Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân: Cán bộ 'không hành động, không làm gì cả' cũng là vi phạm pháp luật

Theo Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân: Cán bộ, công chức không hành động, không làm gì cả cũng là một hành vi vi phạm pháp luật. Vì trong quan hệ pháp luật, hành vi bao gồm hành động và không hành động. Không hành động là không thực hiện bổn phận, nghĩa vụ mà Nhà nước giao cho, cần phải xử lý.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, trong ngày 31/5 và 1/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023. Một trong những vấn đề làm “nóng” nghị trường, đó là tình trạng cán bộ “không dám làm, sợ chịu trách nhiệm”.

Thảo luận trước Quốc hội, Đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc do còn tình trạng cán bộ không dám làm, sợ chịu trách nhiệm. Đại biểu cho rằng, việc chậm giải quyết các công việc, thủ tục hành chính đã làm ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị. Nếu tình trạng kéo dài sẽ làm giảm hiệu lực quản lý của nhà nước, giảm lòng tin của nhân dân.

 Đại biểu Trần Khánh Thu nêu quan điểm.

Đại biểu Trần Khánh Thu nêu quan điểm.

Nữ Đại biểu Quốc hội cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, trong đó, nguyên nhân khách quan là pháp luật có những điểm thiếu cụ thể, chưa đồng bộ, chưa có quy định trách nhiệm rõ ràng và quy định cụ thể về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Đại biểu cho biết, cần tập trung rà soát bất cập, sửa đổi những quy định của pháp luật có liên quan theo hướng rõ ràng, minh bạch, đồng bộ hơn, có hành lang pháp lý bảo vệ cán bộ, công chức, khuyến khích tinh thần dám đương đầu khó khăn, dám tạo đột phá. Công tác đánh giá cán bộ cũng cần phải được đổi mới, cách đánh giá cần giúp người được giao việc, nhất là việc mới, việc khó vững tâm tin rằng, nếu mình làm vì lợi ích chung thì sẽ được nhìn nhận đúng.

Ngoài ra, Đại biểu Trần Khánh Thu kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các cơ quan khẩn trương hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn các quy định rõ ràng về tự chủ trong y tế, để khắc phục những bất cập trong vấn đề này.

Đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định) tranh luận.

Đăng đàn tranh luận, Đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định) nêu rõ, tình trạng cán bộ sợ sai, không dám làm nên bỏ bê công việc là vấn đề có thật trên thực tế. Tuy nhiên, các ý kiến phát biểu tại phiên họp là chưa đủ hoặc chưa chỉ rõ nguyên nhân nhạy cảm nhất.

Theo Đại biểu Vũ Trọng Kim, bên trong cán bộ sợ sai, bên ngoài dân chúng thở dài lo âu. Tuy nhiên, Đại biểu cho rằng, vấn đề sợ sai chưa đề cập tới mức, đã sợ sai còn né tránh, đùn đẩy, cái gì thuận lợi thì nhận vào bản thân, còn khó khăn thì đẩy cho tổ chức, người khác và bên ngoài...

Đại biểu nêu rõ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng nói rõ về những biểu hiện này và chỉ rõ các nguyên nhân. Theo đó, một bộ phận cán bộ sợ rằng cuộc đấu tranh chống tham nhũng mạnh lên thì cán bộ nhụt chí, không dám làm. Đây là nguyên nhân nhạy cảm nhất mà các vị Đại biểu Quốc hội chưa thấy đề cập tới.

Do đó, Đại biểu Vũ Trọng Kim đề nghị, các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và các cơ quan liên quan khác chịu trách nhiệm liên đới về những sai sót của tổ chức, cơ quan, đơn vị có sai phạm để đảm bảo công bằng. Đại biểu nhấn mạnh “phạt ba thẻ vàng cộng lại thành một thẻ đỏ, nếu cứ phạt thẻ đỏ như này sẽ rất nguy hiểm”.

Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) tranh luận làm "nóng" nghị trường xung quanh vấn đề "cán bộ không dám làm, sợ trách nhiệm".

Cũng tại phiên họp, Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đã phát biểu tranh luận với Đại biểu Vũ Trọng Kim về hiện tượng một bộ phận cán bộ, công chức e ngại trong thực hiện công vụ. Theo Đại biểu Lê Thanh Vân, việc cán bộ, công chức không hành động, không làm gì cả cũng là một hành vi vi phạm pháp luật. Vì trong quan hệ pháp luật, hành vi bao gồm hành động và không hành động, không hành động là một bất tắc vi, trong trường hợp này là không thực hiện bổn phận, nghĩa vụ mà Nhà nước giao cho, đó là hành vi vô trách nhiệm, vi phạm pháp luật, cần phải xử lý.

Đại biểu Lê Thanh Vân phân tích, có 3 trường hợp không hành động. Trường hợp thứ nhất là do thiếu hiểu biết nên không hành động; trường hợp thứ hai là do không có lợi nên không hành động; trường hợp thứ ba là biết nhưng sợ nên không hành động. Đại biểu nhấn mạnh, cả 3 trường hợp này đều không thực hiện được nghĩa vụ pháp luật, Nhà nước, nhân dân giao phó. Do vậy, cần phải xử lý hành vi này dựa trên tính chất, mức độ, hậu quả gây ra.

N.Hường

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dai-bieu-quoc-hoi-le-thanh-van-can-bo-khong-hanh-dong-khong-lam-gi-ca-cung-la-vi-pham-phap-luat-post249948.html