Đại biểu Quốc hội lo ngại tình trạng xử lý cán bộ vi phạm kiểu 'tặng quà'

Cán bộ mà không có phẩm chất thì cần phải đưa ra khỏi bộ máy mà Đảng đang muốn làm trong sạch bộ máy này. Nếu xử lý như thế, tôi cho rằng đánh bùn sang ao, cử tri và nhân dân không tin tưởng.

Tiếp tục phiên chất vấn của Quốc hội, nhiều đại biểu đã bày tỏ lo ngại về công tác cán bộ, xử lý cán bộ vi phạm.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, trong các trường hợp mà Bộ Nội vụ kiểm tra và xử lý, ông rà từ trên xuống dưới, thấy có điệp khúc duy nhất là rút kinh nghiệm. Tình trạng này là xử lý không nghiêm đối với cán bộ.

“Gần đây rộ lên thông tin mà dư luận, đã có tình trạng dư luận rất bất bình về câu chuyện ở Thanh Hóa bổ nhiệm đồng chí nguyên Phó Chủ tịch vào chức Ủy viên trực Tổ trưởng tổ giúp việc về vấn đề quy hoạch đô thị và nhà ở. Tôi đã có ý kiến và mọi người cho rằng đấy không vào chức gì.

Gần đây ở Trà Vinh cũng xử lý, cuối cùng chuyển sang Trưởng ban Quản lý Khu công nghiệp, người ta cảm giác xử lý bên trên rất nghiêm trọng nhưng bên dưới thì như tặng quà. Tôi cho rằng như thế không nghiêm, cán bộ mà không có phẩm chất thì cần phải đưa ra khỏi bộ máy mà Đảng đang muốn làm trong sạch bộ máy này. Nếu xử lý như thế, tôi cho rằng đánh bùn sang ao, cử tri và nhân dân không tin tưởng”, đại biểu nói.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đề nghị xử lý nghiêm cán bộ vi phạm

Sau phát biểu của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ và tất cả các Bộ trưởng đều nghiêm túc nghiên cứu về công tác cán bộ.

Cũng liên quan đến công tác cán bộ, đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) đề cập đến việc bổ nhiệm chức danh "hàm" ở các cơ quan trung ương mà dư luận quan tâm từ khóa trước tới nay đã giải quyết và xử lý đến đâu?

“Nếu việc này là đúng pháp luật và đảm bảo tính khoa học, hợp lý thì "hàm" sẽ được triển khai trong thời gian tới như thế nào? Các địa phương có được áp dụng và thực hiện không?”, đại biểu hỏi.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, thực hiện theo Nghị quyết số 87 năm 2014 của Quốc hội khóa XIII có chất vấn về trả lời tại kỳ họp lần thứ 8, Bộ Nội vụ đã có tờ trình số 4607 ngày 8-10-2015 để trình Thủ tướng Chính phủ về vấn đề bổ nhiệm chức danh "hàm" đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Đến ngày 29-10-2015 thì Văn phòng Chính phủ có Công văn số 8922 thông báo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu hình thức ban hành văn bản về "hàm" là quyết định hay nghị định.

Bởi vì Luật Cán bộ, công chức không có quy định về "hàm", do đó bây giờ nếu ban hành quyết định hay nghị định thì đây là nghị định “không có đầu” tức là luật không quy định điều này. Do đó, sau kỳ họp Quốc hội, các địa phương và bộ ngành Bộ Nội vụ thông báo không thực hiện bổ nhiệm chức trần hàm nữa.

Để thực hiện theo Kế hoạch 04 ngày 16-11-2016 của Bộ Chính trị để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và thực hiện Kế hoạch 10 ngày 6-6-2018 của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ chiến lược các cấp.

Ban tổ chức trung ương được giao nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng 1 Đề án về tiêu chuẩn chế độ chính sách với đội ngũ chuyên gia, tiêu chuẩn chế độ trợ lý, thư ký các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trong đó có chức danh hàm.

“Như vậy, Bộ Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương để xây dựng đề án này trình Bộ Chính trị, nếu Bộ Chính trị có ý kiến kết luận, chúng tôi sẽ chỉnh sửa các văn bản pháp luật kèm theo để phục vụ cho việc có hay không có hàm”, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân nói.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/dai-bieu-quoc-hoi-lo-ngai-tinh-trang-xu-ly-can-bo-vi-pham-kieu-tang-qua-125972.html