Đại biểu Quốc hội mách nhà cung cấp cách đòi tiền Món Huế

Theo đại biểu Nguyễn Đức Sáu, Phó chủ tịch Thường trực Hội Luật gia TP.HCM, người nào cảm thấy Công ty Món Huế đang có dấu hiệu lừa đảo mình thì phải trình báo cơ quan chức năng.

Bên hành lang Quốc hội, Phó chủ tịch Thường trực Hội Luật gia TP.HCM Nguyễn Đức Sáu, đã đưa ra một số lời khuyên với các nhà cung cấp khi đang bị Món Huế nợ tiền sau khi đóng cửa. Ông cho biết chưa tìm hiểu cụ thể vụ việc, nhưng có thể đối chiếu những quy định của pháp luật quy định những trường hợp tương tự.

Theo đại biểu Quốc hội TP.HCM, khi các nhà cung cấp hay bất kỳ đối tượng nào nghi ngờ Món Huế có dấu hiệu lừa đảo, dùng những thủ đoạn gian dối, bịp bợm thì trước hết phải đến trình báo với cơ quan công an. Sau đó, cơ quan công an sẽ bằng nghiệp vụ điều tra, tìm ra sự thật để giúp đòi quyền lợi.

Ông Sáu nhấn mạnh chưa thể có kết luận là chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn hay chưa, chỉ khi nào cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, đưa ra kết luận mới có thể khẳng định.

Đại biểu Nguyễn Đức Sáu. Ảnh: Báo Thanh Tra,

Đại biểu Nguyễn Đức Sáu. Ảnh: Báo Thanh Tra,

“Công an sẽ tìm ra đương sự có phải đang lẩn trốn hay không, có phải dùng những thủ đoạn gian dối, bịp bợm để chiếm đoạt tài sản của công dân hay không. Công an sẽ khởi tố vụ án nếu có dấu hiệu hình sự”, ông Sáu phân tích.

Còn nếu ở mức độ dân sự, vị đại biểu Quốc hội cũng cho rằng người dân hoàn toàn có thể khởi kiện ra tòa nếu bị vi phạm về hợp đồng. Ông phân tích nếu Món Huế đã nhận tài sản của nhà cung cấp, nhưng sau đó họ không thực hiện nghĩa vụ là trả lại tài sản theo cam kết là vi phạm về hợp đồng.

“Dù hợp đồng miệng hoặc hợp đồng văn bản đều có thể khởi kiện ra tòa án. Khi đó, cơ quan chức năng mới thụ lý hồ sơ, điều tra xác minh, từ đó mới có thể trả lại tài sản cho công dân”, ông Sáu nói.

“Trong quá trình cơ quan thụ lý vụ việc, dù là cơ quan điều tra, hay tòa án nhân dân, qua điều tra xác minh mới có thể trả lời được việc doanh nghiệp bỏ trốn hoặc lừa đảo hay không. Không nên phỏng đoán có thể thế này, có thể thế kia”, ông nói.

Trước đó, luật sư Võ Anh Loan (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định nếu nguyên nhân nhà hàng này đóng cửa bắt nguồn từ việc mất khả năng thanh toán do tình trạng kinh doanh sa sút thì các chủ nợ có thể nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Công ty TNHH Món Huế, đề nghị tuyên bố phá sản theo Luật Phá sản 2014.

Lúc đó, việc các chủ nợ đòi được tiền hay không, đòi được bao nhiêu... sẽ phụ thuộc vào số tài sản còn lại của nhà hàng Món Huế.

Ngày 22/10, tất cả chi nhánh Món Huế ở TP.HCM đã đóng cửa và treo biển thông báo trả mặt bằng.

Một số nhà cung cấp cho biết Món Huế nợ thanh toán đơn hàng từ tháng 4. Theo thống kê sơ bộ từ những nhà cung cấp, tổng số nợ đã lên đến hàng chục tỷ đồng.

Hiện tại, các nhà cung cấp đã nộp đơn tố cáo Công ty Huy Việt Nam (chủ sở hữu nhà hàng Món Huế) cho Công an phường Cô Giang (quận 1). Đại diện công an phường cho biết đã tiếp nhận và sẽ chuyển cho Công an quận 1 để giải quyết theo đúng trình tự.

Trưa 24/10, trả lời Zing.vn, đại diện của một nhóm các nhà đầu tư của Công ty Huy Việt Nam cũng cho biết đã thay mặt công ty tiến hành các thủ tục pháp lý khởi kiện ông Huy Nhật, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Công ty tại Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

Trước đó, các nhà đầu tư này cũng đã thành công trong việc xin được lệnh phong tỏa tài sản của ông Huy Nhật từ các cơ quan tài phán ở nước ngoài.

Kể từ năm 2013 đến nay, nhóm các nhà đầu tư nói trên đại diện cho một nhóm các quỹ đầu tư tư nhân quốc tế đã đầu tư vào Huy Việt Nam với tổng số vốn hơn 70 triệu USD. Các thành viên của nhóm bao gồm ADV Partners, AIF Capital, F&H Fenghe, Fortress Investments, Gryphus Capital và Welkin Capital.

Hiếu Công

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/dai-bieu-quoc-hoi-mach-nha-cung-cap-cach-doi-tien-mon-hue-post1005468.html