Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri chuyên đề dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Sáng 3-10, các đại biểu Quốc hội: Nguyễn Thị Kim Bé - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang; Lý Anh Thư - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang; Châu Quỳnh Dao - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học phổ thông Kiên Giang tiếp xúc 80 cử tri là đoàn viên, người lao động đang làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn TP. Rạch Giá và huyện Châu Thành.

Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang tại buổi tiếp xúc cử tri.

Nội dung tiếp xúc cử tri chuyên đề “Việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội liên quan đến vấn đề rút bảo hiểm một lần của công nhân, người lao động” trước Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV.

Tại hội nghị các cử tri quan tâm đến quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đề xuất hai phương án. Phương án 1, quy định việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau.

Nhóm 1: đối với người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Nhóm 2, đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến ngày 1-7-2025) thì không được nhận bảo hiểm xã hội một lần (trừ các trường hợp đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành).

Cử tri Tôn Nữ Mỹ Hạnh - người lao động Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hwaseung Rạch Giá phát biểu.

Phương án 2: “Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội”.

Cử tri cơ bản thống nhất phương án 2, tuy nhiên còn băn khoăn về thời gian được nhận bảo hiểm cũng như chế độ, chính sách hỗ trợ người lao động. Nhiều cử tri đề nghị luật quy định rõ cách thức thực hiện bảo lưu đối với 50% còn lại để đảm bảo quyền lợi người lao động.

Cử tri Tôn Nữ Mỹ Hạnh - người lao động Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hwaseung Rạch Giá nêu ý kiến: “Tôi thống nhất phương án 2. Tuy nhiên, phần lớn người lao động mất việc làm thì đời sống rất khó khăn, vì vậy tôi đề xuất giảm thời gian giải quyết bảo hiểm (dự thảo quy định 12 tháng) để kịp thời giải quyết nhu cầu chính đáng của người lao động, hạn chế tình trạng người lao động vay tín dụng đen. Kèm theo đó là phương án giải quyết việc làm cho người lao động để giữ chân người lao động trong hệ thống bảo hiểm xã hội”.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Bé ghi nhận những ý kiến đóng góp của cử tri, hứa nghiên cứu, tổng hợp, phản ánh đến Quốc hội...

Tin và ảnh: BÍCH TUYỀN

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/chinh-quyen/dai-bieu-quoc-hoi-tiep-xuc-cu-tri-chuyen-de-du-thao-luat-bao-hiem-xa-hoi-sua-doi-16942.html