Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh đề nghị thành lập cơ quan quản lý quỹ phòng chống thiên tai cấp huyện

Tại phiên họp cuối của đợt thảo luận trực tuyến (từ 20 - 28/5), đại biểu Trần Đình Gia - Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh đã tham gia góp ý dự án Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều (sửa đổi).

Phiên họp ngày 28/5 của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Chiều 28/5, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV tiếp tục làm việc dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.

Các đại biểu được nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều (gọi tắt là dự thảo luật).

Theo đó, dự thảo luật gồm 3 Điều. Nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu tập trung vào nguồn nhân lực cho phòng, chống thiên tai; nguồn tài chính cho phòng, chống thiên tai; bổ sung một số loại hình thiên tai; điều tra cơ bản trong phòng, chống thiên tai; kế hoạch phòng, chống thiên tai; việc hình thành Quỹ Phòng, chống thiên tai và quy định quản lý thu chi của Quỹ; thẩm quyền vận động quyên góp, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai; quy định về cấp phép nạo vét luồng lạch đối với đê từ cấp III trở lên và việc sử dụng bãi nổi, cù lao.

Đại biểu Trần Đình Gia - Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh thảo luận các nội dung liên quan tới Luật Phòng chống thiên tai.

Tham gia thảo luận về nội dung Luật Phòng chống thiên tai (PCTT), đại biểu Trần Đình Gia - Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh đề nghị nên nghiên cứu, xem xét cho thành lập cơ quan quản lý quỹ phòng chống thiên tai cấp huyện (hình thức kiêm nhiệm, không bổ sung biên chế) tại Khoản 1, Điều 10.

“Việc xây dựng kế hoạch, thu và nộp Quỹ Phòng chống thiên tai hằng năm chủ yếu ở cấp huyện thực hiện. Cấp huyện quản lý 20% nguồn thu Quỹ, trong trường hợp xảy ra thiên tai sẽ giúp chính quyền địa phương nhanh chóng triển khai công tác hỗ trợ, khắc phục hậu quả”, đại biểu Trần Đình Gia lý giải.

Đại biểu cũng trăn trở: quy định “Chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện; tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa thủy lợi có trách nhiệm lập và rà soát, điều chỉnh, bổ sung hằng năm phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp” tại Nghị định 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ chưa đồng bộ, thống nhất với Điều 22, Luật PCTT.

Đại biểu Trần Đình Gia: Cần nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể về phương án ứng phó với thiên tai đối với các hồ chứa thủy lợi, thủy điện.

Theo đại biểu Trần Đình Gia, quy định “nghiêm cấm các hoạt động khác gây cản trở dòng chảy và thoát lũ nhưng không có biện pháp xử lý, khắc phục” theo khoản 4, Điều 12 rất khó thực hiện, bởi lẽ, trên thực tế không có quy định cụ thể các biện pháp xử lý, khắc phục. Trên cơ sở đó, đề nghị quy định rõ, không mang tính định lượng.

Ngoài ra, tại mục b, khoản 2, Điều 33, đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung “Chủ tịch UBND các cấp quyết định sử dụng nguồn quỹ phòng, chống thiên tai của địa phương để cứu trợ khẩn cấp và hỗ trợ trung hạn theo quy định về quỹ phòng, chống thiên tai”.

Đối với Luật Đê điều, tại Điều 26, đại biểu Trần Đình Gia đề nghị định nghĩa rõ về các loại công trình như công trình quốc phòng - an ninh, công trình giao thông, công trình ngầm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội...

Cuối phiên thảo luận, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra đã phối hợp báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Thùy Dương

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/chinh-tri/dai-bieu-quoc-hoi-ha-tinh-de-nghi-thanh-lap-co-quan-quan-ly-quy-phong-chong-thien-tai-cap-huyen/192902.htm