Đại biểu Quốc hội: 'Hiếm quốc gia nào phân bổ mỗi tỉnh thành một dự án như Việt Nam'

So sánh với kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, số lượng các dự án trong kế hoạch đầu tư của chúng ta thực sự là rất lớn và cũng 'hiếm ở quốc gia nào có phương pháp phân bổ mỗi tỉnh thành phố có một dự án'.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội).

Thảo luận tại Nghị trường sáng ngày 29/10, Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) đã đề cập đến 2 vấn đề được coi là những khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư công.

Vấn đề thứ nhất được Đại biểu nhắc đến liên quan đến tính dàn trải trong thực hiện kế hoạch đầu tư công. Theo đó, bà Mai cho rằng, khi đánh giá việc thực hiện kế hoạch đầu tư công thì cụm từ "đầu tư dàn trải" dường như quen thuộc và là một hạn chế lớn cần phải vượt qua.

"Như Quốc hội cũng biết tổng mức đầu tư sau giai đoạn 2016 - 2020 là 2 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, tương đương với số vốn này số dự án của chúng ta là không nhỏ, là 9.620 dự án. Hiện nay ở rất nhiều địa phương số lượng các dự án dở dang thiếu vốn là rất lớn, đó cũng là nỗi trăn trở của nhiều địa phương. Đặc biệt đối với nguồn trái phiếu Chính phủ 64 tỉnh thành phố, mỗi tỉnh thành phố được phân bổ một dự án trong số 260 nghìn tỷ đồng", bà Mai cho biết.

Theo bà Mai, so sánh với kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, số lượng các dự án trong kế hoạch đầu tư của chúng ta thực sự là rất lớn và cũng "hiếm ở quốc gia nào có phương pháp phân bổ mỗi tỉnh thành phố có một dự án".

Đại biểu dẫn kinh nghiệm của các nước cho thấy, nguồn lực đầu tư từ phía nhà nước hầu như chỉ tập trung vào những dự án có tác động lan tỏa, có tính tác động toàn xã hội. Ví dụ, ở Úc, trong năm 2018 kế hoạch đầu tư công trung hạn chỉ tập trung cho bốn dự án lớn, đó là dự án sân bay Tây Sydney, dự án Melbourne và một số các dự án khác. Ở Hàn Quốc, trong số 20 dự án cao tốc thì có tới 15 dự án được đầu tư bởi các thành phần kinh tế tư nhân.

"Còn ở Việt Nam, nếu chúng ta làm phép chia một cách cơ học, lấy tổng số nguồn lực và chia các dự án thì thấy rằng mong muốn để có được những dự án quy mô lớn thực sự rất khó khăn", bà nói.

Bà Mai cho rằng, qua giám sát thực tế tại các địa phương và cũng qua lắng nghe ý kiến của các đại biểu tại hội trường trong mấy ngày qua có thể cảm nhận được những mong muốn của các địa phương là hoàn toàn chính đáng, nhu cầu là cần thiết. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lực khó khăn, nợ công vẫn ở mức cao, bội chi lớn, lãi suất ngày một tăng, bắt buộc chúng ta phải có sự lựa chọn theo hướng tập trung, tránh dàn trải.

"Công bằng là nguyên tắc quan trọng đã được đề cập ở hầu hết các nghị quyết về phân bổ ngân sách. Tuy nhiên, công bằng không có nghĩa là cào bằng, có trọng tâm không có nghĩa chỉ một số các dự án, một số địa phương được chú trọng mà thực sự cần có một trật tự ưu tiên phù hợp với tính cấp thiết tại từng thời điểm, có lộ trình thích hợp để dần dần hoàn thành bức tranh đầu tư công trên phạm vi toàn quốc", bà nhấn mạnh.

Vấn đề thứ hai được bà Mai đề cập đến là tính hiệu quả hay còn gọi là kết quả đầu ra của các dự án. Theo báo cáo của Chính phủ thời gian qua số lượng các dự án hoàn thành rất lớn. Trong giai đoạn 2011-2015 tổng số dự án hoàn thành là 1.789 dự án, nếu tính đến hết năm 2018 số lượng sẽ là 6.290 dự án.

"Tuy nhiên, xét dưới giác độ kết quả đầu ra, hiện nay chưa có báo cáo nào khẳng định là tất cả các dự án đều mang lại hiệu quả thiết thực. Trong hàng nghìn công trình hoàn thành có bao nhiêu công trình hiệu quả cao, bao nhiêu công trình hiệu quả thấp, bao nhiêu công trình chưa hiệu quả? Hiện nay chúng ta chưa có câu trả lời chính xác", bà nói.

Đồng thời cho rằng, nhiều năm qua khâu phân bổ nguồn lực đã được chú trọng, song khâu đánh giá hiệu quả sau đầu tư thực sự chưa được quan tâm. Ngay cả trong hệ thống văn bản pháp luật thì các quy định chỉ mới tập trung ở phê duyệt, thẩm định, phân bổ mà thiếu vắng các quy định về trách nhiệm, hiệu quả sau đầu tư, đặc biệt là thiếu các quy định về tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu ra.

LÂM AN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thoi-su/dai-bieu-quoc-hoi-hiem-quoc-gia-nao-phan-bo-moi-tinh-thanh-mot-du-an-nhu-viet-nam-3477351.html