm nay. Bà Lê Thu Hà – Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại đề xuất nên để Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán cách tính toán đầu vào giá điện cũng như kinh doanh điện.

Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán việc tăng giá điện để cử tri được yên tâm.

Trong khi đó, đại biểu Lâm Đình Thắng (TP.HCM) cho rằng báo cáo của Bộ Công thương cho thấy việc tăng giá điện là minh bạch, đúng quy trình. Tuy nhiên, Bộ Công thương phản ứng quá chậm, chưa kịp thời, chưa đầy đủ với vụ việc nóng gây dư luận xã hội, khiến dự luận nghi ngờ Bộ Công thương và ngành điện lực chỉ đang biện minh.

Tại sao lại lựa chọn mức tăng giá điện 8,36%?

Theo Chính phủ, ngày 29/1, Bộ Công Thương có báo cáo tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phương án điều chỉnh giá điện năm 2019 và đưa ra 3 phương án tăng giá 7,31%; 8,36% và 9,26%.

Sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận chủ trương điều chỉnh giá bán lẻ điện năm 2019 theo phương án tăng 8,36% so với mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành và yêu cầu Bộ Công Thương lựa chọn thời điểm thích hợp trong khoảng từ ngày 15/3 đến 30/3 để thực hiện.

Sau đó, Bộ Công Thương đã quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân lên mức 1.864,44 đồng/kWh.

Theo Chính phủ, việc cân nhắc lựa chọn thời điểm tăng giá (từ 15 đến 30/3) là theo đề xuất của liên bộ và Tổng cục Thống kê. Theo quy luật, chỉ số CPI thường tăng cao vào tháng 2 (dịp nghỉ tết Âm lịch) và sẽ giảm mạnh trong tháng 3, nên sẽ không tác động nhiều đến chỉ số CPI bình quân cả năm và kiềm chế được lạm phát kỳ vọng.

Ngoài ra, theo đánh giá của liên Bộ Công Thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Tổng cục Thống kê, dự kiến điều chỉnh giá điện bán lẻ bình quân tăng bình quân 8,36% vào ngày 20/3 sẽ làm CPI cả năm tăng 0,3%.

Mặt khác, việc cân nhắc thời điểm điều chỉnh giá điện vào ngày 20/3 đã được Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá tính toán tổng thể để đồng bộ với các điều chỉnh về giá xăng dầu, giá dịch vụ y tế, học phí, dự kiến CPI của tháng 3 và cả năm nhằm đảm bảo CPI 2019 trong khoảng 3,3-3,9% (thấp hơn mức 4% chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua).

Chính phủ cũng nhấn mạnh phương án giá bán lẻ điện bình quân đã thực hiện chưa bao gồm khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện dự kiến năm 2018 của các nhà máy điện (khoảng 3.266 tỷ đồng) vào năm 2019. Nếu bổ sung thêm chi phí này, tổng chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện là 7.090,8 tỷ đồng.

Khi đó giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 sẽ là khoảng 1.879,90 đồng/kWh, tương ứng tỷ lệ tăng giá so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành là 9,26%. Để tránh tác động lớn đến chỉ số CPI và để ổn định kinh tế vĩ mô, Thường trực Chính phủ đã lựa chọn phương án tăng 8,36%.

Nguồn VTC: https://vtc.vn/dai-bieu-quoc-hoi-de-xuat-kiem-toan-viec-tang-gia-dien-d476296.html