Đại biểu Quốc hội lo lắng nghệ sĩ Việt quảng cáo sai sự thật tràn lan

Theo đại biểu Quốc hội, vừa qua, tình trạng nghệ sĩ Việt quảng cáo sai sự thật, được báo chí lên án nhưng chế tài chưa được xây dựng đầy đủ.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 10/11, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam

Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam

Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh - đoàn Quảng Nam cho biết, khi xảy ra tranh chấp, giữa người bán và người mua trải qua quá trình thương lượng nhưng lại thiếu các quy định rõ ràng khiến kết quả không đạt như mong muốn.

Đôi khi, thương lượng lại trở thành cái bẫy cho người tiêu dùng, thậm chí đưa họ vào vòng lao lý. Do đó, đại biểu kiến nghị cần xem xét bổ sung một số quy định quan trọng như trình tự, thủ tục, nguyên tắc thương lượng… vào trong dự thảo.

Nữ Đại biểu Quốc hội cũng chia sẻ bức xúc liên quan tới vấn đề bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Hàng năm hầu như đều ghi nhận các vụ việc an toàn thực phẩm, quy mô lớn, hoang mang dư luận.

Chưa kể các loại thực phẩm bẩn, kém chất lượng tràn lan trên thị trường. Thực tế, thực phẩm bẩn không đảm bảo chất lượng có thể không gây nguy hại ngay tới sức khỏe, chẳng khác nào mang tiền mua bệnh mà không biết phải đối mặt với nhiều tác hại, bệnh tật, thậm chí là nguyên nhân của ung thư.

Trong trường hợp này, theo bà Đặng Thị Bảo Trinh, người tiêu dùng cần được pháp luật bảo vệ theo hướng: Tổ chức, cá nhân, sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, nguyên liệu thực phẩm kém chất lượng phải có trách nhiệm bồi thường cho người tiêu dùng mà không cần minh chứng bằng hậu quả.

Đại biểu đoàn Quảng Nam cũng chỉ ra, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn tồn tại do còn một bộ phận người dân quan tâm mua hàng giá rẻ, người bán hàng “thổi phồng” công dụng của sản phẩm, đánh lừa người tiêu dùng. Do đó, hàng xanh, sạch khó có thể cạnh tranh với hàng giả, nhái kém chất lượng.

Nhiều mô hình thanh niên khởi nghiệp với sản phẩm nông nghiệp xanh, sạch nhưng lại gặp nhiều khó khăn do sản phẩm luôn có giá thành cao. Trong khi người dân chủ yếu quan tâm tới hàng rẻ, đẹp mà ít quan tâm tới chất lượng.

Đại biểu chỉ ra, để diễn biến tình trạng này, có một phần trách nhiệm của cơ quan quản lý, người kinh doanh sản xuất và người tiêu dùng khi còn quá dễ dãi với hàng giả, hàng nhái. “Vì vậy, dự thảo luật cần xem xét, quy định rõ trách nhiệm người tiêu dùng trong trường hợp xảy ra hậu quả mà người tiêu dùng có lỗi khi không thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ đã được quy định tại khoản 1, Điều 16 của dự thảo Luật” - đại biểu đề xuất.

Một vấn đề khác được đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh nêu lên là trên môi trường mạng, các nền tảng quảng cáo, ứng dụng giải trí dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng như Facebook, Youtube, Tiktok… tình trạng quảng cáo thực phẩm tràn lan, đặc biệt là quảng cáo thuốc, dược phẩm với sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng,

"Vừa qua, tình trạng nghệ sĩ Việt quảng cáo sai sự thật, được báo chí lên án nhưng chế tài chưa được xây dựng đầy đủ" - đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh nhấn mạnh, đồng thời, đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung hành vi quảng cáo sai sự thật là hành vi cấm, các công ty, tổ chức, cá nhân quảng cáo đều phải chịu trách nhiệm về những thông tin quảng cáo của mình.

Đại biểu Trần Thị Vân - đoàn Bắc Ninh cho hay, khoản 3 Điều 34 quy định rằng, việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự, tuy nhiên, không phải lúc nào thiệt hại cũng có thể xác định được ngay khi người tiêu dùng xử lý hàng hóa để áp dụng pháp luật về dân sự.

Để việc thực hiện bồi thường thiệt hại kịp thời, đại biểu đoàn Bắc Ninh đề nghị cần bổ sung Điều 34 một khoản quy định, phải áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra cho người tiêu dùng không chỉ khi có thiệt hại thực tế xảy ra, mà ngay cả khi thiệt hại chưa xảy ra trên thực tế.

Về việc quy định liên quan đến miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra, dự thảo Luật quy định: Khi chứng minh được khuyết tật của sản phẩm, hàng hóa không thể phát hiện được với trình độ khoa học, kỹ thuật tại thời điểm tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp cho người tiêu dùng.

Theo đại biểu, quy định như vậy còn bất cập, sơ hở, không đảm bảo bảo vệ đầy đủ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Vì vậy, đề nghị sửa khoản1 Điều 35 này thành: Miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra khi chứng minh được khuyết tật sản phẩm hàng hóa không thể phát hiện được với trình độ khoa học kỹ thuật của thế giới tính đến thời điểm hàng hóa gây ra thiệt hại.

"Quy định như vậy sẽ buộc các doanh nghiệp không ngừng nâng cao quản lý chất lượng, có trách nhiệm hơn với sản phẩm và quyền lợi của người tiêu dùng" - đại biểu nói.

Quỳnh Nga - Lan Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dai-bieu-quoc-hoi-lo-lang-nghe-si-viet-quang-cao-sai-su-that-tran-lan-226497.html