Đại biểu Quốc hội lưu ý 'sai lầm trong xét xử rất khó sửa chữa một cách tuyệt đối'

Tại phiên chất vấn sáng 31/11, đại biểu Quốc hội đã nêu lên một số tồn tại trong trong công tác điều tra, xét xử; đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng công tác này.

 Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Lưu Bình Nhưỡng phát biểu tranh luận. Ảnh: TTXVN

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Lưu Bình Nhưỡng phát biểu tranh luận. Ảnh: TTXVN

Trả lời đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) về chất vấn thời gian xét xử giám đốc thẩm quá dài, khiến người dân mất hy vọng, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết: Đơn gửi giám đốc thẩm, tái phẩm những năm gần đây rất nhiều.

“Theo Hiến pháp, chúng ta xét xử hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm chặt chẽ để tránh lên cấp thứ 3. Nhưng đơn gửi lên cấp giám đốc thẩm rất cao, 2.000 đơn trong 2018. Trong năm chúng tôi giải quyết được 53% số đơn, đây là một kết quả nỗ lực của Hội đồng Thẩm phán”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình thông tin.

Theo Chánh án TAND Tối cao, việc xét xử lên tới cấp giám đốc thẩm thì đã qua nhiều cấp rất mất nhiều thời gian. Đây là cơ hội cuối cùng của người dân nên phải xem xét thận trọng. Về giải pháp, không còn cách nào khác là nâng cao chất lượng xét xử, đội ngũ cán bộ tòa án…

Tranh luận lại Chánh án TAND Tối cao, đại biểu Phạm Trí Thức (Thanh Hóa) nói: Chánh án thông tin trong 2.000 đơn giám đốc thẩm đã giải quyết được 53% như vậy so với các nước là rất lớn, khá tốt. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng như vậy vẫn chưa thỏa đáng.

Theo đại biểu Phạm Trí Thức, điều quan trọng là khi sai lầm thì biết sửa chữa, tuy nhiên, sai lầm trong xét xử rất khó sửa chữa một cách tuyệt đối. Đại biểu nêu ví dụ như vụ án ông Vũ Bá Phê (Phú Yên) tranh chấp một con bê, sau đó tòa xử sai khiến ông tụ tử. Các cơ quan tư pháp phải tốn kém hàng tỷ đồng nhưng cũng không cứu lại được mạng sống của ông Phê.

“Phía sau một lá đơn là số phận một con người, mỗi gia đình, dòng họ, không đơn giản là giải quyết một nửa là tốt lắm rồi”, đại biểu nhấn mạnh.

Về hoạt động của cơ quan điều tra, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) bày tỏ rất ủng hộ cuộc cách mạng trong ngành công an vừa qua, tuy nhiên, đại biểu lưu ý “qua báo cáo, vi phạm của cơ quan điều tra rất khủng khiếp”.

Ông Lưu Bình Nhưỡng nêu dẫn chứng qua các con số: Tỷ lệ không thụ lý tin tố giác 94%; chậm gửi quyết định cho Viện kiểm sát 86%; xử lý tin sau tố giác quá hạn 99,76%... Theo đại biểu thì “đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng” và kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công an có thái độ hết sức nghiêm khắc tới anh em thuộc cơ quan điều tra trong lĩnh vực này.

Chất vấn Viện trưởng Viện KSND Tối cao, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết ông có trao đổi với đồng chí Phó Thủ tướng về vụ phân bón Thuận Phong là “chúng tôi làm rõ vấn đề ở đây không phải là xử lý doanh nghiệp mà làm sao đó để làm rõ, đảm bảo công bằng cho chính công ty và hơn 60 triệu người nông dân. Hay như vụ dệt Long An, các đồng chí cho một cán bộ dưới thẩm quyền trả lời tôi, tôi không đồng ý”, đại biểu đề nghị Viện trưởng Viện KSND Tối cao xem xét lại vấn đề này.

PV

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/thoi-su/trong-nuoc/dai-bieu-quoc-hoi-luu-y-sai-lam-trong-xet-xu-rat-kho-sua-chua-mot-cach-tuyet-doi-47805