Đại biểu Quốc hội lo phòng cháy chữa cháy và cứu hộ trong trường học

Phát biểu thảo luận tại hội trường ngày 13/11, về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong các trường học, đại biểu Quốc hội Đặng Thị Phương Thảo (đoàn Nam Định) nhấn mạnh, cần quan tâm tới công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong các nhà trường.

Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận

5 lý do để lo ngại

Dẫn báo cáo số 313 ngày 10/4/2019 mà Bộ GD&ĐT đã gửi tới Văn phòng Quốc hội, đại biểu Đặng Phương Thảo cho biết, thống kê trên toàn quốc trong thời gian từ tháng 7/2014 đến tháng 7/2018 đã xảy ra 15 vụ mất an toàn về công tác phòng cháy, chữa cháy tại các nhà trường dẫn tới bị thương 3 người và làm thiệt hại 650 triệu đồng.

Các vụ việc mất an toàn này tại các nhà trường nhìn chung là thấp, chỉ chiếm khoảng 0,11% trên tổng số vụ của cả nước theo xu hướng giảm dần và không gây ra các hậu quả nghiêm trọng.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, rất cần quan tâm tới công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong các nhà trường, để đảm bảo một cách đồng bộ và quy chuẩn hơn về công tác này đối với toàn xã hội cũng như trên toàn quốc.

Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo đưa ra 5 lý do: Thứ nhất, nguy cơ cháy, nổ có thể tiềm ẩn ngay trong chính các nhà trường, bởi hiện nay cả nước có hơn 33.000 cơ sở giáo dục từ cấp mầm non đến cấp đại học.

Thực tế đáng lo ngại là, tại một số trường học việc chấp hành các quy định phòng cháy, chữa cháy chưa được nghiêm túc, mà vốn dĩ trong nhà trường lại có nhiều những vật dụng thiết bị dễ gây cháy như: bàn, ghế, hệ thống phòng chức năng, thiết bị thí nghiệm hay máy vi tính.

Bên cạnh đó, tại các trường bán trú còn có hệ thống bếp ăn, nếu không được vận hành đúng quy chuẩn, dễ tăng nguy cơ cháy, nổ, mất an toàn.

Thứ hai, với những trường học đặt tại khu mật độ dân cư hoặc giao thông dày đặc thì khả năng cháy, nổ, nếu xuất phát từ các hộ dân hay cơ sở kinh doanh lân cận cũng dễ ảnh hưởng và lan rộng sang các khu vực trường học khi không ngăn chặn được kịp thời.

Thứ ba, tại các thành phố, nhiều cơ sở giáo dục, nhóm lớp tư thục không được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy do sử dụng thay đổi công năng từ nhà dân thành lớp học. Ngoài ra, cũng tại một số trường học, cơ sở vật chất hoặc thiếu thốn hoặc đã xuống cấp về cơ bản không đáp ứng được yêu cầu của công tác này.

Thứ tư, một đặc điểm dễ nhận thấy của trường học là nơi mà bản thân nhà trường đã có mật độ người đông, chẳng hạn như: Đối với một trường phổ thông với quy mô từ 20 đến 30 lớp thì tổng số giáo viên, nhân viên và học sinh của nhà trường đã là trên dưới 1.000 người;

Từ đó dẫn tới thoát hiểm, cứu hộ và cứu nạn sẽ khó khăn và phức tạp. Ở các trường mầm non, với số trẻ vượt quá mức quy định mà đội ngũ chủ yếu lại là nữ thì việc xử lý bước đầu khi xảy ra cháy, nổ sẽ càng lúng túng hơn.

Thứ năm, cũng từ đặc điểm đó, các vụ cháy nổ nếu không được khắc phục kịp thời thì số nạn nhân sẽ lớn. Đối với các trường mầm non, tiểu học hậu quả sẽ càng nặng nề và thương tâm hơn khi nạn nhân không may là trẻ em.

Không thể không quan tâm

Từ những phân tích trên, Đặng Thị Phương Thảo cho rằng, khi xem xét toàn diện về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, không thể không quan tâm đến công tác này trong các nhà trường, nhằm đảm bảo tốt khâu phòng ngừa, tránh để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng.

Đại biểu kiến nghị cần quan tâm 3 vấn đề:

Một là, cần làm tốt, thực chất và hiệu quả công tác tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn tại các nhà trường, không coi đây là phong trào mà cần coi là một hoạt động có tính chất bắt buộc, vì sự an toàn của học sinh và của cả nhà trường. Trong thời gian qua, nhiều nhà trường đã thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền song chất lượng không cao.

Hai là, cần kịp thời chấn chỉnh, quán triệt nhận thức của các cơ sở giáo dục, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu, xử lý nghiêm những trường hợp chủ quan, lơ là với nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy trong nhà trường. Đối với trường học, cơ sở giáo dục tư thục, đặc biệt là các cơ sở mầm non cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, đồng thời đề nghị UBND các cấp kịp thời ra quyết định đình chỉ hoạt động những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Bà là,cần đưa nội dung về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ vào chương trình học tập, cũng như các hoạt động trải nghiệm trong nhà trường cho phù hợp với từng cấp học ngành học theo quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy bắt đầu từ năm học 2021-2022.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/dai-bieu-quoc-hoi-lo-phong-chay-chua-chay-va-cuu-ho-trong-truong-hoc-4046802-v.html