Đại biểu Quốc hội lo các dự án BT biến tướng thành giao dịch ngầm

Với việc có tới 90% các dự án BT là chỉ định thầu, đại biểu Mai Sỹ Diễn (đoàn Thanh Hóa) lo ngại dự án BT có thể biến tướng thành giao dịch ngầm giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước.

Thảo luận tại hội trường về hiêu quả của các dự án đầu tư công, đại biểu Mai Sỹ Diến (đoàn Thanh Hóa) đặc biệt lo ngại khi dẫn con số từ báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho thấy 90% các dự án BT lựa chọn nhà đầu tư qua chỉ định thầu. Theo đại biểu Mai Sỹ Diến, dự án BT có thể biến tướng thành giao dịch ngầm giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước.

Ông Mai Sỹ Diến dẫn chứng, qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước cũng đã kiến nghị thu hồi 4.515 tỷ đồng qua các dự án BT. Nhiều dự án, nhà đầu tư được giao nhiều khâu như lập dự án, lập dự toán đầu tư, thẩm định dự án, giám sát dự án… Điều này có thể dẫn đến không đảm bảo tính khách quan, gây thất thoát cho ngân sách.

Đại biểu Quốc hội Mai Sỹ Diến (đoàn Thanh Hóa)

Trước thực tế đó, đại biểu Mai Sỹ Diến đề nghị Chính phủ cần cân nhắc và báo cáo Quốc hội về việc thực hiện dự án BT có thực sự giảm gánh nặng cho ngân sách hay không và có nên thực hiện tiếp hay không? Có cần thiết phải có thể chế mới về hình thức đầu tư này hay không?

Liên quan đến các dự án BT, tại Kỳ họp trước (tháng 6/2018), trong phiên chất vấn với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, đại biểu Quách Thế Tản đoàn Hòa Bình) đã từng dẫn số liệu này về việc Tổng kiểm toán Nhà nước đã tiến hành kiểm toán 30 dự án, qua kiểm toán thấy rằng có nhiều vi phạm và đã kiến nghị xử lý tài chính 4.500 tỷ đồng. Đại biểu Tản cho rằng, cần đặc biệt lưu ý các dự án BT chủ yếu sử dụng hình thức chỉ định thầu.

"Hình thức này dẫn đến tiềm ẩn rủi ro trong vấn đề quản lý tài chính, thất thu ngân sách, quản lý nguồn lực và dẫn đến cả vấn đề tham nhũng, lợi ích nhóm. Chúng tôi muốn biết Chính phủ xử lý vấn đề này như thế nào? Trong năm 2018 trở đi khắc phục ra sao?" - đại biểu Quách Thế Tản đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thừa nhận, “”đại biểu đã nêu một thực trạng rất đúng thông qua các báo cáo kiểm toán". Theo đánh giá của Phó Thủ tướng, trong nhiều dự án đầu tư công được thực hiện rất tốt nhưng cũng không ít các dự án có những yếu kém, những sai sót và kể cả những sai phạm.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho biết, Chính phủ và Thủ tướng cũng đang yêu cầu phải thực hiện nghiêm theo Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị về việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong lĩnh vực chi tiêu ngân sách, nhất là trong lĩnh vực đầu tư công.

Cuối tháng 7/2018 vừa qua, Bộ Tài chính đã đề nghị UBND TP Hà Nội rà soát việc chấp thuận chủ trương sử dụng tài sản công (quỹ đất) để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT).

Theo Bộ Tài chính, Bộ này đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (Tờ trình Chính phủ số 145/TTr-CP ngày 06/10/2017). Trong khi Nghị định chưa được ban hành, để xử lý các vấn đề chuyển tiếp trong thời gian một số văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công chưa được ký ban hành, Bộ Tài chính đề nghị UBND thành phố Hà Nội rà soát việc chấp thuận chủ trương sử dụng tài sản công (quỹ đất) để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao để bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật và ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ.

Trước đó, UBND TP. Hà Nội quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 5 dự án về hạ tầng giao thông theo hình thức BT, thanh toán bằng quỹ đất cho các nhà đầu tư gây nhiều xôn xao trong dư luận.

Cụ thể, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ đê sông Hồng đến Khu đô thị mới C2 - Gamuda Gardens; Dự án xây dựng các tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các khu đô thị dân cư quận Hà Đông; Dự án xây dựng tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên, đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường Vành đai 2,5; Dự án xây dựng tuyến đường từ đường Lê Trọng Tấn đến đường Vành đai 3) theo hình thức hợp đồng BT; thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT.

Ngoài ra, Hà Nội cũng dự thực hiện xây dựng nhiều cây cầu bắc qua sông Hồng theo hình thức BT.

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201810/dai-bieu-quoc-hoi-lo-cac-du-an-bt-bien-tuong-thanh-giao-dich-ngam-617987/