Đại biểu Quốc hội: Tháo điểm 'nghẽn' trong quy hoạch tạo động lực tăng trưởng

Đại biểu Quốc hội kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành sớm đẩy nhanh tiến độ trình phê duyệt quy hoạch ngành, quốc gia, địa phương làm căn cứ điều chỉnh tạo thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai các dự án.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, sáng 1/6 Quốc hội khóa XV thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023. Các đại biểu kiến nghị việc đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, chỉ rõ những vấn đề trọng tâm còn vướng mắc cần tháo gỡ, đặc biệt là quyết định liên quan đến người dân và DN.

Ý kiến của nhiều đại biểu đã chỉ ra, để thực hiện tốt kế hoạch phát triển KTXH, Quốc hội, Chính phủ đã tổ chức nhiều buổi làm việc, chuyến công tác, tham vấn ý kiến của các hiệp hội DN, chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế; triển khai các tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, tháo gỡ khó khăn trong đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế… giao nhiệm vụ cho từng thành viên Chính phủ trực tiếp làm việc với các chính quyền, cơ quan chính quyền địa phương để nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đây có thể coi là những dấu ấn đậm nét trong công tác điều hành của Chính phủ trong thời gian qua.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang).

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang).

Đồng tình về việc Chính phủ đã đề ra 10 nhóm giải pháp trọng tâm để lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị đặt ra trong năm 2023, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang) quan tâm đến vấn đề quy hoạch và cho biết, hiện nay các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương đang khẩn trương triển khai việc lập quy hoạch theo cấp của mình. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này còn rất nhiều, các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh chưa được phê duyệt, khiến nhiều dự án đang chậm triển khai đầu tư.

“Các quy hoạch có tính chất chuyên ngành kỹ thuật không được lập mới, lại được thực hiện điều chỉnh tích hợp vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành quốc gia theo Nghị quyết 64 của Chính phủ để tiếp tục triển khai thực hiện. Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn để thực hiện tích hợp, điều chỉnh chưa kịp thời, gây khó khăn cho địa phương trong việc xem xét, điều chỉnh tích hợp các nội dung vào quy hoạch tỉnh”, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé nêu thực tế.

Từ đó, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành sớm đẩy nhanh tiến độ trình phê duyệt quy hoạch ngành quốc gia, cũng như hoàn thiện hệ thống các văn bản hướng dẫn lập quy hoạch để các địa phương làm căn cứ điều chỉnh, xây dựng các quy hoạch có tính chất chuyên ngành kỹ thuật tích hợp vào các tỉnh, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai dự án.

Cụ thể về tình trạng chậm đưa điện lưới quốc gia về các xã đảo, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé cho biết, đầu tháng 3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có buổi làm việc tại tỉnh Kiên Giang và có ghi nhận một số kiến nghị của tỉnh. Thủ tướng đã có kết luận, Văn phòng Chính phủ đã phát thông báo chỉ đạo giải quyết các kiến nghị. Trong đó yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoàn thành kéo lưới điện vào tháng 6/2023, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được thực hiện.

“Đại biểu vừa nhận được Công văn của Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời về việc chậm triển khai dự án do thiếu vốn. Điều này đồng nghĩa với việc người dân tiếp tục phải chờ đợi và chịu thiệt thòi khi có nhu cầu thụ hưởng các thiết chế văn hóa, nên đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành quan tâm đến vấn đề này”, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé mong muốn.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn).

Phản ánh rõ hơn tình hình hoạt động của các DN cũng như đề xuất các giải pháp hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay, Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) khẳng định DN là xương sống của nền kinh tế. Cộng đồng DN không lúc này như lúc này cần được đồng hành, chia sẻ khó khăn, ưu tiên các chính sách tháo gỡ khó khăn về đơn hàng, thủ tục hành chính, vướng mắc về nguồn vốn.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị Quốc hội, Chính phủ ưu tiên các giải pháp giảm phí, thuế cho DN và người dân, nhất trí việc giảm thuế VAT 2% và kéo dài hết năm 2024. Đồng thời đẩy mạnh phát triển du lịch; cải cách để giảm các thủ tục cho các DN cũng như có phương án giải quyết các phát sinh vấn đề an sinh xã hội…

Đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển nguồn nhân lực; Chiến lược phát triển giáo dục cũng như Chiến lược phát triển đội ngũ trí thức cho giai đoạn 2021- 2030, Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa khẳng định chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quyết định đối với năng suất lao động. “Nếu không có giải pháp tổng thể, toàn diện để bảo vệ, duy trì và phát huy lợi thế của nguồn nhân lực trong thời kỳ dân số vàng, nước ta sẽ phải đối mặt với hàng loạt hệ lụy về an sinh xã hội trong tương lai; nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình sẽ là hiện hữu./.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/dai-bieu-quoc-hoi-thao-diem-nghen-trong-quy-hoach-tao-dong-luc-tang-truong-post1023765.vov